Vì sao Trung Quốc siết quản lý, kiểm soát với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt?
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 09:14, 05/02/2021
Động thái siết quản lý, kiểm soát với thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung Quốc
Những ngày cuối năm 2020 và đầu năm 2021, các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế đồng loạt đưa tin việc Trung Quốc siết chặt quản lý, kiểm soát đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) - Ngân hàng Trung ương nước này - buộc Ant Group, công ty tài chính thuộc Tập đoàn thương mại Alibaba phải "điều chỉnh" các mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), từ quản lý tài sản, bảo hiểm cho đến cho vay tiêu dùng. Công ty này sẽ phải tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi nếu không sẽ bị dỡ bỏ chức năng TTKDTM.
Tại Trung Quốc, Ant Group là nhánh công nghệ tài chính (Fintech) của Tập đoàn Alibaba do tỉ phú Jack Ma sáng lập, nổi tiếng với việc phát triển phần mềm thanh toán di động AliPay. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của Ant Group đặc biệt thu hút sự quan tâm của chính quyền khi công ty này đã "lấn sân" sang một số lĩnh vực liên quan tới dịch vụ ngân hàng.
Tín hiệu khó khăn đầu tiên dành cho Ant Group xuất hiện hồi tháng 11/2020, khi đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) được kỳ vọng lớn nhất thế giới (37 tỷ USD) của công ty này đã bị chặn lại bởi PBoC. Kết quả là chính quyền đã xác định Ant Group có những vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh. PBoC đã yêu cầu công ty này trình ra kế hoạch thiết lập khung thời gian khắc phục sớm nhất có thể những vi phạm hiện nay để phù hợp với quy định về giám sát của chính phủ.
Tiếp đó, trong thông báo ngày 27/12/2020, Phó Thống đốc PBoC Pan Gongshen cho biết các vấn đề của Ant Group gồm: Lỗ hổng trong cơ chế quản trị, thiếu sót trong nhận thức pháp lý, làm sai quy định, vi phạm về chênh lệch giá, lợi dụng sự thống trị trên thị trường để loại trừ đối thủ cạnh tranh, cũng như làm tổn hại quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Chính quyền Trung Quốc cảnh báo Ant Group "hiểu sự cần thiết của việc cải tổ doanh nghiệp" theo hướng không được phép lấn sân tài chính - ngân hàng trong lĩnh vực kinh doanh tín dụng và tài sản khách hàng. PBoC khẳng định Ant Group cần hoàn thiện là một công ty tài chính thuần túy nhằm đảm bảo hiệu quả về vốn cũng như bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng.
Đồng thời, Trung Quốc cho phép Ant Group thúc đẩy đổi mới công nghệ tài chính nhưng phải tuân thủ nguyên tắc: “Đặt tất cả các hoạt động thanh toán dưới sự giám sát phù hợp với luật pháp Nhà nước”.
Từng được xem là động lực trong sự phát triển kinh tế, đặc biệt tiến bộ về công nghệ tại Trung Quốc, Alibaba và các đối thủ khác như Tencent đều đang gặp áp lực lớn từ chính phủ sau khi đạt lượng người dùng lên tới hàng trăm triệu, với tầm ảnh hưởng bao phủ gần như mọi ngõ ngách trong cuộc sống thường nhật ở quốc gia này.
Theo South China Morning Post, các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang về mức độ nghiêm trọng của cuộc điều tra nhằm vào các công ty công nghệ lần này. Cổ phiếu của Alibaba ngày 24/12/2020 đã rớt nặng trên sàn giao dịch ở Hồng Kông (theo Reuters là 9% trong buổi sáng). Cổ đông lớn nhất của Alibaba là Công ty SoftBank cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực trên sàn Tokyo, giảm 2,7%.
Được biết, 4 cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Trung ương đã thông báo với Alibaba là sẽ sớm gặp Ant Group để thảo luận về chính sách giám sát mới.
Vì đâu?
Trung Quốc siết kiểm soát Alibaba và Ant Group - những cột trụ trong đế chế kinh doanh của Jack Ma - tỷ phú nổi tiếng nhất Trung Quốc diễn ra đúng thời điểm Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang kiềm chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn - Big Tech như Google hay Facebook. Chính quyền Mỹ và Chính quyền Bỉ từ lâu cũng đã không hài lòng vì ảnh hưởng mang tính độc quyền của một số ít công ty trong các lĩnh vực thanh toán thương mại, quảng cáo và truyền thông trên toàn cầu. Ngày 24/12/2020, tờ People’s Daily có bài đăng ủng hộ việc điều tra Alibaba của chính quyền Trung Quốc. Đây là tín hiệu cho thấy đang có tiếng nói đồng thuận và phối hợp rộng rãi mang tính toàn cầu đằng sau động thái này.
Alipay của Ant Group đã trở thành công cụ thanh toán không thể thay thế đối với hàng trăm triệu người dân Trung Quốc, đó là xu hướng tốt. Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đã đúng khi lo lắng về sự “lấn sân” và tầm ảnh hưởng tới giá trị đồng Nhân dân tệ ngày càng tăng của công ty này, bởi các hoạt động tín dụng là nghiệp vụ mà mọi công ty thanh toán phi ngân hàng không được phép thực hiện. Đây là nguyên tắc mang tính pháp lý toàn cầu. Sự thật là Ant Group đã lợi dụng chức năng TTKDTM, cố tình vi phạm pháp luật khi lấn sân ngân hàng thương mại (NHTM) để bước cả vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng bằng tiền điện tử và quản lý tài sản khách hàng.
