Ngân hàng Nhà nước tổ chức tập huấn các nội dung của Thông tư 14/2020/TT-NHNN

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 11:46, 17/12/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về một số nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Thông tư 14/2020/TT-NHNN ngày 16/11/2020 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số vụ, cục thuộc NHNN cùng lãnh đạo NHNN các chi nhánh tỉnh, thành phố phụ trách công tác tư pháp và toàn thể cán bộ làm công tác thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, qua thời gian theo dõi công tác giám định tư pháp (GĐTP) của ngành Ngân hàng trong những năm vừa qua, quá trình công tác GĐTP là một khâu rất quan trọng, là chứng cứ giúp cơ quan tố tụng có thể xử lý vụ việc một cách khách quan. Do vậy, việc thực hiện công tác GĐTP cần có kết quả đúng, đảm báo tính chính xác, khách quan, điều đó sẽ giúp các cơ quan tố tụng có những chứng cứ để xử lý vụ việc nhanh chóng, hiệu quả. Việc GĐTP chính xác, khách quan là đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan. Vì vậy, công tác GĐTP cần đảm bảo được thực hiện khách quan, trung thực và chính xác.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thụy – Trưởng phòng Thanh tra hỗ trợ tư pháp và quản lý giám định tư pháp, Cục bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp chia sẻ: “Cho tới thời điểm hiện tại, qua quá trình theo dõi thống kê các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp Trung ương,… NHNN là cơ quan Trung ương đầu tiên ban hành văn bản hướng dẫn Luật GĐTP theo tinh thần của Luật sửa đổi, cũng là cơ quan ở cấp Trung ương đầu tiên tổ chức lớp tập huấn các quy định mới về công tác GĐTP. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo NHNN đến công tác GĐTP ở ngành Ngân hàng, nhằm tháo gỡ vướng mắc khó khăn cũng như đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP ở lĩnh vực này”.

Đối với một số nội dung mới cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GĐTP, những điểm mới được bà Thụy trình bày tóm tắt qua 09 nội dung như sau: Mở rộng phạm vi GĐTP – từ giai đoạn “khởi tố”; Cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm; Bổ sung tổ chức giám địn kỹ thuật hình sự ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức GĐTP theo vụ việc và Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện GĐTP; Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người giám định (nhất là được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định); nghĩa vụ của chủ thể trưng cầu, yêu cầu GĐTP; Quy định cụ thể hơn cơ thế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu GĐTP; Bổ sung quy định về thời hạn giám định; Sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn; Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác GĐTP.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn phát biểu tại Hội nghị

Trong đó, bà Thụy nhấn mạnh điểm mới về việc tăng cường trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với công tác GĐTP như: Ban hành quy trình giám định (trong đó căn cứ yêu cầu và tính chất đặc thù của lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý quy định cụ thể về thời hạn đối với từng loại việc giám định); Kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức GĐTP có thành tích xuất sắc trong hoạt động GĐTP ở bộ, ngành mình…(khoản 1 Điều 41)…

Tại buổi tập huấn, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã trình bày tóm tắt nội dung Thông tư 14/2020/TT-NHNN ngày 16/11/2020 của Thống đốc NHNN quy định về GĐTP trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Về tổng thể bố cục và nội dung cơ bản của Thông tư bao gồm 03 chương, 29 điều, cụ thể như sau: Chương I là những quy định chung, gồm 04 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; lĩnh vực GĐTP; thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp, thu hồi thẻ giám định tư pháp, công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người GĐTP theo vụ việc, thành lập hôi đồng giám định. Chương II quy định cụ thể, gồm 03 mục, 22 điều (từ Điều 5 đến Điều 26), trong đó: Mục I – Quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm; cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, gồm 05 điều (từ Điều 5 đến Điều 9); Mục 2 – Quy chuẩn chuyên môn, tiếp nhận trưng cầu, quy trình, thời hạn thực hiện GĐTP trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, gồm 14 Điều (từ điều 10 đến Điều 23; Mục 3 – trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, gồm 03 điều (từ Điều 24 đến Điều 26). Chương III là các điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 27 đến Điều 29).

Cũng tại Hội nghị, ông Phạm Huyền Anh – Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã trao đổi, thảo luận và nhấn mạnh những điểm cần lưu ý liên quan đến việc triển khai thực hiện theo quy định của Thông tư 14. Ông Phạm Huyền Anh đề nghị, sau Hội nghị các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu kỹ các quy định tại Thông tư và các quy định pháp luật liên quan để hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.

P.V