Kích cầu tín dụng tiêu dùng, giải pháp đẩy lùi tín dụng đen
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:32, 06/02/2021
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Ngân hàng "đua" kích cầu tiêu dùng cuối năm
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Vietcombank triển khai chương trình lãi suất ưu đãi có quy mô 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh với mức lãi suất “siêu ưu đãi” chỉ từ 5,7%/năm, đồng thời được vay lên đến 85% chi phí hợp lý của phương án kinh doanh, giúp khách hàng chớp nhanh cơ hội và tăng tốc hoạt động kinh doanh.
Từ nay đến ngày 21/3/2021, Sacombank triển khai chương trình khuyến mãi “Đón Xuân Tân Sửu - Trâu vàng đại phú” dành cho chủ thẻ tín dụng quốc tế (trừ thẻ doanh nghiệp và thẻ phụ), với tổng giá trị giải thưởng lên đến 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chủ thẻ tín dụng quốc tế Sacombank khi thanh toán, mua sắm sẽ được hoàn tiền lên đến 20% tại siêu thị (Co.opmart, BigC/GO!/go!, Lotte.vn,…), trang thương mại điện tử (Tiki, Lazada, Shopee, Vinamilk, G-Kitchen…), đại lý vé máy bay (Bamboo Airways, Mytour.vn, Traveloka).
BacABank cũng vừa triển khai chương trình “Vay ô tô nhanh - Nhận ngay ưu đãi”, với hạn mức lên tới 500 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 5,6%/năm. Thời gian cho vay linh hoạt tới 120 tháng, hạn mức cho vay 100% giá trị xe, tài sản bảo đảm đa dạng - cho phép tỷ lệ cho vay tối đa 75% giá trị tài sản bảo đảm và phí trả nợ trước hạn vô cùng ưu đãi. Điểm khác biệt so với các sản phẩm tương tự trên thị trường là BacABank chấp nhận hầu hết các loại xe, bao gồm cả xe mang thương hiệu Trung Quốc. Chương trình được triển khai từ nay đến hết ngày 30/9/2021 và tập trung vào các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp.
Hay Ngân hàng Quân đội (MB) và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Vinfast) vừa triển khai chương trình “Vay mua xe Vinfast - Lãi suất siêu ưu đãi 0%”. Theo đó, từ nay đến hết ngày 31/3/2021, khách hàng mua xe Vinfast sẽ được Vinfast hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu tiên. Từ năm thứ 3 trở đi, Vinfast hỗ trợ khách hàng phần lãi vượt quá 10,5%/năm. Ngoài các ưu đãi của Vinfast, khách hàng sẽ được áp dụng các chính sách vay hấp dẫn của MB như: Mức vay lên đến 80% giá trị xe, thời gian vay dài lên đến 96 tháng.
BaoVietBank cũng vừa cho biết tiếp tục kéo dài chương trình Easy Car 2021 với chính sách ưu đãi vượt trội dành cho khách hàng cá nhân mua xe phục vụ mục đích tiêu dùng và kinh doanh đến ngày 31/12/2021. Chương trình áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt, giảm lãi suất kỳ đầu tối đa đến 0,66%/năm khi khách hàng mua bảo hiểm thân vỏ qua kênh Bancassurance của BaoVietBank và các công ty bảo hiểm có ký hợp đồng hợp tác với BaoVietBank.
Trong những ngày sát Tết Nguyên đán, HDBank triển khai chương trình ưu đãi “Tân Sửu an khang - Lãi vàng gắn kết”, dành khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà, xe ô tô, tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh có nhu cầu đầu tư máy móc thiết bị, dự án. Với chương trình này, khách hàng có thể vay từ 200 triệu đồng - 5 tỷ đồng, thời hạn vay trên 24 tháng, lãi suất 6%/năm trong 6 tháng đầu và 9%/năm trong 6 tháng tiếp theo.
Đại diện của HDBank cho biết: “Với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn cùng với việc giải ngân linh hoạt theo mục đích sử dụng vốn, khách hàng tham gia chương trình có thể an tâm và chủ động hơn trong các kế hoạch tài chính của mình”.
Góp phần đẩy lùi tín dụng đen
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tài chính tiêu dùng vẫn là nhu cầu quan trọng của người dân, đặc biệt là phân khúc khách hàng nhỏ lẻ. Do vậy, việc các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, một mặt giúp ngân hàng kích cầu tăng trưởng tín dụng, mặt khác động thái này còn góp phần quan trọng đẩy lùi tín dụng đen.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp hiện nay vẫn rất lớn. Việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt, tài chính tiêu dùng có vai trò quan trọng trong việc góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Một ước tính được TS. Cấn Văn Lực đưa ra cho thấy, quy mô tín dụng đen tại Việt Nam có thể tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 500-650 ngàn tỷ đồng (cuối năm 2019). Đây không phải con số lớn nhưng hệ lụy xã hội thì rất lớn.
