Ngân hàng nỗ lực đồng hành cùng khách hàng

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 02:10, 27/12/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Ngân hàng năm 2021 tổ chức sáng ngày 26/12/2020, đại diện lãnh đạo của một số ngân hàng thương mại (NHTM): Agribank, BIDV, TPBank, Liên Việt Post Bank, VIB, Ngân hàng Hợp tác xã... đã phát biểu và đề xuất một số nội dung .

Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Agribank:

Hệ thống Agribank phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thiên tai tại miền Trung, Tây Nguyên

Theo đúng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đã thực hiện 5 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 7 lần giảm phí dịch vụ đồng hành cùng cả nước vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và bão lũ; Cơ cấu thời hạn trả nợ cho hơn 15.000 khách hàng, tổng số 38.605 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho hơn 1.500 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi hơn 6.500 tỷ đồng; Cho vay mới trên 21.000 khách hàng với dư nợ mới trên 110.000 tỷ đồng.

Trong điều kiện chia sẻ khó khăn với nền kinh tế, với khách hàng vay, Agribank vẫn nỗ lực rất lớn để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2016 – 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2020 đã được NHNN phê duyệt. Đặc biệt, trong năm 2020, dù rất khó khăn nhưng Agribank vẫn đạt được cam kết với Chính phủ, với Thủ tướng, và NHNN về đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận để được cấp 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ theo điều kiện mà Chính phủ chấp thuận trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 9 tháng 6/2020.

Agribank đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, Bộ Tài chính xem xét một số vấn đề như: Tăng vốn điều lệ cho Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần của Nhà nước để đảm bảo hệ số an toàn vốn. Việc tăng vốn điều lệ này cần được xây dựng thành đề án cho ít nhất 5 năm và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tránh bị động. Trước mắt đề nghị NHNN áp dụng biện pháp khẩn cấp là áp dụng hệ số rủi ro 50% đối với cho vay cá nhân, hộ gia đình cho vay không thế chấp tài sản đến 200 triệu đồng theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đề nghị Bộ Tài chính cấp bù lãi suất trên 2.560 tỷ đồng cho các Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất của Chính phủ như theo Nghị quyết 30a, Nghị định 67.

Về cổ phần hóa, đề nghị Chính phủ cho phép Agribank thí điểm cổ phần hóa theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, cổ phần hóa với sự tham gia của cán bộ, nhân viên Agribank với một tỷ lệ danh nghĩa. Theo đó, cho phép thuê tư vấn định giá trong nước định giá, có thẩm định của Kiểm toán Nhà nước. Giai đoạn 2, sau một thời gian niêm yết trên thị trường chứng khoán, mọi thông tin về Agribank được minh bạch, nhiều tồn tại của Agribank đã được khắc phục, giá cổ phiếu đã được thị trường kiểm định sẽ hấp dẫn hơn, dễ thu hút nhà đầu tư chiến lược và việc định giá lúc đó sẽ dễ dàng hơn.

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) BIDV:

BIDV giảm lợi nhuận trên 6.400 tỷ đồng để hỗ trợ tạo điều kiện cho khách hàng vượt khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh

Kết thúc niên độ 2020, BIDV đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch NHNN và Đại hội đồng cổ đông giao, với quy mô tổng tài sản đạt 1,5 triệu tỷ đồng (tăng 2,6%); Dư nợ tín dụng tăng 8,0%, chất lượng tín dụng được kiểm soát; các chỉ tiêu, hệ số an toàn theo quy định.

