Không có tiền trong tài khoản chứng khoán vẫn mua được cổ phiếu (!?)
Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 08:12, 08/01/2021
|
Không nộp tiền vẫn mua được cổ phiếu
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư muốn tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán phải mở tài khoản giao dịch tại các công ty chứng khoán và thực hiện giao dịch mua bán tương ứng với số tiền và chứng khoán có trong tài khoản. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra trường hợp không có tiền vẫn mua được chứng khoán như vụ việc tại Công ty Chứng khoán An Thành. Sự việc này sau đó đã trở thành vụ án hình sự và kéo dài, trong đó có cá nhân phải đối mặt với nguy cơ nhiều năm ngồi tù, có cá nhân nhiều lần bị triệu tập để lấy lời khai làm rõ vụ án, còn doanh nghiệp tốn thời gian, chi phí theo đuổi quá trình tố tụng.
Cụ thể, Công ty Chứng khoán An Thành mở tài khoản của công ty tại các ngân hàng để quản lý tiền của tất cả khách hàng. Khi nhà đầu tư muốn thực hiện giao dịch mua chứng khoán thì phải nộp tiền vào tài khoản chứng khoán hoặc nộp tiền vào tài khoản ngân hàng của công ty.
Công ty chỉ nhận lệnh giao dịch mua bán chứng khoán của khách hàng khi có đủ tiền hoặc cổ phiếu để thực hiện lệnh. Vào cuối ngày, tùy lệnh mua hoặc bán, công ty sẽ hạch toán đến từng tài khoản của khách hàng giao dịch chứng khoán.
Các cơ quan tiến hành tố tụng xác định Kế toán trưởng của Công ty Chứng khoán An Thành khi đó là Phạm Thị Mai Vân đã mượn 9 tài khoản của những người quen biết. Sau đó, lấy tiền của công ty chuyển vào các tài khoản này bằng cách hạch toán khống việc nộp tiền, tạo bút toán giả trên phần mềm hệ thống.
Sau đó, thông qua môi giới, Phạm Thị Mai Vân đã tự đặt lệnh mua bán chứng khoán và thanh toán tiền mua chứng khoán bằng nguồn tiền của công ty. Có trường hợp, lệnh mua cổ phiếu được đặt và khớp lệnh khi tài khoản chứng khoán không có tiền, nhiều ngày sau tiền mới được chuyển về tài khoản.
Theo cáo buộc, tổng số tiền Phạm Thị Mai Vân đã sử dụng để mua chứng khoán và không có khả năng thanh toán cho công ty là hơn 4,2 tỷ đồng. Vì hành vi này, chị Vân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình giải quyết vụ án, Phạm Thị Mai Vân đã khắc phục hết số tiền nói trên.
Dấu hỏi vay mượn giữa công ty và nhân viên
Vụ việc đã được Tòa án các cấp giải quyết nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Tại các phiên tòa trước đây và trong phiên tòa gần nhất diễn ra cuối tháng 12/2020, Phạm Thị Mai Vân thừa nhận mượn 9 tài khoản nhưng khẳng định không có chuyện lừa đảo, bản chất là công ty cho nhân viên vay tiền để mua chứng khoán. Ông Phạm Ngọc Phú, nguyên Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Thành là người quyết định cho vay dựa trên đề xuất của phòng quản lý rủi ro và môi giới đề xuất.
Phạm Thị Mai Vân trình bày khi mua chứng khoán thì tài khoản không có tiền, giao dịch ngày 14/4/2009 tại tài khoản Nguyễn Thu Vân nhưng đến ngày 25/5/2009 tiền mới chuyển vào tài khoản. Theo Phạm Thị Mai Vân, việc này công ty đều biết, không thể giấu được vì thể hiện trên hệ thống. Nếu không có sự chấp thuận từ lãnh đạo thì không thể thực hiện được.
Còn về việc lập khống chữ ký của thủ quỹ để nộp tiền, Phạm Thị Mai Vân khai đó là làm theo chỉ đạo của ông Phú nhằm hợp thức hóa các khoản thiếu hụt để phục vụ việc quyết toán cuối năm.
Ông Phạm Ngọc Phú lại cho rằng nếu công ty cho vay tiền thì phải tuân theo quy định như quy trình kiểm soát. Tuy nhiên, việc có nhiều tài khoản không ký hợp đồng vay mượn. Có tài khoản chuyển tiền trước, có tài khoản chuyển tiền sau là điều bất thường. Nếu công ty cho vay thì ngày giao dịch và ngày nhận nợ phải trùng nhau.
Song ông Phú cũng thừa nhận quản lý non kém nên không phát hiện sớm hành vi của Phạm Thị Mai Vân và do phần mềm hệ thống hỏng nên một số tài khoản không có tiền vẫn mua được chứng khoán. Ban kiểm soát của công ty có sai sót nên trong thời gian dài không phát hiện ra. Công ty chỉ phát hiện khi thay kế toán. Nếu phát hiện sớm thì vụ việc đã được ngăn chặn.
Do còn nhiều mâu thuẫn trong lời khai và có những điểm chưa rõ, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định hủy án sơ thẩm nhằm làm rõ các tình tiết như việc hạch toán sau ngày giao dịch có phải là hành vi gian dối hay chỉ là hợp thức cho vay. Với quyết định này, vụ việc sẽ được giải quyết lại từ đầu...
Vào năm 2015 – 2016, Công ty chứng khoán An Thành và Công ty chứng khoán Phú Hưng đã hợp nhất. Doanh nghiệp sau hợp nhất – Công ty chứng khoán Phú Hưng thừa kế các quyền và nghĩa vụ của Công ty Chứng khoán An Thành và được triệu tập trong quá trình điều tra, xét xử. Đại diện của công ty cho biết chỉ mong vụ án sớm khép lại để doanh nghiệp có thể kết thúc quá trình tố tụng. |