Trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động trong năm 2021?
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:36, 25/01/2021
|
Năm 2020, quý IV chững lại
Năm 2020, thị trường TPDN tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào hành lang pháp lý là Nghị định 163/2018/NĐ-CP.
Tuy nhiên, vào quý IV/2020, khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 163 có hiệu lực, mức tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bị chững lại. Thị trường TPDN giảm nhiệt do doanh nghiệp trở nên khó đáp ứng các quy định về điều kiện phát hành TPDN theo Nghị định 81.
Theo công bố của HNX, trong tháng 12/2020, có 35 doanh nghiệp đăng ký 98 đợt phát hành riêng lẻ TPDN với tổng giá trị đăng ký phát hành 75,35 nghìn tỷ đồng. Về kết quả phát hành, giá trị phát hành thành công đạt 43,47 nghìn tỷ đồng, chiếm 57,69% tổng giá trị đăng ký phát hành.
Về cơ cấu phát hành, nhóm doanh nghiệp có quy mô phát hành lớn nhất trong tháng 12 là các tổ chức tín dụng, chiếm 55,13% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành của các công ty bất động sản chiếm 5,88% tổng giá trị phát hành; các doanh nghiệp xây dựng chiếm 4,38%; các doanh nghiệp sản xuất chiếm 3,78%; các doanh nghiệp dịch vụ chiếm 1,61%; các doanh nghiệp chứng khoán chiếm 0,87%; còn lại là các doanh nghiệp khác chiếm 28,35% tổng giá trị phát hành.
Về phát hành TPDN quốc tế, trong tháng 12/2020, có 1 doanh nghiệp đã phát hành thành công 160 triệu USD TPDN ra thị trường quốc tế với kỳ hạn phát hành bình quân đạt 5 năm.
Như vậy, trong năm 2020, đã có 2.408 đợt đăng ký phát hành TPDN riêng lẻ, trong đó có 2.228 đợt phát hành thành công, tăng 2,46 lần so với năm 2019. Tổng giá trị phát hành thành công đạt 403,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 69% tổng giá trị đăng ký, tăng 35,9% so với năm 2019 . Số doanh nghiệp phát hành thành công là 277 doanh nghiệp, trong đó có 2 doanh nghiệp đã phát hành thành công 345 triệu USD TPDN ra thị trường quốc tế.
Hành lang pháp lý mới, sân chơi cho nhà đầu tư chuyên nghiệp?
Vào cuối năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu đồng bộ với Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Theo đó, đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Như vậy, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như trước đây.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân là người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỷ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế ít nhất 1 tỷ đồng.
Nghị định 81 cũng quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ và rủi ro của nhà đầu tư bao gồm (1) tiếp cận và hiểu rõ đầy đủ nội dung, điều khoản trước khi quyết định mua hoặc giao dịch trái phiếu, (2) tự đánh giá và chịu trách nhiệm về các rủi ro phát sinh, và (3) tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan về đối tượng nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Về phía doanh nghiệp, trước đây, Nghị định 81 đã giới hạn quy mô phát hành TPDN, dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu. Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu sáu tháng. Doanh nghiệp phát hành phải ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến Nghị định 153, các quy định trên đều được gỡ bỏ.
Thay vào đó, Nghị định 153 chỉ yêu cầu doanh nghiệp phát hành (1) là CTCP hoặc công ty TNHH, (2) thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong ba năm liên tiếp, (3) đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, (4) có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận, (5) có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.
CTCK VNDIRECT đánh giá Nghị định 81 sẽ tạo cơ hội cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại trong năm 2021, nhờ nới lỏng một số điều kiện.