Cần mạnh tay xử lý tội phạm "tín dụng đen" và đòi nợ thuê
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 15:59, 29/12/2020
Tín dụng đen lộng hành
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 25/11/2020, tại Khu phố 4 (phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an thị xã Hòa Thành bắt quả tang Phạm Đức Điệp đang thu tiền lãi của một người dân. Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 24 triệu đồng và một quyển sổ ghi chép việc cho vay nặng lãi.
Qua điều tra, lực lượng chức năng tiếp tục bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của Đào Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Lâm, Hoàng Văn Phi tại ấp Bình Long (xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) thu giữ nhiều tài liệu có liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, gồm trên 139 triệu đồng, nhiều tờ rơi quảng cáo về cho vay trả góp, 6 thẻ ATM và nhiều giấy ghi nợ.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ khoảng đầu năm 2018, Điệp cùng Lâm, Phi và Hùng đến Tây Ninh để hoạt động cho vay nặng lãi. Điệp đã in ấn nhiều tờ rơi có nội dung về việc cho vay trả góp thông qua số điện thoại của mình, rồi lén lút rải tờ rơi trên các tuyến đường ở thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành. Từ tháng 9/2020 đến khi bị bắt Điệp đã cho vay trên 100 người với số tiền hơn 2 tỷ đồng, thu lợi bất chính trên 500 triệu đồng. Hình thức cho vay nóng của nhóm Điệp, Lâm, Hùng có lãi suất 80 - 720% một năm, còn hình thức cho vay tiền góp ngày có lãi suất tương đương 125% một năm, phí vay là 5% trên tổng số tiền vay.
Đây chỉ là một trong hàng trăm vụ án tín dụng đen mà cơ quan công an bắt giữ kể từ đầu năm đến nay.
Tang vật các đối tượng Hoàng Văn Phi, Đào Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Lâm sử dụng trong việc cho vay nặng lãi bị thu giữ. Ảnh: Phạm Thanh Tân/TTXVN |
Bà Phạm Thị Minh Hiền, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho biết: Thời gian qua, cử tri tỉnh Phú Yên và nhân dân địa phương phản ánh tình trạng cho vay tín dụng đen, sự lộng hành của các nhóm đòi nợ thuê đang ngày càng diễn biến phức tạp. Hoạt động trái luật này không chỉ gây sợ hãi cho một cá nhân, gia đình, dòng họ mà có khi còn gây náo loạn, gây mất an ninh, trật tự cả khu phố, thôn, xóm vào bất kỳ giờ giấc nào trong ngày.
Theo Ngân hàng Nhà nước, "tín dụng đen" được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước có lãi suất rất cao so với quy định, hay còn gọi là cho vay nặng lãi. Còn theo cơ quan công an, "tín dụng đen" có hai biểu hiện chính là lãi suất cao gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật.
Lâu nay, hoạt động cho vay nặng lãi theo kiểu tín dụng đen thường núp bóng dưới các hình thức như dịch vụ cầm đồ; cho vay với hình thức hợp đồng mua bán nhà đất; cho vay thế chấp sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, đăng ký xe ô tô…
Điều đáng nói, không chỉ bùng nổ ở các thành phố lớn, tín dụng đen giờ đã lan rộng đến các vùng quê vốn yên bình, kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà, vợ chồng ly tán... bởi việc phải trả khoản vay với mức lãi suất cao lên tới 200-300%/năm là điều vô vàn khó khăn.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Ngọc Phương cho biết: “Thực trạng hiện nay nhiều gia đình tan gia bại sản, nhiều gia đình bất an lo lắng trước nguy cơ tiềm ẩn các thành viên trong gia đình dính phải tình trạng nợ nần do ham mê đánh bạc, cá cược qua mạng online, từ đó vay tín dụng đen để sử dụng vào mục đích không chính đáng của bản thân, khi cần lãi suất cao vẫn chấp nhận”.
Nạn nhân của tín dụng đen rất đa dạng về lứa tuổi, trình độ học vấn, công việc, từ lao động phổ thông, người buôn bán nhỏ lẻ, khó khăn, không có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn chính thống. Nếu không trả được khoản vay này, người vay sẽ bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản... Sự ngang ngược của các băng nhóm, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân.
Nhưng tại sao "sợ" mà người dân vẫn tìm đến tín dụng đen? Lý do một phần thiếu hiểu biết, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu lại không có tài sản thế chấp nên không vay được tiền tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng.
