Cảnh báo chiêu trò “hack” tài khoản ngân hàng dịp Tết

Pháp luật - Nghiệp vụ - Ngày đăng : 16:34, 04/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các đối tượng gửi tin nhắn SMS với nội dung “khuyến cáo”, “thông báo trúng thưởng”… kèm đường link giả mạo tới số điện thoại người nhận. Người dân mất cảnh giác click vào đường link này có thể bị đánh cắp tài khoản ngân hàng.

Chị P.H.M trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, ngày 18/1/2021, bỗng dưng chị nhận được tin nhắn từ số điện thoại +84 528788206 gửi vào số điện thoại của chị với nội dung: “ACB Tài khoản sắp đóng băng, hãy kiểm tra lại.https://my-acb-bank.com”. Theo chị M, chị chưa từng mở tài khoản của ngân hàng ACB và cũng chưa giao dịch với ai có tài khoản ngân hàng này. Rất may do thường xuyên theo dõi thông tin trên báo chí nên chị M cũng đã cảnh giác, không click vào đường link giả mạo trên.

Tương tự trường hợp trên, anh P.L (Hà Nội) ngày 12/1/2021, nhận được tin nhắn với nội dung: “(Sacombank) Buoc sang nam moi, can xac nhan thong tin cua ban, hoan thanh thong tin duoc tang the 50k. Moi vao trang: Website http://iisacombank.com de xac nhan”. Do thấy số gửi đi là +60 115338882004 nên anh L biết là nhóm lừa đảo và không đăng nhập vào. 

Không chỉ sử dụng chiêu thức tin nhắn SMS giả mạo, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email lừa đảo thu phí mở thẻ tín dụng giả nhằm chiếm đoạt tiền khách hàng. Các đối tượng này đã sử dụng các thiết bị viễn thông, đa phương tiện như: lập trang web, gửi thư điện tử gắn với tên thương hiệu ngân hàng, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, email tự xưng là nhân viên để tiếp thị, chào mời khách hàng mở thẻ tín dụng với nhiều ưu đãi lớn… Đồng thời, các đối tượng còn hướng dẫn khách hàng thực hiện các bước theo quy trình cấp thẻ tín dụng khá chuyên nghiệp.

Sau khi dụ dỗ được nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sẽ gửi tin nhắn thông báo khách hàng đã được ngân hàng phê duyệt 1 khoản vay tín chấp hoặc 1 thẻ tín dụng. Sau đó, các đối tượng gian lận chuyển 1 tấm thẻ nhựa đến khách hàng bằng đường bưu điện và yêu cầu người nhận trả phí phát hành thẻ với số tiền nhất định. Sau khi nhận được tiền, các số điện thoại đã liên hệ với khách hàng đều mất tín hiệu và đương nhiên khách hàng cũng không thể sử dụng chiếc thẻ giả này. Thẻ tín dụng giả thường được làm bằng tấm nhựa bình thường, có thông tin sơ sài, mẫu mã kém thẩm mỹ, có các thông tin cố tình bắt chước logo và mẫu mã của các tổ chức thẻ tín dụng quốc tế.

Ngân hàng đồng loạt cảnh báo

Nhằm bảo đảm an toàn cho tài sản của khách hàng, Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) vừa đưa ra những cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo phổ biến của kẻ gian, nhằm giúp khách hàng phòng tránh lừa đảo dịp Tết Nguyên Đán 2021.

VIB cho biết, thời gian gần đến Tết Nguyên Đán là giai đoạn khách hàng có nhu cầu giao dịch tài chính tăng cao, đồng thời cũng là thời điểm mà các nhóm đối tượng xấu hoạt động vô cùng tinh vi, phức tạp, với các thủ đoạn lừa đảo phổ biến như giả mạo nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi sms, email thông báo về giao dịch treo hoặc thông báo trúng giải thưởng lớn và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin để xác minh; giả mạo các tổ chức tín dụng uy tín như Western Union, MoneyGram… gửi thông báo về khoản tiền lớn nhận từ người thân hay gửi các địa chỉ website giả mạo dẫn dụ khách hàng truy cập vào địa chỉ website nhận thưởng có giao diện tương tự với website chính thức của ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính, khiến khách hàng nhầm lẫn và khai báo các thông tin quan trọng như tên đăng nhập internet banking, số CMND/CCCD, mật khẩu, mã PIN, mã OTP…

Để bảo vệ tài sản, khách hàng cần nâng cao cảnh giác, không truy cập và khai báo tên đăng nhập, mật khẩu, mã PIN dịch vụ ngân hàng điện tử tại đường link không chính xác của ngân hàng. Đồng thời, đảm bảo bảo mật các thông tin cá nhân quan trọng như: Số CMND/CCCD, tên đăng nhập, mật khẩu, mã PIN, mã OTP; cài đặt phần mềm diệt mã độc mới nhất, cập nhật hệ điều hành mới nhất cho các thiết bị cá nhân như điện thoại, máy tính; thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử và các nơi lưu trữ thông tin cá nhân như email, điện thoại di động, tối thiểu định kỳ 3 tháng/lần.

Không chỉ VIB mà nhiều ngân hàng khác như Agribank, VPBank, TPBank, PVcomBank.. cũng phát đi cảnh báo khách hàng về hành vi lừa đảo đánh cắp thông tin dịp cuối năm và Tết nguyên đán. Các ngân hàng cảnh báo thủ đoạn tương tự mà kẻ gian thường sử dụng đó là giả mạo đầu số/nhân viên ngân hàng chủ động gửi tin nhắn/gửi email/gọi điện cho khách hàng để lừa đảo.

Một chuyên gia công nghệ cho biết, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao không mới nhưng chỉ cần mất cảnh giác thì sẽ “sập bẫy” và thiệt hại khôn lường. “Hầu hết ngân hàng đều có số hotline nên khi có những dấu hiệu nghi ngờ, người dân cần nâng cao cảnh giác và gọi ngay tới tổng đài để được tư vấn hỗ trợ. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn và không click vào đường link giả mạo”, vị này cảnh báo. Vị này cũng cho biết thêm, người dân cũng không cài đặt trên điện thoại các ứng dụng không rõ nguồn gốc bởi đây rất có thể là những phần mềm gián điệp, nghe lén hoặc đánh cắp dữ liệu cá nhân.

 

Minh Hoàng