Tác động của mối quan hệ hợp tác ngân hàng - công ty công nghệ
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 17:19, 18/12/2020
Những quan hệ đối tác có ý nghĩa chiến lược
Các động thái của các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực ngân hàng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt vào năm 2019. Apple hợp tác với Goldman Sachs để cung cấp thẻ tín dụng miễn phí được nhúng trong ví di động Apple Pay. Sau đó, Google hợp tác với Citigroup và Stanford Federal Credit Union để cung cấp các tài khoản thanh toán có thể truy cập thông qua ứng dụng Google Pay. Xen giữa là việc Facebook công bố kế hoạch của mình cho tiền điện tử Libra và ví kỹ thuật số Calibra, sau đó là một số cải tiến Facebook Pay ít gây tranh cãi hơn. Trong khi đó, JPMorgan Chase đã phát triển một sản phẩm ví điện tử mà họ đang cung cấp cho Amazon, Lyft và các nền tảng thương mại điện tử khác.
Những quan hệ đối tác này có ý nghĩa chiến lược cho cả những người khổng lồ công nghệ và các ngân hàng. Chẳng hạn như Goldman Sachs tăng được số dư thẻ tín dụng, đẩy nhanh tăng trưởng cho vay và củng cố bước đột phá vào ngân hàng bán lẻ, trong khi Apple cung cấp cho người tiêu dùng một cách để vay tiền mua hàng trong khi giảm thiểu rủi ro về vốn và rủi ro. Trong quan hệ đối tác của Google và Citigroup, Citi có thể mở rộng ra ngoài mạng lưới chi nhánh tương đối hạn chế của mình bằng cách cung cấp tài khoản thanh toán cho người dùng Google trên mạng. Đây có khả năng là một cách để vượt qua các đối thủ cạnh tranh kỹ thuật số, vì mạng lưới Citibank ở Hoa Kỳ chỉ bao gồm hơn 700 chi nhánh so với hơn 4.000 chi nhánh của mỗi ngân hàng như Bank of America, Wells Fargo và JPMorgan Chase.
Michael Corbat, CEO của Citigroup, giải thích tư duy chiến lược của Citi, và cách thức thỏa thuận tạo lịch sử với Google giúp họ phát triển “Chúng tôi ý thức rất rõ việc mối quan hệ này không phải là một tiện ích ngu ngốc … không từ bỏ quyền sở hữu mối quan hệ khách hàng”. Ông cũng thừa nhận rằng quan hệ hợp tác luôn chứa đựng nguy cơ. Nhưng ông nói rằng cuộc trao đổi với Fintech và các công nghệ lớn đã khiến ngân hàng thay đổi để ủng hộ sự cùng tồn tại. Tuy nhiên, ông cảnh báo các tổ chức tài chính hãy cẩn thận xem xét số tiền họ đưa vào quan hệ đối tác so với số tiền họ nhận được. “Những gì chúng tôi đã thấy là sự cùng tồn tại. Chúng tôi đang phát triển nhiều thứ của riêng mình. Chúng tôi đang hợp tác. Chúng tôi đang mua. Một số Fintech là đối tác lớn trên nền tảng của chúng tôi. Một số Fintech là khách hàng tuyệt vời của công ty, nếu xét về các dịch vụ mà chúng tôi cung cấp cho họ.”
Tăng quy mô giao dịch và có quyền truy cập kho dữ liệu giao dịch
Lợi ích của Google trong các thỏa thuận này không phải là việc trở thành một ngân hàng, và công ty công nghệ này cũng không có quyền truy cập vào tiền gửi. Gã khổng lồ công nghệ đang tham gia vào các giao dịch này thông qua dịch vụ Google Pay đang hoạt động kém hiệu quả. Cả hai bên có thể tăng được quy mô giao dịch và có quyền truy cập vào kho dữ liệu giao dịch.
Các giám đốc điều hành trong ngành ngân hàng và các chuyên gia đang tiếp tục tham khảo những thông tin ít ỏi có sẵn liên quan đến quan hệ đối tác tài khoản giao dịch Google-Citigroup dự kiến ra mắt trong năm 2020, cố gắng tìm hiểu xem hai “đại gia” sẽ làm gì. Trong khi không có nhiều dữ kiện, có thể coi thỏa thuận này như một phần tiềm năng của một chiến lược lớn hơn. “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một cách rất hiệu quả để đưa khách hàng mới đến với ngân hàng”, ông Corbat nói.
