Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:23, 25/11/2020
Diễn đàn là sự kiện được tổ chức hàng năm do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) chủ trì, quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông cùng thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động tài khóa.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nổ ra bất ngờ và diễn biến phức tạp, tàn phá nền kinh tế thế giới và tác động mạnh mẽ đến đời sống và hoạt động kinh tế của Việt Nam, Chính phủ đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về vấn đề thu, chi ngân sách trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn nợ công.
Diễn đàn tập trung thảo luận những vấn đề và lựa chọn chính sách trong lĩnh vực tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay. Các chuyên gia cũng nên thực trạng thu, chi ngân sách trong điều kiện dịch COVDI-19 và một số khuyến và ảnh hưởng của vay nợ Chính phủ đối với tăng trưởng kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những bất cập trong chính sách miễn giảm thuế VAT tại các nước cũng được các chuyên gia diễn giải như một kênh tham khảo.
Theo nghiên cứu của ThS. Phạm Văn Long, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước với con số trung bình là 78% trong giai đoạn 2006-2019. Tốc độ tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước cũng đang có xu hướng chậm lại trong ba năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên GDP đã giảm trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2016, con số này là 25,7%. Tuy nhiên, theo ThS. Phạm Văn Long, chi phí thu ngân sách vẫn còn tương đối cao so với khu vực.
Nguồn: VESS 2020 |
“Nếu như năm 2015, để thu được 100 đồng tiền thuế, ngân sách nhà nước phải bỏ ra 2,8 đồng thì con số này năm 2018 chỉ còn 2,24 đồng. Tuy nhiên, chi phí thu thuế của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước OECD (để thu được 100 đồng tiền thuế chỉ phải bỏ ra 1 đồng), Banglades (để thu được 100 đồng tiền thuế chỉ phải bỏ ra 1,35 đồng năm 2013)”, ông Long dẫn ví dụ.
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Hoài Nam cho biết, đại dịch COVID-19 có tác động đa chiều tới chi ngân sách nhà nước. Dịch bệnh đã góp phần làm giảm chi tiêu ngân sách nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại, chi đoàn ra, chi phí hội, họp… nhưng cũng cũng làm tăng lên các chi phí phòng, chống dịch bệnh và triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho người dân khắc phục hậu quả dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch trên diện rộng.
Kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng trong ngắn hạn và dự báo phục hồi chậm và phụ thuộc rất nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất thuốc và vắc xin trong trung và dài hạn.
Tại Việt Nam trong thời gian qua, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước hầu hết được khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, các hoạt động giao thông vận tải, du lịch quốc tế vẫn đóng băng, hàng hóa xuất nhập khẩu giảm sút do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Theo ông Nam, sẽ có nhiều lựa chọn chính sách tài khóa – thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình mới. Trong đó trước mắt cần tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với thu thuế, phí, lệ phí
Bên cạnh đó, cần cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách nhà nước và tăng nợ công trong ngắn hạn. Trước mắt, trong năm 2020, Chính phủ nên chọn lựa giải pháp tăng trần nợ công từ 4,99% GDP như hiện nay lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp 38,5 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế bị hạn chế do dịch bệnh, đây là “thời điểm vàng” để Việt Nam tăng cường tiềm lực để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp phụ trợ, máy móc công nghệ xuất khẩu.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Chuyên gia kinh tế độc lập Lê Hoài Nam cũng lưu ý cần có những chính sách giải ngân vốn đầu tư phát triển đột phá trong ngắn hạn. Trong đó, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong xây dựng dự toán và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng dự toán để tiết kiệm nguồn lực ngân sách nhà nước.
“Thường xuyên cập nhật tình hình giải ngân vốn đầu tư công để điều chỉnh kế hoạch phát hành trái phiếu và vay nợ Chính phủ (nếu có) phù hợp nhằm đảm bảo các nguồn vốn huy động không bị tồn đọng, lãng phí trong trường hợp nguồn vốn đầu tư phát triển phải chuyển nguồn qua nhiều năm”, chuyên gia Lê Hoài Nam khuyến nghị.
Ngoài ra, theo ông Nam, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo lộ trình và giải pháp đã đề ra. Đồng thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gián tiếp thông qua việc trợ giá các mặt hàng thiết yếu do nhà nước quản lý như giá điện, giá xăng dầu… Tăng các khoản chi hỗ trợ để nâng cao tiềm lực nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, cũng như quản lý chặt chẽ các nội dung chi hỗ trợ, chi an sinh xã hội đã ban hành, đảm bảo các nội dung chi đúng đối tượng, đúng mục tiêu đã đặt ra.
Song, ông Nam cũng khuyến nghị cần tăng bội chi ngân sách nhà nước trong ngắn hạn ở mức cao từ 5-7% GDP, có thể tiếp tục duy trì mức độ bội chi ngân sách nhà nước trên 5% GPD trong ngắn hạn (từ 3-5 năm). Điều này, góp phần giảm lãi suất vay, tạo cơ hội cho ngân sách nhà nước tái cơ cấu lại các khoản nợ với hạn mức phù hợp và mức lãi suất thấp hơn giai đoạn trước. Trong dài hạn, Việt Nam sẽ có cơ sở thuận lợi để cổ phần hóa doanh nghiệp, cải cách căn bản nền tài chính công và tạo động lực để bứt phá cho nền kinh tế.