Mùa xuân tuổi thơ

Văn hóa - Ngày đăng : 14:02, 14/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Những tia nắng xuân đã gieo mình xuống phố, lòng lại thấy băn khoăn đến lạ. Cảm giác rời bỏ phố thị ồn ào để về với xóm nghèo heo hút bên sông luôn làm ta cảm thấy xốn xang. Quê nhà vẫn bình yên sau bao ngày xa vắng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mẹ đứng trước hiên nhà ngóng đợi từng bước chân quen, thời gian vô tình hằn lên tóc mẹ những màu trắng bâng khuâng. Ta đứng trước mái nhà xưa, nghe từng lớp thời gian vội vàng đi qua, ngỡ như mình đã đi một đoạn đường rất dài mà chưa một lần quay lại…

Mùa xuân tuổi thơ lại hiện về trên từng nếp nghĩ, cứa vào lòng người một nỗi nhớ miên man. Ta bước đi trên con đường quen thuộc, bóng dáng của những đứa trẻ ngày xưa đã đi theo ngọn gió xuân giật mình thổi xiết, bỏ ta đứng lại bên đường với những nỗi niềm khôn tả. Bầy trẻ quê ríu rít trên đường, từng vạt áo mới tung bay trong gió. Những cuộc hội thoại không đầu không cuối như chuyến thuyền chở ta về với tháng năm rực rỡ. Ta cũng một thời, xúng xính trong màu áo mới mẹ may, cũng tưng bừng đi trên con đường quê ngắm nhìn cành mai vàng lung linh trong nắng. Tiếng cười như nối dài bất tận, chẳng có nghĩ ngợi lo toan làm chùn lòng người đứng lại.

Những gương mặt nhà quê hiền từ, buông khăn nón hồ hởi nắm tay, vỗ vào vai đành đạch “khỏe không”. Cuộc hội ngộ bất ngờ luôn làm lòng người ấm áp, những câu chuyện ngày xưa được nhắc đi nhắc lại như thể “mình nhớ hết”. Ta ngồi nghe họ kể chuyện ngày xưa, vạt nắng xuân rộn ràng khắp xóm sưởi ấm cả lòng người. Có lẽ nhờ những cuộc hẹn hò “năm sau nhớ về nha” đã làm ta chưa bao giờ quên giữa tháng ngày rong ruổi với phố.

Mùi bánh quê nồng nàn len vào cánh mũi. Hương vị ngày xưa như vẫn còn đọng lại với tháng năm thầm thì. Có đôi khi đứng một mình giữa ngã tư xa lạ, lại thèm hương vị nhà quê. Là khói bếp ban chiều của mẹ, là mùi mồ hôi trên vạt áo cha, là hương bánh tét mẹ gói sau nhà. Ngồi cùng mẹ canh nồi bánh tét, ánh lửa bập bùng soi rọi từng dấu chân chim trên mắt mẹ. Bỗng dưng thấy mắt mình cay cay, mẹ kéo về phía mẹ “ngồi xa ra, khói làm mắt con đỏ ngầu rồi kìa”. Khẽ lau giọt nước mắt chực chờ rơi, lại thèm cảm giác gối đầu vào lòng mẹ, bỏ quên hết những bộn bề ngoài kia. Câu chuyện cổ tích mẹ kể năm nào như vẫn còn ở lại đây, rót vào tai những điều bình yên rất thật. Câu chuyện có cô Tấm hiền từ, có ông Bụt luôn biết hiện ra giúp đỡ kẻ yếu, có chàng Thạch Sanh dũng cảm dắt ta đi mà không lúc nào lạc đường. Đám trẻ quê lại tranh nhau ra ngồi canh nồi bánh tét. Có đứa chờ đợi mỏi mòn đã ngủ từ lúc nào không hay, có đứa cứ gối đầu vào lòng mẹ giống ta ngày xưa, có đứa lại mơ màng nhìn bầu trời đêm cùng câu chuyện cổ tích vừa mới kể. Thời gian có thể bôi xóa đi rất nhiều thứ trong cuộc đời. Nhưng có những giá trị vẫn còn ở lại mãi bên người, chẳng bao giờ đổi thay.

Mẹ cho ba nhậu một bữa “xả láng” mà chẳng hề than phiền, cánh đàn ông ở xóm lâu lâu mới có dịp “chơi hết lốc”. Câu chuyện ngày xuân luôn được nối dài với những câu chuyện ngày xưa cứ ùa về. Họ lại cùng nhau tính chuyện mùa màng, cùng trao cho nhau kỳ vọng của năm mới an khang và thịnh vượng hơn.

Huỳnh Thị Mộng Tuyền