Khách hàng băn khoăn tính bảo mật, ngân hàng “ngóng” hướng dẫn
Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng - Ngày đăng : 18:24, 25/11/2020
Chị Đỗ Thị M. (33 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) cho biết chị có sử dụng các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng để nhận tiền lương, chuyển khoản, vay nợ…. Gần đây, nhiều thông tin trên báo chí có đề cập đến việc ngân hàng có thể sẽ cung cấp thông tin về tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế, diện cung cấp thông tin khá “sâu” bao gồm giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch. Ngân hàng có thể khấu trừ thuế luôn đối với các giao dịch của khách hàng.
“Điều này khiến tôi khá băn khoăn không rõ việc thực hiện cụ thể sẽ thế nào? Tôi nghĩ không ai muốn bị tiết lộ thông tin về giao dịch, tài khoản của mình. Mong là việc thực hiện các quy định này sẽ hợp lý vừa đảm bảo thông tin cá nhân của khách hàng, người dân, vừa đảm bảo các yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước” - chị Đỗ Thị M. nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính với doanh nghiệp về chính sách thuế và hải quan năm 2020, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng nêu rõ, từ ngày 5/12 tới đây, Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực, có nhiều điểm mới liên quan tới hoạt động ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng còn một số vướng mắc.
Cụ thể, Nghị định 126 có nội dung quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế. Thời hạn cung cấp lần đầu tiên là 90 ngày kể từ khi Nghị định có hiệu lực và thời gian cung cấp các kỳ tiếp theo là 10 ngày đầu mỗi tháng.
Tuy nhiên, theo đại diện Vietcombank, đặc thù của các NHTM là khối lượng khách hàng, số lượng tài khoản rất lớn. Riêng tại Vietcombank hiện quản lý hàng triệu tài khoản của khách hàng cả nước. Nghị định 126 chưa có hướng dẫn cụ thể về cách thức cung cấp thông tin, đầu mối cung cấp thông tin để thực hiện.
Cũng tại Nghị định 126, NHTM có nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn với các giao dịch điện tử, phát sinh của người nộp thuế liên quan các nhà cung cấp ở nước ngoài như Facebook, Google, YouTube…
Tuy nhiên, ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán chỉ là đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán nên thiếu thông tin để xác định rằng khoản tiền nào là liên quan tới thu nhập của người nộp thuế phải xác định nghĩa vụ thuế. Điều này dẫn tới việc ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện quy định của Nghị định 126.
Về trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của Người nộp thuế, Điều 30 khoản 2 điểm a Nghị định 126 quy định:
"2. Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế như sau:
a) Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
b) Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử."
Như vậy, với qui định trên đây, việc triển khai, thực hiện của NHTM có một số khó khăn, vướng mắc. Trước hết, theo qui định NHTM sẽ cung cấp các "Thông tin về tài khoản..." sau khi có đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Mà qui định pháp luật về thuế thì các cơ quan quản lý thuế gồm nhiều đơn vị như Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực.... Do vậy, để đảm bảo kết nối, báo cáo điện tử, bảo đảm kiểm soát an toàn, bảo mật... thì cần phải giao cho một cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền thực hiện đưa ra đề nghị này.
Thêm đó, hiện các NHTM không yêu cầu chủ tài khoản cá nhân cung cấp thông tin mã số thuế. Việc cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin theo mã số thuế sẽ là khó khăn cho các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, cơ quan thuế cần cung cấp thông tin chứng minh thư, căn cước công dân... để làm cơ sở tra cứu cung cấp thông tin tài khoản. Nếu NHTM phải yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thuế thì việc này cần có thời gian để thu thập, ghi nhận, cập nhật trên hệ thống dữ liệu.
Về việc NHTM cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch tài khoản, Điều 30 khoản 2 điểm c Nghị định 126 đã có qui định rất rõ, theo đó "NHTM cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế".
Với qui định này thì điều kiện để NHTM cung cấp thông tin đòi hỏi một số yếu tố. Về hình thức, phải có đề nghị bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế. Về thẩm quyền, phải là thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ký văn bản. Mục đích yêu cầu cung cấp là để phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế.
Về nguyên tắc, việc yêu cầu cung cấp thông tin cần phù hợp với việc cơ quan quản lý thuế công khai thông tin người nộp thuế theo qui định tại Điều 29 Nghị định 126. Theo đó, một số trường hợp phải công khai thông tin người nộp thuế bao gồm trốn thuế, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, không nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, các hành vi vi phạm pháp luật về thuế… Nếu không thuộc trường hợp công khai thông tin thì cơ quan quản lý thuế không được yêu cầu cung cấp thông tin.