Nội địa sẽ là thị trường chủ lực của du lịch Việt Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 08:34, 19/01/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biễn phức tạp trên toàn thế giới, việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là điều gần như không thể. Trong khi đó, thị trường khách trong nước với gần 100 triệu dân đầy tiềm năng vẫn chưa được quan tâm và khai thác đúng mức. Qua một năm “sống chung” với dịch bệnh, hoạt động du lịch quốc tế bị đình trệ, xác định du khách nội địa làm đối tượng cho hướng đi trong tương lai để xây dựng thị trường du lịch chủ lực là cần thiết.

Du lịch kiệt quệ sau 2 đợt bùng phát COVID-19

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Du lịch cho thấy khi dịch COVID-19 quay lại đợt 2 (tháng 8/2020), có hàng triệu lượt khách du lịch hoãn, hủy tour du lịch. Tại một số trung tâm như TP. Hà Nội có khoảng 32.000 khách hủy; TP. Hồ Chí Minh có trên 35.000 chương trình du lịch bao gồm tour trọn gói, tour tự chọn, dịch vụ (khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan…) đã bị huỷ. Riêng trong tháng 8/2020, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, homestay xác nhận tỉ lệ khách huỷ phòng đến hơn 90%, còn các đơn vị lữ hành cho biết hơn 80% khách huỷ tour và yêu cầu hoàn lại tiền 100% do tình hình diễn biến bệnh quá phức tạp…

Ngành du lịch Việt Nam thiệt hại  “khoảng từ 6 đến 7 tỷ USD” trong 2 quý đầu năm bởi riêng du khách Trung Quốc giảm 90-100%. Ngoài Trung Quốc, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào Việt Nam cũng giảm mạnh. Sau đợt dịch COVID-19 lần 2 quay trở lại, có thể nói, cả ngành du lịch Việt đã gần như “kiệt sức”.

Du lịch Việt Nam chịu thiệt hại đến 7 tỷ USD trong năm 2020. Trong ảnh: Du khách nội địa tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)

Con số thiệt hại ước tính trên mới chủ yếu dựa vào những dự báo về số liệu thiếu hụt khách nhân với mức chi tiêu bình quân, chứ chưa tính đến thiệt hại từ các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, những đối tượng chịu tác động mạnh nhất, lớn nhất hiện nay. Đó là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch (cơ sở lưu trú như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hệ thống dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí,...). Đồng thời, ngành du lịch có tác động đa ngành, nên nếu phát triển mạnh thì có thể kéo theo rất nhiều ngành nghề khác đi lên. Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã giáng một đòn chí mạng lên ngành du lịch Việt Nam và thế giới. Thời điểm này, xác định bao giờ để du lịch Việt Nam và thế giới mở cửa trở lại bình thường như trước vẫn là một dấu hỏi rất lớn.

Thị trường nội địa sẽ là “chìa khóa”

Lâu nay, chúng ta hay xem trọng thị trường quốc tế và đúng là du lịch quốc tế là một hợp phần rất quan trọng của ngành du lịch Việt Nam. Nhưng thực tế cho thấy, khách du lịch người Việt đi du lịch và tiêu tiền không phải ít và lượng khách nội chiếm số lượng lớn, gấp 4-5 lần khách du lịch quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam đã tương đối an toàn, việc kích cầu du lịch nội địa là giải pháp giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi ít nhiều, chứ chưa thể nói là phục hồi hoàn toàn.

Các công ty lữ hành phải liên kết, kết nối sản phẩm, tạo ra sản phẩm, thêm vào đó một tư duy mới, không phải đếm lượt khách mà tính đến hiệu quả, chất lượng khách, tổng thu từ khách du lịch. Bên cạnh đó, một việc hết sức quan trọng là củng cố lực lượng, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính mình, khi điều kiện cho phép là “bung” ra ngay, tự tin đón bắt cơ hội mới. Đến giờ này, không thể không chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất để thay đổi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế số.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng mới đây cũng đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Du lịch bám sát hoạt động của doanh nghiệp, đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển thời gian tới. 

Du lịch nội địa là thị trường giàu tiềm năng sau đại dịch COVID-19

Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc công ty CP Dịch vụ du lịch và Thương Mại TST (TST tourist) cho rằng: “Sau COVID-19 và sau nhiều lần khủng hoảng, có thể thấy cần phải đổi mới cách nhìn về du lịch nội địa và đưa thị trường này là thị trường chủ lực của du lịch Việt Nam. TST tourist đã chuyển đổi thị trường, tái cấu trúc đội ngũ để chuẩn bị lộ trình mới, chuyển đổi xu hướng du lịch của khách hàng… Chúng tôi xác định năm 2021 thị trường du lịch nội địa là chủ lực, có cơ hội tăng trưởng mạnh, từ đó xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù với các tiêu chí trải nghiệm và an toàn; các tour kích cầu với nhiều giá trị gia tăng, chất lượng và giá hợp lý; đào tạo đội ngũ theo mô hình mới, phù hợp với điều kiện thực tế và chiến lược 2020- 2030”.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch mới để có những thay đổi cho phù hợp. Nhu cầu của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau dịch COVID-19, khách đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn)… Có tới 60% khách du lịch trong nước đặt phòng và đặt tour trực tuyến. Rõ ràng, du lịch thông minh đang phát triển mạnh mẽ, vì thế, các doanh nghiệp du lịch muốn phát triển cần phải chuẩn bị năng lực, công nghệ để phục vụ du khách tăng trải nghiệm và phát triển phù hợp với xu hướng tất yếu.

Tạ Dũng