Năm 2021: Nhiều thuận lợi để phát triển ngân hàng số

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 07:35, 09/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng, năm 2021 là cơ hội rất lớn để các ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số…

“Từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng. Chúng ta quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Cơ bản đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.”

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI

Phóng viên: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đứng ở góc độ người đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt theo ông, điều gì khiến cho cộng đồng doanh nghiệp ấn tượng và hài lòng nhất trong năm qua?

Ông Hoàng Quang Phòng: Công tác điều hành của Chính phủ tiếp tục có nhiều đổi mới, tập trung vào xử lý nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khó khăn, thể hiện sự năng động, nhất quán, sâu sát, quyết liệt. Cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việt Nam được đánh giá là nước cải thiện tốt nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công được cải thiện, nhất là qua triển khai cơ chế một cửa và cổng dịch vụ công các cấp. Xây dựng Chính phủ điện tử được triển khai mạnh mẽ, trong đó nhiều nền tảng quan trọng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ đã đưa vào vận hành hiệu quả. Tăng cường họp, làm việc trực tuyến, xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi; các mô hình kinh doanh mới và phong trào đổi mới, sáng tạo được nhân rộng.

Mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế; đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế. Kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển, xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện đáng kể, tăng từ thứ 88/183 năm 2010 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2019.

Các loại thị trường vận hành cơ bản thông suốt, bước đầu gắn kết với khu vực và quốc tế; thị trường chứng khoán phát triển khá ổn định; kết nối cung cầu thị trường lao động hiệu quả hơn; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu phát triển.

Đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Quan hệ với các quốc gia, đối tác tiếp tục được mở rộng, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn, nhất là đối với 16 đối tác chiến lược và 12 đối tác hợp tác toàn diện; đã ký kết và triển khai hiệu quả 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các hiệp định tiêu chuẩn cao, thị trường rộng lớn là CPTPP và EVFTA.

Phóng viên: Xin ông cho biết sự sẵn sàng của doanh nghiệp, trong đó có ngành Ngân hàng với nền kinh tế số như thế nào và cần làm gì để thúc đẩy trong thời gian tới?

Ông Hoàng Quang Phòng: Kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các dịch vụ tài chính số đã thể hiện được vai trò hỗ trợ tích cực cho các nhu cầu giao dịch của khách hàng khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Việc số hoá trong hoạt động ngân hàng đã diễn ra trong nhiều năm qua, xuất phát từ những nhu cầu nội tại về quản lý dữ liệu, quản trị điều hành và phân phối sản phẩm.

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho phép mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC). eKYC được xem là “cửa ngõ” để các ngân hàng triển khai ngân hàng số. Theo đó, eKYC là giải pháp nhận diện khách hàng một cách toàn diện, liên tục trong suốt quá trình quan hệ tài chính, tín dụng... giữa khách hàng cá nhân với các tổ chức tài chính (ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính…) thông qua việc đối soát mẫu vân tay trên CMND và dấu vân tay thực của khách hàng.

Thay vì định danh khách hàng bằng gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tùy thân, e-KYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện khách hàng qua AI, đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng...

Từ những điều kiện thuận lợi như trên, nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng bán lẻ có ứng dụng công nghệ số sẽ ngày càng tăng cao. Tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang trở thành xu hướng tất yếu, đây được coi là chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối cao.

Để tận dụng được thời cơ, các ngân hàng cần tiếp tục tập trung phát triển mảng bán lẻ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, đi cùng với việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, chú trọng đáp ứng nhu cầu và trải nghiệm cho khách hàng theo hướng tăng cường cá nhân hóa, đa dạng hóa lựa chọn của khách hàng. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động và ngân hàng trực tuyến ngày càng phát triển với nhiều tiện ích mới mẻ, thuận tiện, nhanh chóng và ngày càng thân thiện, dễ sử dụng hơn cho khách hàng.

Đằng sau đó là việc các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại như công nghệ phi tiếp xúc, ứng dụng sinh trắc học trong xác thực khách hàng, tích hợp các dịch vụ khác nhau trên cùng một ứng dụng (super app), giao dịch từ xa, trợ lý ảo... Đồng thời, các ngân hàng đều chú ý gia tăng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và tài sản cho khách hàng trong các giao dịch trực tuyến.

Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các ngân hàng và các công ty Fintech cũng được đẩy mạnh, giúp việc ứng dụng, phát triển và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại được nhanh hơn rất nhiều so với vài năm trước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Bùi Trang (thực hiện)