Dữ liệu lớn và điện toán đám mây mang tới những thay đổi lớn trong ngành Ngân hàng

Công nghệ - Ngày đăng : 14:43, 09/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây (cloud computing) đang tạo ra "cuộc cách mạng hóa" đối với nhiều ngành công nghiệp trên thế giới và ngành Ngân hàng cũng không phải ngoại lệ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, các ngân hàng tại những nền kinh tế đang phát triển nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất bởi những tác động từ cuộc cách mạng công nghệ lần này.

COVID-19 thúc đẩy hơn việc áp dụng công nghệ mới

Những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo đã và đang làm thay đổi trải nghiệm khách hàng, từ đó, giúp những định chế tài chính nhanh nhạy nắm bắt xu hướng này hiểu rõ hơn những mong muốn của khách hàng, qua đó, cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, phù hợp hơn với từng khách hàng một cách hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn.

Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, với dân số phát triển nhanh và ngày càng am hiểu về công nghệ số, ngành dịch vụ tài chính cũng như các ngân hàng đang đặc biệt có lợi thế so với các ngân hàng quốc tế lâu đời.

 

Đại dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ áp dụng các công nghệ mới tăng mạnh. Do đó, càng thúc đẩy các ngân hàng cần mạnh dạn thay đổi diện mạo mới cho các kênh giao dịch của mình dựa trên một tầm nhìn tích hợp cho hoạt động phân phối.

Trong một số ngành, ví như ngành bán lẻ, sự tách biệt giữa “nhà máy” - nơi sản phẩm được tạo ra - và “cửa hàng” - nơi tiêu thụ sản phẩm - đang ngày càng trở nên rõ ràng do chuỗi cung ứng, phương thức phân phối và phạm vi tiếp thị đều đã phát triển mạnh mẽ. Đổi lại, sự tách biệt trên đã tạo ra những lợi thế kinh tế nhờ quy mô, nghĩa là các nhà cung cấp có thể mang đến các sản phẩm đa dạng và tốt hơn cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Công nghệ mới sẽ giúp ngành Ngân hàng gặt hái nhiều thành công

Các ngân hàng cũng không phải ngoại lệ. Những tiến bộ mới nhất về năng lực tính toán đã tạo ra khả năng bổ sung mạng lưới phân phối và tiếp cận khách hàng mới từ xa, từ đó, chuyển đổi ngành Ngân hàng.

Đơn cử việc hợp tác giữa công ty công nghệ Temenos với Techcombank cho phép ngân hàng này xây dựng mạng lưới chi nhánh thực cũng như cung cấp dịch vụ trực tuyến - dịch vụ khách hàng được cá nhân hóa và hiệu quả hơn, đem lại tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi khách hàng.

Theo phân tích của các chuyên gia, ngành Ngân hàng sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn bất kể ngành nào trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Trong khi các công ty công nghệ có dữ liệu khách hàng phong phú, các ngân hàng lại sở hữu tất cả các dữ liệu giao dịch của khách hàng theo thời gian thực.

Bằng việc phân tích chuyên sâu, ngân hàng có thể cung cấp sản phẩm mới phục vụ đối tượng cụ thể tại mọi thời điểm quan trọng trong hành trình tài chính của khách hàng, qua đó đạt được mục tiêu kép là tạo cơ hội kinh doanh mới và củng cố niềm tin của khách hàng.

 

Kết quả từ một khảo sát do Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit - EIU) thực hiện và ủy quyền bởi Công ty Temenos vào đầu năm 2020 cho thấy, 77% các giám đốc ngân hàng tin rằng việc tận dụng giá trị của trí tuệ nhân tạo sẽ là mấu chốt tạo nên sự khác biệt để đánh giá sự thành công và thất bại của các ngân hàng.

Đi tìm lợi thế của các ngân hàng Việt Nam

Các tổ chức tài chính tại Việt Nam có vị thế tốt hơn trong việc tận dụng lợi thế của công nghệ mới. Đây là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng số, nhân khẩu học và địa lý.

Ở những thị trường ngân hàng lâu đời hơn như Hồng Kông, Singapore và Nhật Bản, nhiều ngân hàng buộc phải kết hợp hệ thống cũ với hệ thống mới, điều này đôi lúc dẫn đến những mâu thuẫn, hạn chế nhất định. Trong khi đó, lợi thế của nhiều ngân hàng Việt là không bị kìm hãm bởi áp lực phải kế thừa vận hành hệ thống cũ.

Ngoài ra, Việt Nam và các thị trường mới nổi như Philippines và Indonesia có dân số trẻ hơn so với các nước như Nhật Bản. Tầng lớp trung lưu trẻ đang phát triển am hiểu về công nghệ nhiều hơn và cũng mong chờ được hưởng những trải nghiệm trực tuyến mới mẻ từ dịch vụ ngân hàng.

Với diện tích lớn hơn Singapore và Hồng Kông, giao diện ngân hàng trực tuyến và di động hiệu quả sẽ giúp ích đáng kể cho các ngân hàng Việt trong việc phục vụ khách hàng tại khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa.

Ngành ngân hàng đang được cách mạng hóa do sự phát triển và ứng dụng những công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và hệ thống quản lý dữ liệu tiên tiến.

Trong bối cảnh đó, việc các tổ chức tài chính tại Việt Nam tìm kiếm và xây dựng được quan hệ với đối tác phù hợp, vừa có kinh nghiệm trong ngành, vừa có am hiểu về thị trường, tiềm năng công nghệ và năng lực nghiên cứu và phát triển sẽ là các yếu tố then chốt để chớp lấy thời điểm quyết định này vì sự phát triển ở cả thị trường trong nước và lớn mạnh vươn ra toàn cầu.

Phương Chi