Chuyển đổi số - chìa khóa “biến nguy thành cơ”

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 17:10, 12/12/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 12/12/2020, Trường đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số ngành ngân hàng trong bối cảnh bất định: Biến nguy thành cơ”.

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo

Chuyển đổi số cơ hội tăng trưởng khách hàng

Tại Hội thảo, GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng - trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, chuyển đổi số được đánh giá là “động lực mới của tăng trưởng”, là chìa khóa để “biến nguy thành cơ” góp phần thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn.

“Ngân hàng số là đích đến, còn chuyển đổi số là một quá trình với nhiều cấp độ. Con đường chuyển đổi số với hàng loạt vấn đề như thể chế và pháp lý, kinh nghiệm thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực... đang được quan tâm, nhận diện nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh chóng và hiệu quả” – GS. TS Trần Thọ Đạt nói.

GS. TS Trần Thọ Đạt đánh giá, đối với ngành Ngân hàng, chuyển đổi số đang diễn ra sôi động, tốc độ tăng trưởng của mobile banking lên đến 200% và hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán mỗi ngày.

Hiện có 70 tổ chức tín dụng chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán với giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet đạt 7 triệu tỷ đồng vào 300.000 tỷ đồng qua điện thoại di động.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - cho biết 95% ngân hàng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh công nghệ thông tin. Có 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Trong vòng 3 – 5 năm tới, chuyển đổi số có thể tạo ra sự tăng trưởng về doanh thu, kéo theo đó là lợi nhuận. Có 82,5% ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng doanh thu ít nhất 10%, 58% ngân hàng kỳ vọng trên 60% khách hàng sử dụng kênh số và hơn 44% ngân hàng kỳ vọng tỷ lệ tăng trưởng khách hàng đạt mức trên 50%.

Trên thực tế, trong số các ngân hàng đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số thì phần lớn lựa chọn triển khai số hóa dần các kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ. Một bộ phận có kế hoạch thiết lập thương hiệu mới và một số ít chỉ tiến hành số hóa kênh giao tiếp khách hàng. Có ngân hàng đã gia tăng gấp 3 doanh thu nhờ quá trình chuyển đổi số.

Nhiều dịch vụ ngân hàng được số hóa 100% như ví điện tử, thẻ ngân hàng, cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử, nhận tiền gửi. Nhiều ngân hàng thực hiện hơn 90% nghiệp vụ trên môi trường mạng. Một số hoạt động số hóa trong tương lai sẽ được triển khai mạnh mẽ chẳng hạn như tín dụng tiêu dùng cá nhân.

Khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng – những yếu tố quan trọng

Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước - chia sẻ tại hội thảo

Mặc dù chuyển đổi số tạo ra kỳ vọng về doanh thu, lợi nhuận nhưng cũng đặt ra thách thức cho sự phát triển ngân hàng số. Đó là vấn đề về khuôn khổ pháp lý với những vấn đề mới phát sinh như quy định pháp luật về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử; các vấn đề về định danh và xác thực; các cơ chế và quy định về chia sẻ dữ liệu.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 16/2020/TT-NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử. Ngân hàng được quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng phục vụ việc mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, đây là những quy định nền tảng cho ngân hàng số. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và bám sát thực tiễn thị trường để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý vừa tạo điều kiện cho các phương thức giao dịch mới vừa đảm bảo sự bền vững của thị trường.

Bên cạnh khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng là yếu tố then chốt. Ngân hàng số đòi hỏi hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật... Thực tế, đa số các công nghệ phổ biến đều được các ngân hàng quan tâm ứng dụng hoặc có kế hoạch ứng dụng cho các hoạt động nghiệp vụ. Phân tích dữ liệu và dữ liệu lớn đang được ứng dụng rộng rãi nhất cho các hoạt động nghiệp vụ.

Ngân hàng số bản chất là sự kết nối tích hợp ở mức cao nhất đối với các đối tác, cung ứng dịch vụ.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank - chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số 

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank - cho biết đối với VietinBank ngân hàng số không có nghĩa thay thế giao dịch viên bằng một robot mà là làm sao để giao dịch viên phục vụ khách hàng nhanh hơn, tốt hơn.

