Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Đại hội XIII của Đảng - Ngày đăng : 19:46, 27/01/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều 27/1, trong phiên thảo luận tại hội trường Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có bài tham luận về những đóng góp của hệ thống ngân hàng đối với việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng và một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tham luận tại Đại hội

Chủ động, thận trọng và linh hoạt áp dụng các biện pháp, công cụ phù hợp

Trong bài phát biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, trong 5 năm qua, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn gia tăng, Đại dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng và tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đặt ra nhiều thách thức đối với điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng. Trước bối cảnh đó, NHNN đã luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng; bám sát diễn biến thị trường, chủ động, thận trọng và linh hoạt áp dụng các biện pháp, công cụ phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, với vai trò là một NHTW, NHNN đã điều hành, góp phần kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% theo đúng mục tiêu của Quốc hội đề ra; thị trường tiền tệ, ngoại hối về cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng cao kỷ lục, tăng gấp 3 lần so với cuối năm 2015; tình trạng đô-la hóa giảm dần, niềm tin vào đồng Việt Nam ngày càng được nâng cao. Chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế được thực hiện hiệu quả, nguồn vốn bằng ngoại tệ và vàng từng bước được chuyển hóa thành tiền, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trước tác động nghiêm trọng của Đại dịch COVID-19, NHNN đã vào cuộc rất sớm, ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, từ đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nền kinh tế đạt tăng trưởng dương trong năm 2020. Những yếu tố nêu trên đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Thứ hai, với vai trò chu chuyển vốn trong nền kinh tế, chính sách tín dụng được điều hành theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn, hiệu quả, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát; điều hành tín dụng gắn với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với chủ trương từng bước giảm tỷ lệ cung cấp vốn cho đầu tư phát triển từ kênh tín dụng ngân hàng. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, nông nghiệp, nông thôn, đối tượng chính sách, hỗ trợ giảm nghèo; tín dụng ngày càng hướng đến khu vực kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thứ ba, với vai trò cung cấp dịch vụ cho nền kinh tế, hoạt động thanh toán trong những năm qua có những bước tiến vượt bậc cả về chất lượng và số lượng với nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích và hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin; thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, các hoạt động chuyển đổi số, dịch vụ ngân hàng số phát triển mạnh mẽ. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán được tăng cường, đảm bảo cung ứng dịch vụ ngày càng tiện ích và hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.

Thứ tư, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được thực hiện từng bước hiệu quả; Quy mô, năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế; Vấn đề sở hữu, đầu tư chéo đã được quan tâm, xử lý, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ theo Nghị quyết 42 của Quốc hội cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh. Công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, đảm bảo an ninh tài chính - tiền tệ quốc gia.

Thứ năm, trên mọi mặt hoạt động ngân hàng, công tác cải cách hành chính và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý được đặc biệt quan tâm. Trong 5 năm qua, NHNN luôn đứng đầu các bộ ngành Trung ương trong Bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng thời gian tới

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhiệm kỳ 2021 – 2025, tình hình thế giới dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn hệ thống ngân hàng, Ban cán sự Đảng NHNN sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống, mà trọng tâm là một số mặt công tác sau:

Một là, tiếp tục kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng hoạch định và điều hành CSTT, phối hợp chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác để ứng phó linh hoạt, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế, tiền tệ thế giới, tăng tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, tiếp tục thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; Quan tâm phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, phát triển tài chính toàn diện, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Ba là, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 trong hoạt động thanh toán; triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo hoạt động ngân hàng thông qua cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính. Triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện Quốc gia, góp phần thực hiệc chủ trương không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của TCTD, tham mưu các cấp có thẩm quyền việc ban hành và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD giai đoạn 2021-2025. Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành thực hiện các giải pháp góp phần nâng cao Chỉ số tiếp cận tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

"Với những thành tựu của ngành Ngân hàng và của đất nước trong những năm qua, với thế và lực cũng như vị thế mới của Việt Nam, sự quan tâm sâu sắc và lãnh đạo toàn diện của các cấp lãnh đạo, ngành Ngân hàng có cơ sở để vững tin sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó, đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển an toàn, bền vững và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.