WB đưa nhiều kịch bản về triển vọng kinh tế toàn cầu
Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 07:00, 10/02/2021
Báo cáo nhận định, sau khi sụp đổ trong năm 2020 do đại dịch COVID-19 gây ra, GDP toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng 4% trong năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn 5% so với dự báo đưa ra trước đại dịch. Sau đó, GDP toàn cầu sẽ tăng chậm lại xuống mức tăng 3,8% vào năm 2022. Tuy nhiên, COVID-19 đã xói mòn nguồn nhân lực và vốn đầu tư tại các nước đang phát triển và các nước mới nổi (EMDEs), cản trở các mục tiêu phát triển cơ bản. Quá trình phục hồi kinh tế được kỳ vọng sẽ được củng cố trong những năm tới đây, khi tình hình được cải thiện, nhất là về niềm tin, nhu cầu tiêu dùng, giao dịch thương mại và khả năng cung ứng vắcxin.
Một số chỉ số kinh tế cơ bản (% so với năm trước)*
Nguồn: WB tháng 01/2021 |
(*): Tính theo giá cả và tỷ giá năm 2010;
(**): Thay đổi so với dự báo tháng 06/2020;
(***): Mức giá trung bình của dầu thô Brent, WTI, Dubai;
(****): Bao gồm 39 loại hàng hóa chủ chốt (7 mặt hàng kim loại, 5 phân bón, 27 nông sản).
Kịch bản lạc quan
Trong kịch bản này, Báo cáo của WB kỳ vọng GDP toàn cầu sẽ tăng 4% trong năm 2021. Điều kiện là phải quản lý được đại dịch và đảm bảo hiệu quả của vắc xin trong việc hạn chế nguy cơ lan truyền dịch bệnh tại nhiều quốc gia, cũng như việc tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đồng thời với động thái rút dần các gói hỗ trợ tài khóa. Mặc dù cao hơn mức tăng trưởng tiềm năng, nhưng GDP toàn cầu năm 2021 vẫn thấp hơn 5,3% so với dự báo trước đây (trước khi đại dịch xảy ra) - tương đương 4,7 nghìn tỷ USD. Trong năm 2022, GDP toàn cầu vẫn thấp hơn 4,4% so với dự báo trước đây, với mức chênh lệch tại các EMDE cao gấp đôi so với tại các nước phát triển, nguyên nhân là do hoạt động kinh tế vẫn bị kìm nén bởi sự sụt giảm nguồn nhân lực và thiệt hại vật chất do đại dịch gây ra.
GDP tại các nước phát triển được dự báo phục hồi với mức tăng trưởng 3,3% trong năm 2021 và 3,5% trong năm 2022, nhờ kiềm chế được COVID-19 thông qua các nỗ lực mở rộng tiêm phòng vắcxin và chính sách tiền tệ nới lỏng, qua đó giảm nhẹ áp lực lên các giải pháp tài khóa. Tại các EMDE, GDP tiếp tục tăng vững với mức tăng trưởng 5% trong năm 2021 và giảm nhẹ xuống mức tăng trưởng 4,2% vào năm 2022, nhưng phần nhiều là do kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh. Nếu không tính Trung Quốc, GDP năm 2021-2022 tại EMDEs chỉ tăng trung bình 3,5%, do COVID-19 tiếp tục cản trở tiêu dùng và đầu tư. Mặc dù phục hồi mạnh, tổng thu nhập tại EMDEs trong năm 2022 vẫn giảm 6% so với dự báo đưa ra trước đại dịch.
Đại dịch cũng khiến thu nhập bình quân theo đầu người sụt giảm tại hơn 90% số EMDEs, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo. Trên ¼ số EMDEs có thể ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân tới 10%, và thu nhập bình quân theo đầu người năm 2022 tại khoảng 2/3 số EMDEs sẽ thấp hơn so với mức thu nhập trong năm 2019. Khủng hoảng đã xóa nhòa các nỗ lực giảm nghèo trong hai thập kỷ qua, đẩy tỷ lệ nghèo đói trở về ngưỡng nghèo năm 2017. Đồng tiền sẽ cản trở nỗ lực giảm nghèo trong tương lai do thể trạng của lực lượng lao động giảm sút, ảnh hưởng xấu đến năng suất lao động.