Cần phải xử lý mạnh tay loại tội phạm này
Không chỉ hoạt động cho vay tín dụng đen, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, người dân còn vô cùng bức xúc trước hành động bất chấp của những dịch vụ đòi nợ thuê hiện nay.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Kỳ họp Quốc hội thứ 10 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, không có điều khoản nào cho phép một dịch vụ kinh doanh với hình thức mang tính chất bất nhân, bất lương như thế. Không có pháp luật nào lại bảo hộ cho kiểu kinh doanh làm ăn “lãi suất cắt cổ” như vậy.
Ngoài tín dụng đen, một vấn đề tương tự khác đang diễn ra hiện nay là tình trạng kinh doanh đa cấp trái luật tiếp cận với người dân thông qua app điện thoại, internet hết sức dễ dàng tưởng chừng như tín dụng hay kinh doanh đa cấp đã chủ động gõ cửa từng nhà. Nhiều người dân phản ánh, chúng như đặt dịch vụ vào tay từng người bằng hàng trăm app điện thoại không thể kể hết tên với thủ tục, điều kiện cho vay vô cùng đơn giản, với lời mời chào, hứa hẹn đầy nhân ái, tốt đẹp như quăng một chiếc phao cứu người đuối nước để rồi chưa kịp bơi vào bờ thì lại trở thành nạn nhân đuối nước từ chính chiếc phao cứu sinh này.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn nạn nhân là người dân có điều kiện kinh tế thiếu thốn, khó tiếp cận nguồn vốn vay chính thống từ ngân hàng hoặc người cả tin, mong muốn đổi đời nhanh chóng. Thực trạng này đã bị dư luận báo chí lên án rất nhiều trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định, chế tài nào để quản lý, xử lý loại hình giao dịch này mà mới chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo, cảnh báo người dân phải thận trọng, cảnh giác từ cơ quan chức năng.
Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Để có cơ sở cho cơ quan điều tra vào cuộc, người dân đã làm đơn tố cáo, nhưng cái khó của nạn nhân là không biết đơn vị nào cho vay đứng sau, thậm chí là không biết kẻ khủng bố, đe dọa mình là ai, thuộc công ty thu hồi nợ nào nếu sử dụng SIM rác.
Dư luận xã hội, nhiều cử tri đã đặt ra câu hỏi tại sao sự biến tướng chứa đựng nhiều rủi ro về mặt pháp lý từ các dịch vụ tín dụng đen hay app đa cấp này vẫn ngang nhiên diễn ra, vẫn tồn tại trong đời sống xã hội. Phải chăng là do năng lực quản lý của chính quyền, của cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm? Tại sao một người dân bình thường hiểu biết công nghệ, nhận thức pháp luật còn hạn chế vẫn có thể tiếp cận được các app tín dụng đen dễ dàng, còn cơ quan chức năng với điều kiện, biện pháp nghiệp vụ, các công cụ quản lý hỗ trợ đắc lực lại không thể quản lý và kiểm soát được.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, công tác đấu tranh với các băng nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bởi, các băng nhóm hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức và xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới hình thức các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động. Một số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đang hoạt động còn nhiều vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự như đòi nợ bằng hình thức "khủng bố tinh thần", cấu kết với băng nhóm tội phạm giữ người trái pháp luật để đòi nợ.
Trong khi đó, nếu những cơ sở này có vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hình sự thì lực lượng Công an lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Cử tri và nhân dân đề nghị, những hành vi nguy hiểm này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ từ các cơ quan bảo vệ pháp luật và Quốc hội phải tham gia giám sát, bởi động tới sinh mạng con người, ép họ đi đến đường cùng thì nhất định pháp luật không thể bỏ qua. Những hiện tượng, hành vi có dấu hiệu lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản đang dần bộc lộ rõ bộ mặt thật từ dịch vụ đen thời gian qua, thay vì chờ dân tố cáo, nếu cơ quan chức năng thật sự vào cuộc.
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng vẫn có đủ cơ sở pháp lý để làm rõ trách nhiệm, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh liên quan.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các tín dụng đen, nhằm cảnh tỉnh người dân phải hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với những dịch vụ cho vay một cách quá dễ dàng như hiện nay. Nếu để loại tội phạm này tồn tại kéo dài và công tác điều tra, xử lý quá chậm trễ càng khiến cho lòng tin của người dân suy giảm, tạo sự nghi ngờ trong dư luận xã hội về sự tiếp tay, bao che của “tập đoàn tài chính” này hay thế lực ngầm nào khác chống lưng. Đồng thời, nếu không dùng pháp luật để điều chỉnh thì sẽ còn rất nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa, nát nhà.
Theo báo cáo của Chính phủ, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tuy đã từng bước được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp... |