Năm 2020, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội lỗ 194 tỷ đồng do COVID-19
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:40, 18/02/2021
|
Quý IV/2020, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đạt doanh thu 469,1 tỷ đồng, giảm 21,7% so với con số 599,4 tỷ đồng của quý IV/2019. Lợi nhuận trước thuế âm 54,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 12,56 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2020, công ty đạt doanh thu 1.944 tỷ đồng, giảm 24,2% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế âm 194,9 tỷ đồng, trong khi năm 2019 lãi 13,8 tỷ đồng.
Lý giải về việc doanh thu giảm và lợi nhuận ở con số âm, công ty cho biết nguyên nhân chủ yếu do dịch COVID-19 làm giảm doanh thu vận tải hành khách, ngoài ra chi trợ cấp thôi việc năm 2020 cũng tăng 4,2 tỷ đồng so với 2019.
Trong khi đó, một số chi phí năm 2020 tăng so với 2019. Cụ thể như chi phí khấu hao tài sản cố định tăng 10,6 tỷ đồng, do năm 2020 nhu cầu vận tải giảm nhưng công ty lại triển khai dự án nâng cấp cải tạo 45 toa xe khách, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định tăng 574 triệu đồng, chi phí sửa chữa nhỏ toa xe tăng 2 tỷ đồng…
Tại ngày 31/12/2020, tiền và các khoản tương đương tiền của công ty là 141,7 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm; trong đó, tiền mặt là 51,7 tỷ đồng, tăng 67% so với đầu năm, các khoản tương đương tiền là 90 tỷ đồng, tăng 27%.
Công ty gồm có 15 chi nhánh trực thuộc; trong đó có 11 chi nhánh vận tải đường sắt và 4 chi nhánh toa xe. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là tổ chức vận tải hàng hoá, hành khách, hành lý bao gửi trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; kinh doanh vận tải đa phương thức (Logistic) liên vận quốc tế và trong nước; sửa chữa, bảo dưỡng các phương tiện thiết bị, phụ tùng toa xe, cùng một số lĩnh vực kinh doanh hỗ trợ vận tải khác. Hiện Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội.
Vào tháng 6/2020, Đại hội đồng cổ đông thường niên của công ty đã thông qua tờ trình về việc hợp nhất với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn. Đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với định hướng sẽ thoái vốn Nhà nước tại công ty sau hợp nhất. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có thêm thông tin về tiến trình hợp nhất 2 doanh nghiệp vận tải đường sắt lớn nhất nước.
Theo thông tin từ đại hội của công ty, công ty mới chỉ thông qua về mặt chủ trương. Tiếp theo, công ty sẽ xây dựng đề án cụ thể, khi đó mới tính toán đến tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu và đảm bảo việc hợp nhất sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật.
Sau cổ phần hóa, công ty đang quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà đất. Có 4 cơ sở nhà đất đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi, ký hợp đồng thuê với Nhà nước bao gồm: Nhà điều hành tại Bắc Giang, Chi nhánh Vận tải đường sắt Yên Bái, trụ sở Trạm công tác tại Yên Bái, Văn phòng chi nhánh tại Lào Cai. Có 3 cơ sở đang mời gọi đối tác hợp tác khai thác. Có 14 cơ sở nhà đất nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố và chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi. Đơn cử như trụ sở công ty tại số 130 Lê Duẩn (Hà Nội), công ty đã nhiều lần đề nghị nhưng các sở chưa chấp thuận vì vướng quy hoạch đường sắt trên cao.