Các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 11.500 khách hàng

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 08:41, 20/01/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đến hết năm 2020, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 11.500 khách hàng với tổng dư nợ đạt 45.200 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 5.000 khách hàng với tổng số tiền miễn giảm đạt hơn 75 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 445.684 tỷ đồng cho hơn 37 nghìn lượt khách hàng.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hà Nội (NHNN CN) cho biết tại “Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ ngân hàng trên địa bàn năm 2021”, do NHNN CN TP.Hà Nội tổ chức ngày 19/1/2021, tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc NHNN CN TP.Hà Nội cho biết, trong năm 2020, ngành Ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm, đóng góp tích cực hoạt động chung của ngành Ngân hàng và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Năm 2020, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn. Đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 3.957.300 tỷ đồng, tăng 12,91% so với ngày 31/12/2019.

Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đạt 2.314.506 tỷ đồng, tăng 9,58% so với ngày 31/12/2019. Việc thực hiện các chương trình tín dụng đạt kết quả tốt. Dư nợ cho vay nông nghiệp - nông thôn đạt 190.333 tỷ đồng, chiếm 9,09%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 110.228 tỷ đồng, chiếm 5,27%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 395.541 tỷ đồng, chiếm 18,9%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 52.006 tỷ đồng, chiếm 2,49%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 8.329 tỷ đồng, chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội đạt 9.836 tỷ đồng, chiếm 0,47%; dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt 549.520 tỷ đồng.

Trong năm qua, các TCTD tích cực thực hiện công tác quản lý rủi ro thông qua hệ thống cảnh báo sớm, kịp thời phát hiện nguy cơ và xử lý các vấn đề trong hoạt động tín dụng nhằm giảm thiểu rủi ro. Đến ngày 31/12/2020, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,91%/tổng dư nợ.

Đến nay, các TCTD trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 11.500 khách hàng với tổng dư nợ đạt 45.200 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 5.000 khách hàng với tổng số tiền miễn giảm đạt hơn 75 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi đạt 445.684 tỷ đồng cho hơn 37 nghìn lượt khách hàng.

Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về lãi suất của NHNN. Tại các NHTM, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng theo các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN, kéo theo lãi suất các kỳ hạn từ trên 6 tháng, 12 tháng đồng loạt giảm. Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của TCTD giảm so với năm 2019. Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5-8,0%/năm đối với ngắn hạn; 7,5-9,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,5%/năm.

Mặt khác, chi nhánh đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra hàng tháng, quý; Phối hợp với các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn để thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng và các lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi quản lý của NHNN; Theo dõi, đôn đốc các đối tượng thanh tra trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra.

NHNN Chi nhánh theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thanh khoản của các TCTD, diễn biến tỷ giá, ngoại hối và vàng, lãi suất tình hình thị trường tiền tệ; đảm bảo an toàn, thông suốt hoạt động ngân hàng trên địa bàn; báo cáo và kịp thời đề xuất với Thống đốc NHNN, UBND TP về các biện pháp quản lý hoạt động các TCTD trên địa bàn.

Hoạt động cung ứng tiền mặt được đáp ứng đầy đủ cả về cơ cấu và mệnh giá cho các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra an toàn kho quỹ đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn năm 2020,

Với chủ trương quan tâm và chú trọng công tác an sinh xã hội thống nhất từ NHNN, các TCTD đều có chương trình tín dụng an sinh xã hội, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội cho vay 16 chương trình tín dụng chính với dư nợ đến 31/12/2020 đạt 9.836 tỷ đồng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn có hiệu quả cho các đối tượng chính sách. Mặc dù, hoạt động kinh doanh của các TCTD còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái và ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng, ngành Ngân hàng Hà Nội đã đóng góp xấp xỉ 100 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội, tập trung vào một số lĩnh vực như: hỗ trợ người nghèo, ủng hộ biển đảo, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó, ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh COVID-19, ủng hộ người dân bị lũ lụt...

Toàn cảnh hội nghị

Ghi nhận và biểu dương những kết quả hệ thống ngân hàng trên địa bàn Hà Nội đã đạt được trong năm 2020, trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước. Là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội Khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, các kế hoạch 5 năm về cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính, đầu tư công theo các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Bên cạnh đó, tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường; hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội và thách thức đan xen, trong đó có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng.

“Trước bối cảnh đó, đòi hỏi NHNN Chi nhánh và mỗi TCTD trên địa bàn cần phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn năm 2016-2020, quán triệt sâu sắc các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2021 và Chỉ thị 01/CT-NHNN của NHNN để nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, tranh thủ thời cơ, phấn đấu hoàn thành các nhiệm được giao trong năm 2021, tạo tiền đề hoàn thành nhiệm vụ cả giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của Ngành, xứng đáng với vai trò là hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thủ đô”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Cơ bản nhất trí với báo cáo đánh giá tình hình hoạt động ngân hàng năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của NHNN Chi nhánh Hà Nội trình bày tại Hội nghị, Phó Thống đốc yêu cầu, NHNN Chi nhánh Hà Nội tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch COVID-19, chỉ đạo TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo quy định của pháp luật; Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, giám sát, không chỉ là kế hoạch của năm 2021 mà bổ sung những việc còn tồn đọng của năm 2020.

Đối với các TCTD trên địa bàn TP.Hà Nội, tiếp tục coi trọng và triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, giảm lãi suất, cơ cấu lại một cách hợp lý theo hướng dẫn của NHNN.

Trong điều kiện khó khăn hiện nay, Phó Thống đốc đề nghị các NHTM càng khó khăn càng phải kiểm soát chặt chẽ các quy định trong hoạt động tiền tệ, tín dụng, thực hiện đúng các quy định, đặc biệt trong vấn đề quản lý rủi ro tín dụng, hồ sơ tín dụng. Tiếp tục quản lý tốt vấn đề ngoại tệ, đặc biệt trong vấn đề chuyển tiền thanh toán của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như chuyển tiền ra nước ngoài. Các NHTM cần tuân thủ chặt chẽ những quy định về quản lý ngoại tệ… Phó Thống đốc cũng tin tưởng rằng: “Với sự quyết tâm và bản lĩnh vững vàng, hệ thống ngân hàng Hà Nội sẽ tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong thời gian tới”.

Thanh Hải