Trên thực tế, các hình thức TTKDTM rất cần được khuyến khích bởi những tiện ích lớn mà nó đem đến cho cả bên sản xuất, bên thương mại lẫn bên tiêu dùng nhưng cùng với những tiện ích đó, nếu không được luật hóa phạm vi hoạt động chặt chẽ có thể sẽ gây ra nguy hại lớn cho nền kinh tế.
Những giao dịch TTKDTM tại các công ty thanh toán phi ngân hàng rất rẻ, thậm chí khách hàng còn được miễn phí và không bị kiểm soát. Vậy các công ty thanh toán phi ngân hàng kiếm lợi nhuận lớn từ đâu? Câu trả lời là từ chính tiền gửi của khách hàng và đồng tiền điện tử của công ty. Đây chính là lý do khiến cơ quan quản lý Nhà nước của Trung Quốc nhận thấy mối nguy tiềm tàng. Vì vậy, cần phải nhất thể hóa đồng tiền điện tử quốc gia chỉ do Ngân hàng Trung ương (NHTW) của Nhà nước mới được phép phát hành và quản lý chặt chẽ.
Ở mọi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng, chỉ có NHTW mới là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm cao nhất bảo đảm cho giá trị đồng tiền của quốc gia, chống lạm phát và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phát hành, thanh toán bằng đồng tiền quốc gia (tiền mặt và tiền điện tử mang giá trị tiền thật có trong tài khoản) trong hệ thống thanh toán quốc gia. Theo đó, chỉ có NHTW mới có thể là trung gian giữa các NHTM và khách hàng, có cơ chế bằng luật pháp Nhà nước về bảo vệ giá trị tài sản khách hàng thông qua bảo vệ giá trị đồng tiền thanh toán. Khách hàng là các NHTM, công ty thanh toán, doanh nghiệp và người dân đều có thể mở tài khoản và thanh toán với nhau qua chủ ví là cơ quan quản lý nhà nước về đồng tiền thanh toán quốc gia. Khi đó, mọi khách hàng sẽ chuyển tiền gửi thanh toán từ tài khoản của mình tại các NHTM hoặc gửi tiền mặt vào tài khoản số của mình mở tại ví điện tử do NHTW thống nhất quản lý. Nếu không nhất thể đồng tiền điện tử do chính NHTW là cơ quan duy nhất phát hành, thì với thời đại công nghệ và sự phát triển như vũ bão của các hình thức thanh toán, chuyển tiền, nhận tiền và dễ dàng lách luật như Alibaba của Trung Quốc, kiêm luôn việc cho vay tiền điện tử để thanh toán - tức là tín dụng hóa trong hoạt động thanh toán, không chỉ làm chức năng thanh toán thông thường mà kiêm luôn cả chức năng phát hành “tiền của mình” ở đầu ra của quá trình thanh toán. Điều này có thể gây nguy hại cho nền kinh tế bởi, đầu vào là tiền NHTW chính thức, nhưng đầu ra là gồm cả “tiền điện tử hóa” tạo bởi số nhân tiền tệ của chính ông lớn đó với tổng doanh số được thanh toán cho khách hàng lớn hơn nhiều so với tổng tiền gửi thanh toán ở đầu vào của khách hàng. Nếu điều này xảy ra thì xã hội sẽ “được hưởng” những cuộc lạm phát lớn do chính các “ông lớn” trong thanh toán tiền điện tử tạo ra.
Không phải từ năm 2021, mà xu hướng TTKDTM đã phát triển rất mạnh từ hơn 30 năm nay trên toàn cầu và gần 10 năm qua tại Việt Nam, đặc biệt là bùng nổ trong “năm COVID - 19” vừa qua. Trong thực tế, để đáp ứng xu hướng kinh doanh online ngày càng phát triển thì đi theo nó là các hình thức TTKDTM, như: thanh toán qua ví điện tử, qua internet banking, mobile banking…. Nhờ các công nghệ này mà người mua hàng có thể thực hiện chuyển tiền nhanh chóng ở bất cứ đâu thông qua điện thoại mà không cần phải tới ngân hàng. Tất cả các khoản tiền đều lưu lại trong lịch sử giao dịch và cho phép người dùng tra cứu một cách dễ dàng chỉ với vài thao tác đơn giản. Bản chất của hình thức TTKDTM chính là hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; thay vào đó là việc phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi tiền ghi sổ, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử…mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi có trong tài khoản của khách hàng.
Công nghệ càng phát triển thì thanh toán điện tử sẽ ngày càng được người tiêu dùng coi trọng và đóng vai trò lớn trong hoạt động giao dịch trong nước và quốc tế. Chắc chắn thời gian tới, các hình thức TTKDTM tiếp tục bùng nổ mạnh hơn nữa và sẽ đem lại thêm nhiều giá trị gia tăng, tiện ích cho cuộc sống. Vấn đề quan trọng là cần có hệ thống pháp luật Nhà nước về nhất thể hóa đồng tiền quốc gia cũng đồng thời là đồng tiền thanh toán quốc gia cùng những cơ chế đồng bộ về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TTKDTM và giám sát về các hoạt động này. Như vậy mới có thể kiểm soát, đảm bảo ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tránh được nguy cơ ảnh hưởng bất ổn tới giá trị đồng tiền quốc gia gây nên bởi hoạt động tín dụng của các công ty thanh toán phi ngân hàng - nghiệp vụ mà các công ty này không được phép thực hiện.