“Sức nặng” thuế cần phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:22, 17/12/2020
|
Cần hướng đến thu thuế thu nhập hiệu quả hơn
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu, tổng thu thuế của Việt Nam có xu hướng giảm dần trên tỷ trọng GDP cả về sắc thuế cũng như thuế suất. Từ năm 2006, tỷ trọng thu thuế trong tổng thu ngân sách giữ vững ở mức trên 80%. Tỷ trọng này đã giảm xuống còn 75% do thu từ phí, lệ phí và các nguồn thu không phải từ thuế tăng một cách tương đối trong cơ cấu thu ngân sách. Tốc độ tăng thu thuế là tương đương với tốc độ tăng của GDP. Kể từ năm 2011 tỷ lệ thuế/GDP của Việt Nam ổn định ở mức quanh 18%.
Tỷ trọng thuế trực thu giảm liên tục từ năm 2012 - 2017, từ 44,6% xuống còn 33,8%. Điều này phần nào giảm đi tính lũy tiến của hệ thống thuế tại Việt Nam.
Thuế trực thu là thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Thuế trực thu có tính lũy tiến, đi cùng với đó là các khó khăn trong việc thống kê thu thuế do đói tượng nộp thuế rất rộng. Tỷ trọng thuế trực thu trên GDP giảm từ 10% năm 2006 xuống còn 5,67% vào năm 2017. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất mặc dù đang có xu hướng giảm. Một trong những nguyên nhân chính là việc áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Thuế gián thu là các loại thuế đánh vào sản phẩm, không đánh trực tiếp vào thu nhập của đối tượng chịu thuế. Tỷ trọng của thuế gián thu trong tổng thu thuế ngày càng gia tăng và đã vượt quá con số 60% vào năm 2016, chiếm 11% GDP. Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu lớn nhất trong các loại thuế gián thu, chiếm từ 50% đến 60% tổng số thu của thuế gián thu trong giai đoạn 2006 – 2019.
Việt Nam là nước có thu nhập thấp nhất trong nhóm các nước tương tự trong ASEAN nhưng tỷ trọng thu thuế/GDP của Việt Nam là cao nhất. Điều này cho thấy gánh nặng thuế tại Việt Nam đang quá lớn và cần có sự thay đổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Phạm Thế Anh phân tích thế, khi GDP và thu ngân sách tăng, tỉ trọng về thuế thu nhập (bao gồm thuế TNCN và thuế TNDN) trong thu thuế thường tăng, thay thế cho các loại thuế tiêu thụ và thương mại.
“Hiện tại tỉ trọng thu thuế thu nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp. Xu hướng cho thấy thuế trực thu vẫn đang tiếp tục giảm về tỉ trọng so với số gián thu. Cải cách thuế cần xây dựng hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu”, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Thuế tài sản còn khó thực hiện
|
Tại hội thảo, vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra thảo luận liên quan đến thuế tài sản, đây là loại thuế mang lại nguồn thu cho ngân sách khá lớn nhưng lại khó thực hiện.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam có một số loại thuế liên quan tới tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp... Những năm qua, Bộ Tài chính cũng đã dự thảo thuế tài sản và thảo luận vấn đề này nhưng vẫn chưa ban hành được.
Bộ Tài chính từ năm 2011-2020 đã có dự thảo và thảo luận nhưng chưa ban hành được vì một số vướng mắc thực tiễn. Hiện, theo quy định pháp luật, UBND các tỉnh, thành phố ban hành giá đất để làm căn cứ xác định giá tính thuế trong hoạt động chuyển nhượng, chuyển đổi. Khung giá đất có sự chênh lệch rất lớn với giá giao dịch thực tế trên thị trường. Vấn đề là, căn cứ vào giá thị trường hay giá Nhà nước để tính thuế? Chưa kể, có những trường hợp được thừa hưởng nhà đất có giá trị lớn nhưng thu nhập của người được thừa hưởng lại rất thấp. Vậy đánh thuế trên tài sản nhà đất đó ra sao khi thu nhập không đủ nộp thuế? Chính vì vậy, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, khẳng định: Việc ban hành luật là không hề đơn giản.
Thống kê cũng cho biết, một số loại thuế sau đây ở Việt Nam có chức năng giống với thuế tài sản như: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (có 3 mức thuế suất 0,03% với đất nằm trong hạn mức, 0,07% với diện tích đất vượt hạn mức không quá ba lần và 0,15%); thuế sử dụng đất nông nghiệp; lệ phí trước bạ đối với nhà, đất, súng, tàu, thuyền, máy bay, mô tô và ô tô các loại (mức thu phổ thông là 2%, đặc biệt đối với nhà và đất là 0,5%, với tàu thuyền là 1%; ô tô dưới 10 chỗ ngồi có thể bị đóng phí trước bạ ở mức 10% đến 20%). Song số thu từ các loại thuế này chỉ đóng góp vào ngân sách một phần khiêm tốn.