Ngân hàng cũng triển khai tốt kế hoạch phát triển thể chế, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Phương án tái cơ cấu đến 2020. Đặc biệt, BIDV đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi, miễn giảm lãi, phí; 4 lần điều chỉnh hạ lãi suất. Với tất cả các biện pháp đó, BIDV đã giảm lợi nhuận trên 6.400 tỷ đồng, để hỗ trợ tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Về “Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”, ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017, ngày 19/7/2017, Chính phủ ban hành Quyết định 1058 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”. Sau hơn 3 năm thực hiện, Nghị quyết 42 và Quyết định 1058 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động tài chính – ngân hàng, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người vay và cho vay. Cùng với đó, NHNN cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý, các cơ chế chính sách theo thông lệ quốc tế để định hướng bắt buộc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhưng cũng có lộ trình hợp lý, phù hợp với thực tiễn hoạt động ngân hàng và nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, các tổ chức tín dụng Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các mặt: năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, chuyển đổi mô hình kinh doanh, năng lực quản trị và khả năng phục vụ và đóng góp cho nền kinh tế.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 42, Đề án 1058 vẫn có một số khó khăn như thực hiện quyền thu giữ tài sản; giải quyết theo thủ tục rút gọn của Tòa án; thứ tự ưu tiên thanh toán tiền thu được và tính quyết liệt của một số Bộ ngành, địa phương. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành vào cuộc quyết liệt hơn; đồng thời nghiên cứu Luật hóa Nghị quyết 42 thành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hoặc là một bộ phận cấu thành của Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, tạo niềm tin vững chắc cho các thủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ - ngân hàng.

Đề nghị Chính phủ, NHNN sớm xây dựng và vận hành Sàn giao dịch mua bán nợ xấu; để công khai, minh bạch, thu hút nhiều chủ thể tham gia, sớm hoàn thiện thị trường mua bán nợ theo thông lệ và cam kết quốc tế.

Tiếp tục tăng năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại Nhà nước; thời gian qua vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước có được cải thiện, nhưng sự cải thiện đó chưa đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế Việt Nam vốn có tốc độ tăng trưởng cao.

Với vốn điều lệ các ngân hàng thương mại nhà nước, hệ số an toàn vốn khá nhỏ so với các ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng trong khu vực. Như BIDV, hiện nay vốn điều lệ 40.200 tỷ đồng,  lớn nhất hệ thống, nhưng hệ số CAR mới chỉ đạt chuẩn an toàn theo Basel II. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước cho phép BIDV được tăng vốn điều lệ bằng việc chi trả cổ tức 2020 bằng cổ phiếu (trong 3 năm 2017, 2018, 2019 BIDV đã nộp cổ tức cho ngân sách là 22%, 2 năm 2019, 2020, BIDV nộp ngân sách là 13.800 tỷ đồng – 2019: 8.160 tỷ đồng; 2020: 5.640 tỷ đồng).

Đề nghị đẩy nhanh các dự án, đề án tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện hoạt động cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; đặc biệt là các quy định về bảo mật, chia sẻ thông tin; sớm đưa vào vận hành dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Đây là những điều kiện tiền đề để các tổ chức tín dụng triển khai các hoạt động ngân hàng số.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tôn trọng và thực hiện nghiêm các cam kết đã ký với các Tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP… ,đặc biệt khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông, viễn thông, năng lượng của nước ta trong giai đoạn tới là rất lớn, và Luật PPP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch HĐQT TPBank:

TPBank đã miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỷ đồng

Kể từ khi tái cơ cấu năm 2012, TPBank đã xây dựng chiến lược phát triển thành ngân hàng công nghệ và ngân hàng số. Đến nay nay, TPBank đã hái được những quả ngọt. Tổng tài sản ngân hàng đã tăng 15 lần, khi tái cơ cấu chỉ có 13.000 tỷ đồng đến nay đã đạt 200.000 tỷ đồng; Từ một ngân hàng mất 1/2 vốn điều lệ chỉ còn 1.500 tỷ đồng đến nay Ngân hàng đã có vốn chủ sở hữu gần 18.000 tỷ đồng tăng 12 lần ; 2012 chỉ có 50.000 khách hàng đến nay TPBank đã phục vụ gần 5 triệu khách hàng, tăng gấp 100 lần; TPBank duy trì tốc độ tăng trưởng cao đạt mức bình quân 42% trong suốt quá trình 2012-2019, nhưng số lượng nhân sự 4 năm gần đây chỉ tăng dưới 5%. NSLĐ bình quân của một nhân viên đã tăng gấp 5 lần so với năm 2016, đến nay, đã đạt gần 800 triệu lợi nhuận/1nhân viên;

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID và để chia sẻ khó khăn, ngân hàng đã miễn giảm lãi cho trên 10.000 khách hàng với số tiền là 213 tỷ đồng nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên 11% nhờ tiết giảm chi phí.

