Ưu tiên vốn cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn
Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 10:26, 27/01/2021
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Tại văn bản vừa gửi đi, NHNN cho biết, cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: “Chính phủ chỉ đạo nâng mức vốn vay, cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra việc các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”.
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Trước các kiến nghị của cử tri, NHNN cho biết, xác định vai trò nòng cốt của nông nghiệp trong nền kinh tế, ngành Ngân hàng đã ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn giản thủ tục cho vay, tạo điều kiện tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, cụ thể:
Về mức vay vốn, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các quy định hiện hành về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, TCTD căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của TCTD để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay.
Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp trong thực tế, tại Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo (TSĐB) của một số khách hàng cá nhân, hộ gia đình đã được điều chỉnh nâng lên; đồng thời, đối với tổ chức, cá nhân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị phương án sản xuất kinh doanh.
Về thủ tục hành chính, NHNN cho biết, thời gian qua NHNN đã chủ động, tích cực rà soát các cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng theo hướng giảm bớt các thủ tục, giấy tờ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ngân hàng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; đồng thời chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nội bộ để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Theo đó, các TCTD đã chủ động rà soát quy trình, thủ tục về cấp tín dụng, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng; giảm bớt đầu mối xử lý nội bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, thay thế xử lý thủ công; tiếp tục cải tiến mô hình giao dịch một cửa… để giảm chi phí hoạt động, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ đối với khách hàng.
Riêng đối với khu vực nông nghiệp nông thôn, các TCTD đã phát triển các sản phẩm tín dụng, hình thức cấp tín dụng với quy trình thủ tục ngày càng đơn giản, thông qua việc áp dụng hình thức cho vay lưu vụ, cho vay qua sổ tín dụng, cho vay thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai ngân hàng lưu động xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ thay vì người dân phải đến trụ sở ngân hàng… với các thủ tục đơn giản, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này.
Với sự vào cuộc quyết tâm của ngành Ngân hàng, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, Báo cáo Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (Doing Business - DB) 2020 cho thấy, chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 7 bậc so với báo cáo năm 2019, từ thứ bậc 32 lên 25, xếp hạng 25/190 nước.
Bên cạnh đó, liên tiếp 5 năm gần đây NHNN luôn dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par-index) trong số các bộ, ngành. Kết quả này cho thấy hiệu quả của những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của ngành Ngân hàng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng.
Tuy nhiên, để tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay, NHNN cho rằng cần có sự phối hợp tích cực hơn của các bộ, ngành, địa phương trong việc giải quyết vướng mắc trong một số thủ tục có liên quan đến hoạt động cho vay thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật, như: Xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (đặc biệt là tài sản hình thành trên đất nông nghiệp như nhà kính, nhà lưới…), đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm toán báo cáo tài chính…
Trả lời về kết quả triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP, NHNN cho biết, đến nay đã có trên 80 TCTD và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn, với mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp đến tận thôn bản, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển lĩnh vực này.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 19,83%, cao hơn mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế (16,02%).
Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch tả lợn châu Phi… song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn đạt mức tăng trưởng khá, đến cuối tháng 9/2020 đạt trên 2,16 triệu tỷ đồng với trên 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ, tăng 5,84% so với cuối năm 2019 và tăng gấp 2,5 lần so với đầu năm 2016, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 10/2020 đạt 46.006 tỷ đồng, tăng 2,8% và chiếm 37,24% dư nợ trên địa bàn.
Để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân, NHNN cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD ưu tiên, tập trung, cân đối nguồn vốn ưu tiên cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đồng thời niêm yết công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục cho vay để doanh nghiệp, người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được vay vốn một cách thuận lợi với thời gian nhanh nhất.