Trong tháng 12 tới đây, khi Thông tư 16 đã có hiệu lực, VietinBank sẽ triển khai dịch vụ mở tài khoản mới Ipay thực hiện bằng công nghệ định danh điện tử và phục vụ khách hàng mọi dịch vụ trên mobile từ việc mở thẻ, chuyển tiền, mua sắm...

Với mục tiêu kép tăng cường trải nghiệm cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật, ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết, VietinBank sẽ cung cấp cho khách hàng dịch vụ xác thực bằng khuôn mặt. Theo đó, chỉ có khuôn mặt của chủ tài khoản mới có thể chuyển tiền ra khỏi tài khoản. “Mật khẩu có thể bị đánh cắp, điện thoại có thể cho mượn nhưng khuôn mặt thì không. Triển khai toàn bộ eKYC sẽ giúp ngân hàng triển khai dịch vụ tài chính rộng rãi phổ cập và còn giúp phòng ngừa gian lận” – ông Trần Công Quỳnh Lân nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm, ông Lân cho biết, qua quá trình làm việc với cơ quan công an trong một số vụ việc vi phạm pháp luật, có trường hợp chỉ trong vòng 3 phút, tài khoản nhận được tiền đã kịp chuyển số tiền đó qua 8 tài khoản của 8 ngân hàng khác nhau và cả 8 tài khoản người sử dụng đều không phải chủ tài khoản. Nếu sử dụng công nghệ sinh trắc học khuôn mặt thì không thể có việc đó xảy ra. Tài khoản mở bằng khuôn mặt nào chỉ khuôn mặt đó mới có thể thực hiện giao dịch. Thông tư 16 cũng nhấn mạnh các ngân hàng phải đảm bảo người đăng ký mở tài khoản là người thực hiện các giao dịch trên tài khoản đó. Như vậy, kẻ gian không thể gian lận bằng cách mua tài khoản, thuê mở tài khoản, đánh cắp tài khoản...

Để phục vụ khách hàng nhanh chóng hiệu quả, sức lực nội tại của ngân hàng là quan trọng, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống. VietinBank đã xây dựng hơn 37 ứng dụng trên mobile nhằm hỗ trợ, cho phép nhân viên tác nghiệp thuận tiện và hiệu quả hơn. Cùng với đó là các chatbox như nghỉ phép, hỗ trợ vận hành, hỗ trợ khách hàng, hỗ trợ khóa thẻ... Những ứng dụng số trong hệ thống giúp cho nhân viên   ngân hàng làm việc hiệu quả hơn.

Đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số

Chuyển đổi số đem lại những thách thức nhất định cho nhân lực ngành Ngân hàng. Từ góc độ của người đào tạo, PGS.TS Lê Thanh Tâm (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhận xét: Nhiều công việc cũ bị mất đi hoặc thu hẹp nhưng bù lại, nhiều công việc mới đã xuất hiện. Vấn đề là nhân lực phải đáp ứng được các yêu cầu mới của quá trình chuyển đổi. Để đào tạo nhận lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, Đại học Kinh tế Quốc dân chú trọng cập nhật ngành học, chương trình, bài giảng...; hướng dẫn trang bị phương pháp học tập và làm việc, các kỹ năng mềm; củng cố trang bị các thái độ cần thiết để thích ứng với sự chuyển đổi số trong công việc và cuộc sống.

Đại học Kinh tế quốc dân cũng cập nhật các môn học mới gắn với chuyển đổi số như quản trị rủi ro, quản trị tài chính, Fintech, phân tích dữ liệu lớn trong tài chính. Đồng thời tăng thời lượng chuyên sâu và kiến thức nền tảng về chuyển số, tăng cường hợp tác với các đơn vị thực tiễn (ngân hàng, công ty tài chính, công ty Fintech...).

Nhìn chung, để thúc đẩy phát triển ngân hàng số, đòi hỏi nhiều yếu tố từ sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nỗ lực của các ngân hàng, sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân cho đến cơ sở đào tạo - nơi cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu mới. Cụ thể hơn, ông Phạm Tiến Dũng đề cập đến một số kiến nghị, đề xuất trong đó quan trọng nhất phải đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... Cùng với đó, là yêu cầu sửa đổi hoặc thay thế Luật Giao dịch điện tử tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để thúc đẩy giao dịch điện tử. Đồng thời, cần có quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin. Người dân cần được nâng cao hiểu biết về ứng dụng kỹ thuật số, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực...

Hoàng Duy