Sau khi giảm 0,9% trong năm 2020, GDP tại các nước thu nhập thấp (LIC) được kỳ vọng sẽ phục hồi lên mức tăng trưởng trunh bình 4,3% trong hai năm 2021-2022. Tuy nhiên, mức thu nhập vào năm 2022 vẫn thấp hơn 5,2% so với dự báo đưa ra trước đại dịch. Đại dịch và các cuộc xung đột vũ trang gây thiệt hại nghiêm trọng cho các LIC, nên tốc độ phục hồi sẽ chậm chạp, một phần là do thiếu lượng vắcxin cần thiết để đẩy lùi Covid-19.
Sau khi tăng lên tỷ lệ 230% GDP vào năm 2019, gánh nặng nợ nần tiếp tục tăng cao trên toàn cầu, khi các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn kéo dài do doanh thu giảm và cần đến sự hỗ trợ tài chính của chính phủ. Dòng vốn vào EMDEs tiếp tục trầm lắng, cả vốn FDI và đầu tư gián tiếp.
Thương mại toàn cầu được kỳ vọng phục hồi nhẹ lên mức tăng trưởng trung bình 5,1% trong hai năm 2021-2022 sau khi thu hẹp tới 9,5% trong năm 2020,. Trong năm 2020, nhu cầu về dầu thô giảm 9%, nên giá dầu chỉ dao động quanh ngưỡng trung bình 41 USD/thùng, giảm 34% so với năm trước đó. Sang năm 2021, giá dầu được kỳ vọng ở mức 44%, trước khi tăng lên mức giá 50 USD/thùng vào năm 2022. Trong năm 2020, giá kim loại cơ bản đi ngang trong 6 tháng đầu năm, sau đó phục hồi mạnh trong 6 tháng cuối năm, nhờ nhu cầu tại Trung Quốc tăng cao. Trong năm 2021, giá kim loại được kỳ vọng sẽ tăng 5%, khi nhu cầu tăng trở lại trên toàn cầu. Giá cả các mặt hàng nông nghiệp được kỳ vọng tăng nhẹ trong năm 2021, sau khi tăng 4% trong năm 2020.
Một số kịch bản có thể khác
Theo kịch bản tăng trưởng thấp, sau khi giảm xuống (-4,3%) trong năm 2020, GDP toàn cầu sẽ phục hồi chậm lên mức tăng trưởng 1,6% vào năm 2021 và tăng tốc lên 2,5% vào năm 2022. Theo kịch bản này, kinh tế các nước phát triển sẽ phục hồi ỳ ạch với mức tăng trưởng trung bình trong hai năm 2021-2022 chưa đến 2%. Tương tự, GDP trong hai năm 2021-2022 tại các EMDE cũng chỉ tăng trung bình 3,3%. Như vậy, GDP toàn cầu và EMDEs trong hai năm 2021-2022 lần lượt thấp hơn kịch bản tăng trưởng cao tới 3,5% và 2,5%. Với kịch bản này, gánh nặng nợ nần sẽ tăng cao tại hầu hết các EMDE. Trong đó, thương mại và du lịch là hai lĩnh vực chịu thiệt hại nhiều nhất.
Trong kịch bản kinh tế xấu hơn, do khủng hoảng tài chính lan rộng và đại dịch kéo dài khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn, có thể đẩy thế giới năm 2021 vào tình trạng suy thoái, trước khi phục hồi yếu ớt lên mức tăng trưởng GDP gần 2% vào năm 2022. Theo kịch bản này, kinh tế năm 2021 tại các nước phát triển và EMDEs (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ giảm xuống mức tăng trưởng âm. Do suy thoái kinh tế, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục thu hẹp thêm một năm nữa (2021), sau đó sẽ phục hồi dần từ năm 2022.
Trong kịch bản tăng trưởng cao hơn, GDP toàn cầu sẽ phục hồi mạnh lên mức tăng trưởng gần 5% vào năm 2021. Trong đó, GDP sẽ tăng 4,1% tại các nước phát triển và tăng 5,8% tại EMDEs. Theo kịch bản này, thu nhập tại các nước phát triển và nhóm EMDEs sẽ lần lượt cao hơn kịch bản tăng trưởng cao tới 1,7% và 1,8%. Với tốc độ phục hồi bền vững như vậy, thương mại toàn cầu 2021-2022 có thể tăng trung bình 7%, tình hình tài chính tại EMDEs sẽ ổn định và nợ nần sẽ cải thiện trong giai đoạn trung hạn.
Nguồn: WB tháng 1/2021