Doanh nghiệp Nhật đề nghị nới lỏng giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 13:51, 23/12/2020
|
Năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch Covid-19. Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.
Đối với khối doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, nhờ nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau đặc biệt là chính sách ưu đãi đầu tư tổng số vốn được chấp thuận đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong 4 năm từ năm 2017 đến tháng 8/2020 đạt 20,3 triệu USD. Tính theo vốn đầu tư của từng nước, Nhật Bản trở thành nước có vốn đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tính riêng từng năm, Nhật Bản là nước có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2017 và 2018.
Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng nhằm thu hút hơn nữa vốn đầu tư từ Nhật Bản, giúp phục hồi nền kinh tế và đưa nền kinh tế sang trạng thái bình thường mới của thời kỳ hậu COVID-19, có một số vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán cần tháo gỡ.
Giống như Nhật Bản, trong Luật Chứng khoán của Việt Nam cũng nghiêm cấm giao dịch nội gián khi mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết. Tuy nhiên, các quy định của Luật Chứng khoán Việt Nam còn mang tính trừu tượng, chưa làm rõ trường hợp nào thì được coi là thông tin nội bộ.
Mặt khác, tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, hầu như không có trường hợp giao dịch nội gián nào bị phát hiện và chúng tôi nhận thấy rằng trong số các công ty niêm yết của Việt Nam, cũng có rất ít người biết về quy định liên quan đến giao dịch nội gián.
Do vậy, khi doanh nghiệp Nhật Bản xem xét việc tham gia góp vốn vào một công ty niêm yết tại Việt Nam, cũng có trường hợp việc xử lý các thông tin không công khai thu được thông qua Thẩm định chi tiết doanh nghiệp... có thể trở thành một điểm nghẽn làm cho việc tham gia góp vốn trở nên không thực hiện được.
Liên quan tới vấn đề đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty niêm yết, có quy định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% đối với các ngành nghề đáp ứng các điều kiện thuộc “lĩnh vực đầu tư có điều kiện” của Luật Đầu tư. Về điểm này, với việc sửa đổi các quy định, việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn đã được chấp thuận ở một số ngành, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ngành nghề bị giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn, điều này đã gây cản trở không nhỏ tới mong muốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam.
Các quy tắc cụ thể liên quan đến việc tư nhân hóa công ty nhà nước đã được quy định trong các văn bản pháp luật, nhưng xét từ tiêu chuẩn M&A mang tính quốc tế thì chúng tôi nghĩ là vẫn còn nhiều chỗ cần xem xét về phương pháp định giá cổ phiếu và phương pháp chào bán cổ phiếu khi xác định giá bán.
Từ đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị Chính phủ “làm rõ tiêu chí vận hành quy định giao dịch nội gián liên quan đến việc mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết”. Đồng thời, nới lỏng giới hạn đối với giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết. “Chúng tôi hy vọng rằng trong Nghị định mới của chính phủ hiện đang soạn thảo sẽ nới lỏng hơn nữa tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài” – đại diện cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam nói.
Cuối cùng, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ xem xét lại phương pháp định giá cổ phiếu và phương pháp chào bán cổ phiếu của công ty nhà nước, cải thiện tính minh bạch về thủ tục hành chính bao gồm việc quy định rõ trong các văn bản pháp luật các nguyên tắc, hình thức đấu thầu công khai quy trình và yêu cầu trong việc thẩm định chi tiết doanh nghiệp.