Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đối với tài sản nhà nước
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 17:25, 28/01/2021
|
Tài sản nhà nước có những gì?
Hội thảo nhằm mục đích trao đổi thảo luận về thực trạng triển khai các chính sách pháp luật về hiệu quả, hiệu lực quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; vai trò giám sát của Quốc hội. Đồng thời, gợi mở những những giải pháp cần thiết để tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước,
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, tài sản nhà nước gồm 4 loại tài sản: Đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; xe ô tô các loại; tài sản khác. "Bộ Tài chính đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước và thường xuyên cập nhật thông tin", ông Tân cho biết.
Việc quản lý sử dụng tài sản nhà nước đã có phân cấp, phân quyền cho các Bộ chủ quản, cho chính quyền địa phương để tạo sự chủ động, khai thác có hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực được giao. Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện giám sát việc mua sắm, chuyển nhượng tài sản nhà nước.
Tại hội thảo, PGS,TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam cho rằng, nhận thức và khái niệm tài sản nhà nước, tài sản công ở Việt Nam còn nhiều điều chưa ổn. Nên hiểu tài sản quốc gia là tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Tài sản quốc gia là toàn bộ nguồn lực vật chất và tinh thần của một đất nước hiện có, bao gồm: Toàn bộ nguồn lực vật chất như tài nguyên, của cải được tạo dựng qua nhiều thế hệ; tài sản mang giá trị tinh thần, văn hóa; tài sản được hình thành từ việc đầu tư từ ngân quỹ nhà nước; tài sản là ngân quỹ quốc gia, tiền thật…
“Việc phân định đại diện chủ sở hữu, chủ sở hữu đích thực là chưa rõ ràng và không phù hợp dẫn đến những trường hợp ngộ nhận về quyền sử dụng và quyền sở hữu. Có không ít trường hợp tài sản quốc gia được chuyển nhượng, mua bán chiếm đoạt sai luật pháp hoặc sử dụng không phải vì lợi ích toàn dân”, PGS,TS. Đặng Văn Thanh nói.
Hiệu quả nhưng còn cần tăng cường
Theo TS. Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân thực hiện quyền giám sát bên cạnh chức năng lập pháp. Hoạt động giám sát đối với thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các Ủy ban, đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội.
Hoạt động giám sát của Quốc hội đã thúc đẩy ý thức tuân thủ các quy định quản lý, sử dụng tài sản công, nâng cao hiệu quả các chính sách đầu tư, khai thác, bảo vệ tài sản công. Qua đó, chỉ ra các bất cập, tồn tại và đề ra biện pháp khắc phục. Đồng thời, hoạt động giám sát còn góp phần nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với tài sản công.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn một số hạn chế bất cập. Các giám sát chuyên đề còn chưa nhiều trong khi phạm vi tài sản công rất lớn. Thực tế các giám sát chuyên đề thường chỉ chọn một nội dung trọng tâm, một loại tài sản công cụ thể để giám sát.
Về phương thức giám sát cũng có bất cập, ví như: Thời gian làm việc với các Bộ, ngành, địa phương thay đổi so với kế hoạch; việc tham gia của các thành viên trong Đoàn có lúc còn chưa đầy đủ; việc gửi báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; việc cung cấp thông tin của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, còn chậm… Hoạt động chất vấn bị giới hạn do thời gian của chương trình kỳ họp…
Việc thành lập Đoàn giám sát còn gặp một số khó khăn do thiếu chuyên gia trong lĩnh vực giám sát, cơ cấu đại biểu Quốc hội trong đoàn giám sát chưa bao quát hết các khía cạnh của nội dung giám sát. Do đa số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nên việc tham gia hoạt động của Đoàn giám sát có thời điểm còn chưa đầy đủ.
Giải pháp để nâng cao hiệu quả giám sát
Để nâng cao hiệu quả giám sát, TS.Nguyễn Minh Sơn đề nghị, cần tăng cường hoạt động giám sát đối với việc thực hiện pháp luật về tài sản công thông qua giám sát chuyên đề và chất vấn, đồng thời ban hành các tiêu chuẩn, định mức tài sản chuyên dùng, công trình sự nghiệp, máy móc thiết bị đặc biệt trong lĩnh vực y tế, giáo dục…
Đặc biệt, TS. Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh: "Việc giám sát tài sản công được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh; các tài sản là tài nguyên nước, khoáng sản, nguồn lợi từ biển, đất đai; tài sản là kết cấu hạ tầng giao thông. Cần thiết xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa, công tác thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…"
Còn theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh, giám sát là vấn đề khó, chứa đựng nhiều mối quan hệ kinh tế, lợi ích phức tạp. Để đảm bảo giám sát của Quốc hội hiệu quả, hoạt động giám sát không chỉ tập trung vào những vấn đề liên quan đến chính sách mà cần xem xét trong mối liên hệ giữa tài sản công và các vấn đề kinh tế, chính trị xã hội. Giám sát của Quốc hội cần tập trung vào các cơ quan nhà nước, các đơn vị, tổ chức kinh tế cá nhân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và cả trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có sử dụng tài sản nhà nước.
Bên cạnh đó, cần cải tiến cách thức làm báo cáo kết quả giám sát theo hướng lựa chọn tập trung vào những vấn đề tồn tại và kiến nghị những vấn đề cấp bách, quan trọng, liên quan trực tiếp tới đối tượng chịu sự giám sát. Quan tâm đúng mức tới các kênh thông tin về tình hình tài sản nhà nước để nắm bắt và thực hiện giám sát kịp thời, hiệu quả.