Rất nhiều chủ thẻ tín dụng Citi không có quan hệ tiền gửi với ngân hàng này và họ đang rất nỗ lực để thay đổi điều đó. Mạng lưới ATM của Citi trùng lặp khá nhiều với mạng lưới chủ thẻ bên ngoài những điểm đặt phòng giao dịch của họ. “Chúng tôi có cơ hội trở thành người thách thức số với cơ sở khách hàng rộng lớn, chưa khai phá, được hỗ trợ bởi mạng lưới ATM toàn quốc” - Anand Selvakesari, phụ trách mảng ngân hàng bán lẻ US của Citi phát biểu tại hội nghị các nhà đầu tư vào tháng 11/2019. Theo ông Selvakesari, trong năm 2019 số tiền gửi Citi thu hút được qua các kênh kỹ thuật số đã tăng gấp 4 lần, trong đó 2/3 số tiền huy động mới đến từ bên ngoài mạng lưới chi nhánh của họ.
Ông Corbat đã nói rằng Citi thấy rõ dữ liệu từ các hoạt động thẻ là điều sống còn để tăng trưởng tiền gửi và các hoạt động kinh doanh khác từ các chủ thẻ. Ngoài thẻ của Citi là các loại thẻ phát hành trên danh nghĩa các đối tác như Costco Wholesale, nâng tổng số thẻ lên gần 200 triệu. “Chúng tôi có khả năng tiếp tục xây dựng dựa trên điều đó và dựa vào lợi thế mà chúng tôi có. Chúng tôi biết bạn sống ở đâu, tiêu gì, kiếm được bao nhiêu và ngân hàng của bạn là ngân hàng nào”.
Corbat coi đây là một cơ hội lớn để nhắm mục tiêu người tiêu dùng mới tiềm năng, bao gồm cả người gửi tiền. “Đó là một cơ hội duy nhất, bởi vì thực sự không có ngân hàng nào khác có sự hiện diện quốc gia mà chúng tôi có từ danh mục thẻ của mình”, ông Corbat nói thêm.
Việc có tất cả các dữ liệu mà Corbat mô tả cho phép Citi tiếp cận những khách hàng tiềm năng này với mức độ cá nhân hóa cao. Giám đốc tài chính Mark Mason nói với các nhà phân tích rằng Citi biết loại ưu đãi nào mà khách hàng thẻ của họ thích. “Vì vậy, chúng tôi có thể tạo ra các gói để thưởng cho họ những lợi ích mà họ ưa thích”.
Trong ba quý đầu năm 2019, Citi đã huy động được 4 tỷ đô la tiền gửi thông qua các kênh kỹ thuật số, và cho đến nay, công ty đã mô tả những nỗ lực kỹ thuật số đó trong hơn một lần như các “thử nghiệm”. Những thành công ban đầu này rất quan trọng đối với Citi vì họ không có truy cập vào tiền gửi thanh toán như các đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn như Chase đã và đang đưa các chi nhánh vật lý đến các thị trường mới với nhiều sự phô trương. Citi không phản đối việc lập với các chi nhánh mới, nhưng có thể chỉ lập chi nhánh sau khi tăng trưởng kỹ thuật số đã tạo được một cộng đồng khách hàng có thể hưởng lợi từ các văn phòng.
Từ phía Google, “biết về các mô hình chi tiêu là một công cụ mạnh mẽ hơn nhiều so với việc biết các mô hình duyệt web”. Tài liệu cho biết vì mạng lưới chi nhánh nhỏ hơn nhiều so với các đối thủ, Citi không ngại về việc cho Google một chỗ đứng trên thị trường trực tiếp hơn các ngân hàng lớn khác của Hoa Kỳ
Những rủi ro mà các mối quan hệ đối tác này có thể gây ra cho người tiêu dùng
Mặc dù có những lợi thế nhất định, chúng ta không được bỏ qua những rủi ro mà các mối quan hệ đối tác này có thể gây ra cho người tiêu dùng và mở rộng cho các đối tác của tổ chức tài chính. Trước hết, quan hệ đối tác công nghệ - ngân hàng đi kèm với tiềm năng về xung đột quyền riêng tư dữ liệu. Facebook và Google nói riêng là các công ty chuyên quảng cáo nhắm mục tiêu. Họ tạo doanh thu dựa trên khả năng giúp các nhà tiếp thị tiếp cận những đối tượng và phân khúc cụ thể. Để làm tốt điều này, một công ty như Google tìm cách thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt về người dùng. Theo chính sách bảo mật của Google, công ty theo dõi nơi bạn đến; ai quan trọng nhất với bạn trực tuyến; video YouTube nào bạn thích và nội dung bạn tạo, tải lên và nhận từ người khác. Với tài khoản thanh toán, Google cũng có thể biết bạn gửi bao nhiêu tiền, nơi bạn chi tiêu và số tiền bạn chi tiêu. Đây là bước tiếp theo trong việc nhắm mục tiêu quảng cáo chính xác.
