Hội nghị đối thoại chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan 2020: Ngân hàng đề nghị tháo gỡ nhiều vướng mắc

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 19:08, 25/11/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng 24/11, tại Hà Nội Bộ Tài chính phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2020. Hội nghị thu hút sự chú ý của gần 500 doanh nghiệp (DN) khu vực phía Bắc.

Đây là lần đối thoại thứ 15 và công tác đối thoại thường xuyên được tổ chức mỗi năm một giữa cơ quan thuế, hải quan và cộng đồng doanh nghiệp.

Thuế, hải quan đẩy mạnh ứng dụng quản lý hiện đại

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, các vấn đề liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn được cơ quan thuế, hải quan cũng như VCCI quan tâm và hỗ trợ đặc biệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Ngành thuế, hải quan đã áp dụng các bộ công cụ quản lý hiện đại, chuyển từ nền hành chính quản lý sang hành chính phục vụ. Nhưng thực tế vẫn còn nhiều vấn đề liên tục phát sinh trong thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chưa kể áp lực phải tuân thủ các định chế quốc tế mà Việt Nam tham gia.

“Cộng đồng doanh nghiệp cần được hướng dẫn từ cơ quan thuế, hải quan từ trung ương đến địa phương để tuân thủ” - ông Hoàng Quang Phòng nói.

 

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh, thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua và giai đoạn 2016-2020, đặc biệt năm 2020, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.

Cụ thể, trong lĩnh vực thuế, với mục tiêu cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tài chính đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai các ứng dụng quản lý thuế hiện đại, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Theo đó, đã cung cấp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và 63 cục thuế, trong đó đã tích hợp 150 thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống khai thuế điện tử hiện chiếm khoảng 99,32% doanh nghiệp đang hoạt động hơn 11,28 triệu hồ sơ. Ngoài ra, ngành thuế đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với khoảng 780,6 nghìn doanh nghiệp, đạt tỷ lệ 97,63%; đẩy mạnh triển khai hệ thống hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh với số doanh nghiệp tham gia là 8.131, đạt 95,85%.

Cơ quan thuế cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng; triển khai lệ phí trước bạ điện tử đối với ôtô, xe máy tại 2 Cục Thuế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh...

Tại hội nghị, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế đã thông tin tới cộng đồng DN những chính sách mới ban hành, chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Sau khi nghe đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giới thiệu những văn bản, chính sách mới ban hành, hội nghị đã lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của DN trong quá trình thực hiện thủ tục thuế, hải quan.

3 câu hỏi từ ngân hàng

Tại hội nghị, đại diện tới từ Vietcombank nêu lên 3 vướng mắc.

Thứ nhất, theo Nghị quyết 42 về xử lý nợ, khi chuyển quyền sở hữu bất động sản là tài sản bảo đảm được xử lý, Nghị quyết 42 cho phép tiền thu được xử lý thu nợ trước khi thực hiện các nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, quy định ngành thuế lại buộc chủ tài sản phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân trước khi thực hiện nghĩa vụ nợ. Trong khi đó, khách hàng đã bị xử lý tài sản bảo đảm cơ bản không còn khả năng tài chính để thực hiện nghĩa vụ thuế. Khúc mắc này dẫn đến việc xử lý nợ theo Nghị quyết 42 không đạt mong muốn. Do đó, Vietcombank đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho ngân hàng.

Thứ hai, Vietcombank đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thuế giá trị gia tăng đối với L/C. Đại diện Vietcombank cho biết vừa rồi Tổng cục Thuế có văn bản yêu cầu cơ quan thuế các địa phương hướng dẫn NHTM rà soát các khoản thu liên quan L/C để xác định nghĩa vụ thuế. Theo cơ quan thuế, L/C là hình thức thanh toán nên các khoản phí phải chịu thuế giá trị gia tăng. Trong khi, các ngân hàng cho rằng L/C là cam kết của ngân hàng thương mại về việc thanh toán cho người bán. Do đó, L/C về bản chất là khoản tín dụng. Ngân hàng đề nghị có hướng dẫn cụ thể để xác định khoản phí nào chịu thuế, khoản phí nào không chịu thuế. Vấn đề này có tác động đến cả các doanh nghiệp.

Thứ ba, Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12/2020 tới đây có tại Điều 30 quy định về việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán theo yêu cầu của cơ quan thuế. Việc này phải thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. Với đặc thù ngân hàng thương mại có khối lượng khách hàng rất lớn, hàng chục triệu tài khoản ở khắp các chi nhánh, để tạo thuận lợi khi thực hiện, Vietcombank đề nghị cơ quan thuế hướng dẫn cách thức, đầu mối cung cấp thông tin.

Tương tự, đối với quy định ngân hàng thương mại có nghĩa vụ khấu trừ thuế tại nguồn đối với các giao dịch điện tử, các ngân hàng thương mại chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, không có thông tin để xác định khoản nào của khách hàng liên quan đến nghĩa vụ thuế cần khấu trừ. Do đó, các ngân hàng cần được hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Trả lời các kiến nghị này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đối với thuế thu nhập cá nhân của người có tài sản bảo đảm bị xử lý, Chính phủ đã họp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước. Từ năm 2017, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước quán triệt với các ngân hàng về việc ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về các nghĩa vụ thuế. Cho tới nay, chưa có quy định nào về miễn thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm. Với định hướng bảo đảm lợi ích cá nhân của người yếu thế, việc xử lý theo hướng yêu cầu phải nộp thuế thu nhập cá nhân trước khi giải quyết nghĩa vụ nợ.

Về L/C, Khoản 15 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng có quy định về cung ứng dịch vụ thanh toán trong đó có L/C.  Khi là dịch vụ thanh toán, theo Luật thuế Giá trị gia tăng, Tổng cục thuế đã hướng dẫn thực hiện. Đây là vướng mắc được Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng thương mại phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước cho rằng thư tín dụng có 2 phần gồm phần thanh toán và có phần tín dụng. Cơ quan thuế đã có văn bản trình Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn rõ trường hợp nào là cấp tín dụng, trường hợp nào là thanh toán qua tài khoản trên cơ sở đó các ngân hàng thương mại thực hiện theo Luật thuế giá trị gia tăng.

Liên quan Nghị định 126, ông Đặng Ngọc Minh cho biết sắp tới cơ quan thuế sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành quy trình, quy chế thực hiện việc cung cấp dữ liệu tài khoản khách hàng. Về khấu trừ thuế đối với các cá nhân thanh toán ra ngoài cho nền tảng số, đây là nghĩa vụ mới của các ngân hàng thương mại. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trao đổi với Tổng cục Thuế; thời gian tới, sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Hoàng Duy