Lãi suất tiết kiệm tiếp tục xu hướng giảm

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:19, 05/01/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thống kê biểu lãi suất tại một số ngân hàng trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động tiếp tục duy trì xu hướng giảm ở một số kỳ hạn chủ chốt. Theo tính toán của giới chuyên môn, mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện nay đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử.

Khảo sát nhanh của Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (thitruongtaichinhtiente.vn) trong những ngày đầu năm 2021 cho thấy, biểu lãi suất tại một số NHTM có mức điều chỉnh giảm nhẹ so với cuối năm 2020.

Có thể kể đến như: Vietcombank điều chỉnh giảm 0,1% ở kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, lãi suất tiết kiệm niêm yết lần lượt là 3,3%/năm và  3,9%/ năm; kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%/năm và kỳ hạn 24 tháng giảm 0,3%/năm xuống 5,4%/năm.

Tương tự như vậy, VietinBank và BIDV cũng điều chỉnh giảm lãi suất ở mức 0,2% đối với kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng.

Ở khối NHTM cổ phần, Techcombank điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở tất cả các kỳ hạn với mức giảm từ 0,05 – 0,4%/năm, cụ thể: kỳ hạn 3 tháng có mức lãi suất tiết kiệm là 2,85%, 6 tháng là 4,2%/năm, 12 tháng là 4,4%/năm và 24 tháng là 4,9%/năm.

Hay VIB cũng điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở xuống với mức giảm từ 0,1 – 0,5%, ví như: kỳ hạn 1 tháng có lãi suất là 3,8%/năm (giảm 0,2%) hay kỳ hạn 12 tháng có lãi suất là 6,19%/năm (giảm 0,5%).

 

Số liệu thống kê của Fiin Group cho thấy, lãi suất huy động tại các NHTM tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong tháng 12/2020 đối với kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở phần lớn các nhóm ngân hàng.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh và nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm lần lượt 0,135% và 0,1%, xuống 3,75% và 5,66%/năm.

Ngược lại, nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng là nhóm duy nhất có lãi suất kỳ hạn 6 tháng trung bình tăng (+0,04%, lên mức 4,93%/năm). Theo Fiin Group, Vietcombank đang là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, ở mức 3,6%/năm, trong khi NVB chi trả mức lãi suất cao nhất 6,65%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động trung bình của cả 3 nhóm ngân hàng cùng có chung diễn biến giảm. Lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm mạnh nhất (-0,325%, xuống mức 5,03%/năm). Lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỷ đồng có mức giảm lần lượt là 0,13% và 0,145%, xuống 6,29%/năm và 5,71%/năm. Ở kỳ hạn này, lãi suất thấp nhất hiện thuộc về Techcombank (4,4%) và cao nhất thuộc về NVB, HDBank, IVB… (6,9%).

Như vậy, tính đến cuối năm 2020, lãi suất trung bình 6 tháng và 12 tháng của toàn ngành Ngân hàng ở mức 5,03%/năm và 5,83%/năm, cùng giảm 1,3% so với thời điểm cuối năm 2019.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất giao dịch bình quân bằng đồng VND cũng ghi nhận xu hướng chung là giảm. Thống kê được Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra cho thấy, trong năm 2020, lãi suất liên ngân hàng đã giảm 1,22 - 2,65% xuống mức thấp kỷ lục – dưới 0,5%/năm.

Bên cạnh đó, lượng tín phiếu và OMO đang lưu hành kết thúc năm 2020 tại mức 0, NHNN tiếp tục không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng nào trong tuần cuối cùng của năm 2020 trên thị trường mở. Như vậy, tới cuối năm 2020, tổng lượng tín phiếu và OMO đang lưu hành tiếp tục duy trì ở mức 0.

Nhận định về mặt bằng lãi suất năm 2021, BVSC dự báo chỉ số CPI trung bình cho cả năm 2021 sẽ ngang bằng mức của năm 2020 (3-3,5%). Với diễn biến của lạm phát như trên, BVSC cho rằng chính sách tiền tệ sẽ vẫn được NHNN duy trì trạng thái nới lỏng mà chưa chịu sức ép thắt chặt. Do đó, mặt bằng lãi suất dài hạn trong năm 2021 được kỳ vọng sẽ ổn định ở mức thấp, tương đương mặt bằng cuối năm 2020.

Mặt bằng lãi suất năm 2021 ổn định cũng là nhận định chung của nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính. Trong một báo cáo vừa công bố, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, lãi suất giảm liên tục trong những tháng cuối năm 2020 giúp tạo ra nguồn vốn rẻ, từ đó tạo ra dư địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Với ước tính lạm phát là 3,5% cho năm 2021, các chuyên gia của VDSC cho rằng: “Lãi suất huy động đang ở gần mức thấp nhất trong lịch sử”. “Trong năm 2021, lãi suất cho vay và huy động có thể được tiếp tục duy trì ở mức thấp khi các doanh nghiệp cần thời gian phục hồi, ít nhất là một hay hai năm tới sau COVID-19”, các chuyên gia của VDSC nhận định.

Ngô Hải