Trong khi đó, các ngân hàng và công ty tín dụng tạo ra phần lớn doanh thu của họ từ chênh lệch giữa tiền gửi và khoản vay, được bổ sung bằng phí cho các dịch vụ. Để giành được người tiêu dùng, các tổ chức tài chính ưu tiên an toàn, bảo mật và tính riêng tư - các thuộc tính có mức độ quan trọng thấp hơn đáng kể đối với công cụ tìm kiếm, bản đồ và dịch vụ chia sẻ video.
Với việc nhiều mối quan hệ hợp tác ngân hàng – công ty công nghệ lớn có khả năng xuất hiện, nhiều rủi ro tiềm năng xuất hiện khi một công ty chuyên về quảng cáo có quyền truy cập vào dữ liệu ngân hàng của người tiêu dùng:
1. Dữ liệu được sử dụng để gây bất lợi cho người tiêu dùng. Một thực thể công nghệ ngân hàng có thể quyết định họ sẽ không gia hạn các khoản vay cho những người tìm kiếm hoặc có một ứng dụng cá cược thể thao trên điện thoại của họ. Tương tự, nếu số dư tài khoản thanh toán của bạn quá thấp, công ty công nghệ có thể quyết định rằng bạn sẽ phải trả trước nếu bạn muốn đăng ký một số dịch vụ kỹ thuật số nhất định.
2. Dữ liệu sai. Các văn phòng tín dụng thường xuyên có thông tin không chính xác về người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, một trong bốn người tiêu dùng đã tìm thấy lỗi trong các báo cáo tín dụng của họ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của họ và trong 5% trường hợp, lỗi nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến khả năng nhận tín dụng theo các điều khoản có lợi. Có thể vấn đề này sẽ trở nên trầm trọng hơn khi dữ liệu từ các tài khoản truyền thông xã hội, tìm kiếm trực tuyến và cuộc sống kỹ thuật số của người tiêu dùng được thêm vào.
3. Hậu quả ngoài ý muốn. Việc áp dụng dữ liệu có thể dẫn đến kết quả đáng xấu hổ. Theo nhiều bài báo, chúng ta đã thấy điều này khi Goldman Sachs và Apple bị phê phán trên phương tiện truyền thông xã hội vì mô hình tín dụng Goldman đã dẫn đến việc phụ nữ nhận được hạn mức tín dụng thấp hơn so với nam giới có cùng mức điểm tín nhiệm.
4. Dữ liệu trong tay của bên thứ ba. Các cảnh báo khác có thể xuất hiện khi đối tác bán hoặc cung cấp cho bên thứ ba dữ liệu về chi tiêu của người dùng. Ví dụ, gã khổng lồ công nghệ thông báo rằng bạn luôn mua nhiên liệu từ một trạm dịch vụ Exxon nào đó. Dữ liệu này có thể được sử dụng để gửi cho bạn quảng cáo từ một đối thủ cạnh tranh như trạm xăng của Shell trên cùng đường phố. Đáng báo động hơn là việc dữ liệu về hành vi chi tiêu của bạn có thể được bán cho người sử dụng lao động hiện tại hoặc tương lai hoặc công ty bảo hiểm của bạn.
5. Kết quả tìm kiếm thiên vị. Dữ liệu được thu thập trên một mẫu chi tiêu cá nhân có thể được sử dụng để quản lý kết quả tìm kiếm. Ví dụ: nếu một công nghệ lớn thấy bạn liên tục mua sắm tại Whole Foods, lần sau khi bạn tìm kiếm siêu thị, nó có thể hiển thị vị trí của đối thủ cạnh tranh trước mặc dù đó không phải là địa điểm gần nhất.
(Theo The Financial Brand)