Nhiều văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế đã được ban hành

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:37, 07/12/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), nhiều văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế đã được ban hành nhằm đảm bảo hàng lang pháp lý đồng bộ, thống nhất tạo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.

Mở rộng đối tượng sử dụng hóa đơn

Ông Lưu Đức Huy cho biết, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022. Nghị định khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 1/7/2022.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính)

Nghị định mở rộng thêm các đối tượng sử dụng hóa đơn, chứng từ bao gồm tổ chức thu thuế, phí, lệ phí; tổ chức có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân; tổ chức in hóa đơn, biên lai, cung cấp phần mềm in biên lai.

Cùng với đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 26 Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoá đơn điện tử khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ.

Thông tư số 88 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2020 trong đó gia hạn thời gian có hiệu lực của một số văn bản hiện hành khác của Bộ Tài chính hiện hành về hoá đơn có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022.

Tăng mức phạt tiền

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn tăng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thời hạn về đăng ký thuế; hành vi vi phạm thời hạn thông báo thay đổi thông tin trong đăng ký thuế; Hành vi khai sai, khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế không dẫn đến thiếu số tiền thuế; hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế; hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế; hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế...

Tuy nhiên, Nghị định bổ sung một số trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Chẳng hạn không xử phạt vi phạm, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp vi phạm do thực hiện theo văn bản hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân mà có phát sinh số tiền thuế được hoàn không xử phạt. Không xử phạt hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã bị ấn định thuế theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định quy định rõ về tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính thuế quy mô lớn” là vi phạm hành chính với số tiền thuế từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc giá trị hàng hóa, dịch vụ từ 500.000.000 đồng trở lên. Số tiền thuế này có thể là số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn hoặc số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn. Đối với tình tiết tăng nặng “vi phạm hành chính về hóa đơn” có quy mô lớn là vi phạm hành chính từ 10 số hóa đơn trở lên.

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, Nghị định bổ sung quy định về thời hiệu đối với hành vi vi phạm đã kết thúc và hành vi vi phạm đang thực hiện.

Quản lý thuế đối với giao dịch thương mại điện tử, trên nền tảng số

Một văn bản nhận được nhiều sự quan tâm gần đây là Nghị định 126 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Nghi j định quy định về cung cấp thông tin, nghị định đã quy định chi tiết ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản của người nộp thuế cho Tổng cục Thuế bằng phương thức điện tử, đặc biệt là quy định khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế cho nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú, nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên nền tảng số tại Việt Nam.

Một trong những nội dung của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP được nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm là quy định về quản lý thuế đối với người nộp thuế trong thời hạn tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn. Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về quản lý thuế trong công tác thu nợ, thanh tra, kiểm tra, quản lý hóa đơn, xử phạt đối với người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, về nội dung hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, nghị định đã quy định các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh khi chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đối với cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam. Đồng thời, quy định trình tự, thủ tục trong việc phối hợp tạm hoãn xuất cảnh giữa cơ quan thuế và cơ quan xuất nhập cảnh.

Xử lý những vướng mắc trong quản lý giao dịch liên kết

Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, Nghị định 68 nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%, áp dụng phương pháp tính chi phí lãi vay thuần (chỉ tính chênh lệch giữa lãi đi vay và lãi tiền gửi).

Tuy nhiên, không áp dụng khống chế chi phí lãi vay đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA; vay ưu đãi của Chính phủ…

Đối với tính thuế TNDN năm 2017, năm 2018, cho phép xử lý hồi tố. Người nộp thuế thực hiện bù trừ phần chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm 2020. Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào 5 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết. Trường hợp đã xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc đang giải quyết theo trình tự khiếu nại thì không điều chỉnh lại số tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.

Cũng liên quan đến giao dịch liên kết, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đảm bảo thuận lợi cho người nộp thuế và cam kết của Việt Nam khi tham gia diễn đàn BEPS của OECD phù hợp với điều kiện bối cảnh của Việt Nam. Trước đây, quy định yêu cầu nộp báo cáo nói trên cùng thời điểm nộp tờ khai quyết toán. Quy định mới cho phép chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao.

Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhận được qua hình thức trao đổi thông tin tự động nếu nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước có ký thoả thuận. NNT chỉ phải cung cấp cho cơ quan thuế trong trường hợp nhà chức trách có thẩm quyền của 2 nước không ký thoả thuận.

Hoàng Duy