VN-Index có thủng mốc 1.000 điểm?
Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 14:27, 29/01/2021
|
Sau 3 lần thử thách không vượt được ngưỡng 1.200 điểm, thị trường đã rơi mạnh, xuyên thủng nhiều ngưỡng kháng cự và về sát mốc 1.000 điểm. Trong phiên giảm điểm kỷ lục ngày 28/1, VN-Index mất hơn 73 điểm, giảm 6,67% gần kịch khung biên độ. Tin xấu về COVID-19 tiếp tục trong ngày 29/1, với 9 ca nhiễm mới ở Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh.
Theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty chứng khoán Yuanta, thị trường rơi mạnh trong đợt này có một số nguyên nhân như thị trường đã có một nhịp tăng quá mạnh và quá nóng trong một thời gian dài, nhiều mã đã tăng quá giá trị thật rất nhiều. Lượng margin giai đoạn vừa rồi quá căng bao gồm cả margin nổi (tiền công ty chứng khoán cấp cho nhà đầu tư sử dụng) và margin chìm (tiền nhà đầu tư vay bạn bè người thân, ngân hàng,...) khi thị trường đảo chiều thì đây là áp lực cực lớn khiến thị trường có giai đoạn giảm mạnh như hiện giờ.
Giá tăng đã phản ánh hết báo cáo tài chính, nhiều mã báo cáo tài chính không tốt nhưng giai đoạn trước đó vẫn tăng. Thị trường giai đoạn tết thường nhiều nhà đầu tư cần rút tiền cũng như giai đoạn tới chuẩn bị rơi vào giai đoạn vùng trũng thông tin.
“Theo tôi thị trường sẽ còn giảm vài phiên tới thủng mốc 1000 điểm sau đó khả năng rất cao có quá trình tạo đáy” – ông Nguyễn Việt Quang nhận định.
Trong tình hình hiện tại, ông Nguyễn Việt Quang khuyến cáo các nhà đầu tư nếu dùng margin cần giảm ngay margin để tránh áp lực tâm lý. Tuy nhiên, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu tốt mà chỉ dùng tiền thật thì có thể tiếp tục nắm giữ đợi hồi phục để cơ cấu lại danh mục.
Tương tự, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng nhà đầu tư nên đợi phiên hồi để bán bớt ra, giảm tỷ lệ margin xuống thu hồi tiền mặt để ăn… Tết. Sau những phiên giảm sâu, thị trường sẽ có độ hồi nhất định. Hôm nay (ngày 29/1) và sang tuần sẽ có những phiên hồi lại và đừng xem đó là xu hướng tăng trở lại. Để quay trở về xu hướng tăng thì rất khó, từ phiên ngày 19/1, đến nay thị trường mất gần 200 điểm, chỉ số đã xuyên qua các đáy cũ và chuyển thành xu hướng tiêu cực hơn, việc hồi điểm chỉ mang tính chất kỹ thuật chứ chưa thể chuyển sang xu hướng tăng. Nhà đầu tư nên tranh thủ giảm tỷ trọng những cổ phiếu margin lớn. Nhà đầu tư không sử dụng tiền vay cũng nên tranh thủ cơ cấu lại.
Nhìn xa hơn, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng thị trường chứng khoán đã bắt đầu xu hướng đi lên từ cuối tháng 3/2020 và tăng gần một năm. Nay, thị trường mới giảm có 1 tuần, có thể nào đã kết thúc xu hướng giảm? Việc này không hợp lý. Mọi người có thể trông đợi vào tin tốt nhưng cũng cần phải xem xét bối cảnh COVID-19 và tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2,91% nhưng kể từ tháng 3/2020, VN-Index tăng tới 70%, còn HNX-Index tăng tới 120%. Mức độ tăng của thị trường chứng khoán là rất lớn, vượt xa độ phục hồi của nền kinh tế.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng dòng tiền trên thị trường hiện tại chủ yếu là nhà đầu tư F0, khối ngoại bán ròng rất mạnh, năm 2020 khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong hàng chục năm qua. VN-Index lên gần 1.200 muốn lên nữa cần phải có nhiều tiền hơn đổ vào thị trường, nếu chỉ F0 không đủ. Tỷ lệ margin đã ở mức rất cao trong lịch sử dù vẫn trong khuôn khổ quy định. Và do quy định của luật pháp, tỷ lệ margin hiện nay chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân. Nếu tỷ lệ margin lớn hơn nữa thì rất rủi ro.
“Trong 21 năm qua, vùng 1.200 điểm bị thử thách 3 lần vào các năm 2007, 2018, 2021. Cả 3 lần chỉ, VN-Idex chỉ quanh vùng đó rồi rớt như một cái dớp” - ông Phan Dũng Khánh nói.