Về ngân hàng số, với tốc độ phát triển vũ bão của Cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình và sản phẩm của Ngân hàng số ra đời rất đa dạng và mới mẻ trong khi đó các văn bản pháp luật hiện hành không phù hợp và tương thích, do đó kiến nghị Chính phủ ban hành quy định cơ chế thử nghiệm Sandbox. Cơ chế này đã được triển khai thành công tại nhiều nước trên thế giới; Đẩy nhanh quá trình xây dựng và phát triển hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân và Cơ chế chia sẻ thông tin; Cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm…

Kiến nghị NHNN đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng, định danh số, xây dựng một liên minh eKYC; Hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử cho phù hợp với thông lệ quốc tế; Có quy định về mô hình ngân hàng đại lý (agent banking) & cho vay trên kênh số (digital lending) để góp phần đẩy mạnh kế hoạch triển khai Tài chính toàn diện của các ngân hàng

Về cơ chế cấp định mức tăng trưởng tín dụng, kiến nghị NHNN xem xét cơ chế cấp tỷ lệ tăng trưởng tín dụng hàng năm cho các Tổ chức tín dụng đáp ứng tiêu chí: Hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II và Thông tư 41, Thông tư 13; Đạt chuẩn xếp hạng đánh giá hạng A theo tiêu chí của NHNN; Có nhu cầu tăng trưởng tín dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Huy – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank

Dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của LienVietPostBank đạt xấp xỉ 46.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ

Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ - ngân hàng của mọi người, trong những năm qua Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tập trung nguồn lực phát triển mạng lưới để có thể tiếp cận khách hàng ở tận vùng sâu, vùng xa, những nơi mà trước đây người dân ít có cơ hội sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Tính đến thời điểm ngày 30/11/2020, Ngân hàng có 556 chi nhánh, phòng giao dịch, cùng với 613 Phòng giao dịch Bưu điện trải đều hầu hết các huyện tại 63/63 tỉnh thành trên toàn quốc với tỷ lệ số lượng điểm giao dịch tại địa bàn nông thôn/tổng số lượng điểm giao dịch của ngân hàng đạt 77%.

Bên cạnh các điểm giao dịch tại trung tâm các huyện, đội ngũ cán bộ nhân viên của LienVietPostBank luôn sẵn sàng đến tận các xã, thôn, làng, bản để tư vấn, phục vụ giúp khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng một cách dễ dàng mà không phải tìm đến tín dụng đen.

Trong 11 tháng năm 2020, với việc hệ thống mạng lưới được mở rộng mạnh, tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng thời điểm ngày 30/11/2020 đạt 168.352 tỷ đồng, tăng trưởng 27.500 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2019, trong đó tăng trưởng tín dụng bán lẻ chiếm 64% tổng tăng trưởng của toàn ngân hàng. Đặc biệt, tại một số tỉnh mặc dù điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng với lợi thế mạng lưới của ngân hàng trải rộng đến các huyện, chi nhánh tại các địa bàn này có điều kiện tiếp cận, tư vấn nhu cầu vay vốn của người dân đến tận các xã, thôn, bản, làng… qua đó, tăng trưởng tín dụng của các chi nhánh ở mức rất cao với đa phần các khoản vay nhỏ lẻ có giá trị ở mức 300 triệu đồng trở xuống, như Sóc Trăng, Ninh Thuận, Hà Giang...

Kể từ khi thành lập, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được xác định là một trong những lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng. Dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại thời điểm 30/11/2020 của LienVietPostBank đạt xấp xỉ 46.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay tiêu dùng thời điểm ngày 30/11/2020 đạt 44.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26% tổng dư nợ.

Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân hàng đã triển khai các chương trình ưu đãi lãi suất để đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn: Gói hỗ trợ đặc biệt trị giá 10.000 tỷ đồng, đồng hành với các khách hàng bị tác động bởi dịch COVID-19 với mức lãi suất cho vay ưu đãi giảm mạnh tới 2%/năm; Chương trình ưu đãi lãi vay với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 1,5% giúp khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, vượt qua thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống góp phần hạn chế tín dụng đen, đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho phép LienVietPostBank mở rộng mạng lưới để có độ phủ đến tất cả các huyện trên toàn quốc nhằm phục vụ được bà con tại tất cả các vùng, miền trên toàn quốc;

Tạo điều kiện để LienVietPostBank tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong nước và quốc tế để cấp tín dụng đối với khách hàng.

Ông Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam:

Nhờ QTDND và NHHTX, người dân thuận lợi hơn trong việc tạo công ăn việc làm, chuyển đổi kinh tế, hạn chế tín dụng đen

Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay, TCTD theo mô hình HTX ở Việt Nam có NHHTX và gần 1.200 QTDND hoạt động trên địa bàn 57/63 tỉnh, thành phố phục vụ hơn 1,6 triệu thành viên là các cá nhân, hộ gia đình ở vùng nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa, khó khăn, khó tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, NHHTX và các QTDND nghiêm túc, tích cực quan tâm, đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn và cũng là một trong số các TCTD góp phần không nhỏ để các đối tượng ưu tiên có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của các thành viên, thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển chính sách tam nông, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng nguồn vốn hoạt động của các QTDND và NHHTX gần 190.000 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ hơn 8.100 tỷ đồng (vốn điều lệ của NHHTX là 3.029 tỷ đồng, của các QTDND hơn 5.100 tỷ đồng), vốn huy động hơn 163.000 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 123.000 tỷ đồng.

Là loại hình HTX hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, dịch vụ ngân hàng ở nông thôn không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội chính trị to lớn. Nhờ có QTDND và NHHTX, người dân thuận lợi hơn trong việc tạo công ăn việc làm, chuyển đổi kinh tế, hạn chế tín dụng đen, góp phần ổn định phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn… Đặc biệt là ở nhiều địa bàn mô hình HTX tín dụng đã phát huy được tinh thần nội lực của người dân để tự giải quyết các khó khăn, vướng mắc của chính bản thân họ; tận dụng được nguồn vốn nhàn rỗi trong cộng đồng dân cư, thực hiện có hiệu quả các chương trình tiết kiệm, từng bước tự chủ về nguồn vốn để phục vụ cho vay tại chỗ.

Đề nghị NHNN tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động NHHTX, QTDND và củng cố tính liên kết để điều chỉnh căn bản hoạt động của QTDND theo đúng mục đích tôn chỉ và bản chất HTX, tự chủ tự chịu trách nhiệm, vai trò trách nhiệm thành viên, quy mô hoạt động, nhất là trong công tác kiểm tra QTDND, cho vay điều hòa vốn, hỗ trợ thanh khoản, xử lý QTDND yếu kém, hỗ trợ tổn thất cho NHHTX.

Trong hoạt động của QTDND cần có sự vào cuộc, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và để điều chỉnh căn bản mô hình, hoạt động, xử lý các vấn đề tồn tại của hệ thống QTDND. Đề nghị NHNN xem xét, báo cáo Chính phủ nghiên cứu có thể trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới thay cho Chỉ thị 57-CT/TW (ban hành năm 2000 và đã được tổng kết vào năm 2013) với các vấn đề căn bản điều chỉnh mô hình, tổ chức hoạt động hệ thống QTDND trong giai đoạn tái cơ cấu hiện nay.

Hiện nay, tổng nguồn vốn hoạt động của NHHTX hơn 43.000 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 tổng nguồn vốn của các QTDND, trong đó vốn điều lệ là 3.029 tỷ đồng. Để NHHTX trở thành công cụ hữu hiệu của NHNN, đủ mạnh để làm tốt vai trò ngân hàng đầu mối hỗ trợ hệ thống QTDND, NHHTX kính đề nghị NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHHTX thêm 2.000 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng; và có nguồn vốn vay ưu đãi, dài hạn hỗ trợ cho NHHTX và phát huy vai trò của Bảo hiểm tiền gửi trong hỗ trợ hoạt động của NHHTX và hệ thống QTDND, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay thanh khoản.

Song Anh