Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường
Công nghệ - Ngày đăng : 16:18, 23/12/2020
Ngày 23/12 tại Hà Nội, Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 khai mạc với sự tham dự của của hơn 1.000 đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số tại Việt Nam.
Đây là năm thứ hai Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức nhằm đánh dấu 1 năm cả nước nỗ lực thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, khẳng định vai trò và sứ mạng chủ lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, hướng tới khát vọng xây dựng một quốc gia cường thịnh.
Điểm nhấn sự kiện là phiên báo cáo chính về câu chuyện phát triển doanh nghiệp công nghệ số Make in Viet Nam từ tư tưởng, chiến lược đến hành động. Trong đó các doanh nghiệp lớn chuyển hướng ưu tiên đầu tư từ các lĩnh vực như viễn thông, gia công phần mềm, thương mại dịch vụ sang nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, hay câu chuyện về ngân hàng truyền thống chuyển dịch thành ngân hàng số nhằm thiết lập nền tài chính số hiện đại, bền vững dựa trên các nền tảng số, các giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chia sẻ định hướng phát triển nền tảng mở giúp Việt Nam làm chủ công nghệ, tạo môi trường thuận lợi phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng niềm tin vào Make in Viet Nam.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Minh Hoàng |
Thông qua các câu chuyện, các diễn giả khắc họa những kinh nghiệm có thực từ việc hình thành các doanh nghiệp công nghệ số trưởng thành cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiến tới xây dựng các hệ sinh thái mở doanh nghiệp công nghệ, phát triển huyết mạch nền kinh tế số bằng sản phẩm công nghệ số.
Trong bài phát biểu sáng nay, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Không Make in Vienam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vienam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng”.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ là chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Sau một năm, đã có trên 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28% và giờ đây Việt Nam đã có một con số kỷ lục trên 58.000 doanh nghiệp. “Mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Vietnam trong năm qua đã thúc đẩy các doanh nghiệp làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Sứ mệnh cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng cũng là một trọng tâm của Make in Vietnam. Ngoài ra, trong năm 2020, Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. “Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm được việc này”, ông Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. “Thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu”, ông Hùng nhấn mạnh và cho rằng mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hãy Make in Vietnam và kể câu chuyện Việt Nam của mình.
“Người Việt kể câu chuyện Việt cho người Việt nghe sẽ truyền cảm hứng, tự hào Việt Nam và khích lệ người Việt có thể làm được. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện Việt, hãy kể nó và để có nhiều hơn nữa các câu chuyện Việt”, ông Hùng khẳng định.
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Minh Hoàng |
Là một trong những diễn giả tham gia tại diễn đàn, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình đã có những chia sẻ về hành trình phát triển của nền công nghệ Việt Nam. Theo ông Bình, cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có FPT hưởng ứng nhiệt liệt hoạt động chuyển đổi số bởi đây là khát vọng làm chủ và sáng tạo công nghệ, muốn Việt Nam vươn ra thế giới. Người đứng đầu FPT đã chia sẻ thời điểm khởi đầu của FPT cách đây 20 năm trước vô vàn khó khăn khi quyết định vươn ra thế giới từ rất sớm với một đội ngũ kỹ sư công nghệ giàu nhiệt huyết.
Theo ông Trương Gia Bình, từ không có khách hàng nào, FPT nay đã có đến 700 khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp top đầu. Từ một đơn vị nhỏ bé, FPT đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp công nghệ lớn mạnh không chỉ ở Việt Nam mà cả những thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ. Ông Bình cho rằng lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.
Được biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang lan rộng trên toàn thế giới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới, giúp Việt Nam trở thành một trong quốc gia có “chiến thắng kép” vừa thành công trong việc kiểm soát đại dịch vừa giữ mức tăng trưởng thuộc loại cao nhất trong khu vực và thế giới trong năm 2020. Với việc tạo ra các sản phẩm công nghệ số nhằm giải quyết bài toán của Việt Nam, doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam sẽ góp phần đưa công nghệ số thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, nhằm phát triển kinh tế số nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung, đưa Việt Nam trở thành một trong những “quốc gia số, ổn định và thịnh vượng”.
Tại Diễn đàn năm nay, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ Công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 nhằm vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm xuất sắc. 5 hạng mục sẽ được trao giải gồm Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc, Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc, Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc; Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số và Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năng.
Đây là Giải thưởng uy tín mang tầm quốc gia trong lĩnh vực công nghệ số. Các sản phẩm, giải pháp đã được đánh giá, thẩm định bởi những chuyên gia uy tín đầu ngành trong từng lĩnh vực qua những vòng đánh giá nghiêm ngặt, khách quan, công tâm.