Tín dụng đen tại Việt Nam phát triển chủ yếu do 4 nguyên nhân: (i) nhu cầu tín dụng nhỏ lẻ chưa được đáp ứng đầy đủ bởi khu vực chính thức; (ii) qui trình, thủ tục vay vốn từ các tổ chức tài chính còn khá phức tạp (theo yêu cầu của pháp luật), tài sản thế chấp vẫn là rào cản; (iii) sản phẩm – dịch vụ của các tổ chức tài chính chưa hoàn toàn phù hợp với nhu cầu khách hàng; (iv) độ bao phủ của kênh chính thức vẫn còn thấp.
“Tài chính tiêu dùng với những ưu điểm có thể khắc phục được phần lớn những nguyên nhân này là động lực quan trọng để hạn chế tín dụng đen”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Dù đang mang lại những hiệu ứng tích cực đối với kinh tế xã hội nhưng sự phát triển của tài chính tiêu dùng đang tồn tại một số vấn đề. Theo PGS,TS. Đặng Ngọc Đức, nguyên Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, tín dụng tiêu dùng hiện tập trung vào nhu cầu mua và sửa nhà, mua ôtô, các phương tiện đi lại và mua hàng điện máy, điện tử… nhưng việc mở rộng dư nợ những sản phẩm cho vay này đang gặp một số khó khăn. Bởi lẽ, NHNN đã siết chặt hơn đối với cho vay mua nhà theo quy định tại Thông tư 41 thông qua việc thay đổi hệ số rủi ro và tỷ lệ thu nhập của người vay; hay các quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn…
Các động thái này về cơ bản sẽ khiến vay mua nhà bị ảnh hưởng, từ đó tác động đến tín dụng tiêu dùng nói chung. Các khoản vay khác như phương tiện đi lại và điện tử, điện máy cũng chiếm tỷ trọng cao do các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tiếp cận khách hàng chủ yếu thông qua các kênh bán lẻ hiện đại theo chuỗi hoặc thương mại điện tử, vốn đem lại hiệu quả cao và giúp tiết kiệm được chi phí quản lý. Tuy nhiên, sự có mặt của họ tại các kênh chuỗi đang trở nên dày đặc, trong khi nhu cầu tiêu thụ xe máy, điện thoại, điện máy đang dần bão hòa.
Ngoài các khoản vay trên, các khoản vay có mục đích khác hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, một phần do yêu cầu nhiều nguồn lực hơn trong phát triển quan hệ với các nhà cung cấp, tiếp cận với khách hàng và xử lý thủ tục vay. Trong khi đó, cho vay bằng tiền mặt dự kiến cũng sẽ bị hạn chế khi các cơ quan quản lý đang có ý định siết chặt hơn giải ngân trực tiếp cho khách hàng. Do vậy, việc mở rộng dư nợ tín dụng tiêu dùng nói chung sẽ trở nên khó khăn hơn so với giai đoạn trước.
Phát triển tín dụng tiêu dùng an toàn, đúng hướng
Do vậy, để mở rộng và phát triển tín dụng tiêu dùng, PGS,TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng, các TCTD cần xây dựng và phát triển chương trình cho vay tiêu dùng với những mục tiêu, khách hàng và sản phẩm mới một cách có chọn lọc và cụ thể. Để giảm thiểu rủi ro, các TCTD có thể nghiên cứu và phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quần chúng và nghề nghiệp ở địa phương để thiết kế những sản phẩm cho vay theo tổ hoặc nhóm.
Về phía chính quyền địa phương, PGS,TS. Đặng Ngọc Đức cho rằng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tại địa phương là “cầu nối” quan trọng giữa các TCTD và người dân trên địa bàn, góp phần mở rộng quy mô và hạn chế rủi ro của tín dụng tiêu dùng. Do đó, sự phối hợp và hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương không chỉ tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng triển khai các hoạt động cho vay mà còn góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng giám sát việc thực hiện món vay và thu hồi nợ một cách hiệu quả nhất.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, PGS,TS. Đặng Ngọc Đức khuyến nghị, Chính phủ và NHNN cần hoàn thiện các cơ sở pháp lý vừa có thể khuyến khích nhưng vẫn có thể quản lý một cách chặt chẽ và minh bạch hoạt động tín dụng tiêu dùng.
“Đa số các chuyên gia tài chính và các nhà quản lý được hỏi đều thống nhất rằng việc các TCTD triển khai các sản phẩm cho vay tiêu dùng đặc biệt, hướng tới đối tượng khách hàng đặc biệt là một trong những giải pháp cơ bản cần được khuyến nghị nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng tín dụng tiêu dùng”, PGS,TS. Đặng Ngọc Đức cho biết.