Doanh nghiệp dệt may gặp khó vì COVID-19

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 13:57, 19/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã phản ánh vào kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp dệt may.

Nhu cầu tiêu thụ thấp, doanh nghiệp giảm lãi

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Công thương, năm 2020, dưới tác động tiêu cực của dịch COVID-19 từ cả phía cung và phía cầu, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may). Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019.

Những tác động của dịch bệnh COVID-19 đã phản ánh vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dệt may niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán. Nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và lợi nhuận sụt giảm so với năm 2019, một số doanh nghiệp lỗ và một số doanh nghiệp hiếm hoi vẫn gia tăng được lợi nhuận.

 “Ông lớn” ngành dệt may Vinatex (mã Upcom: VTX) vừa công bố BCTC hợp nhất quý IV/2020. Theo đó, Tập đoàn này đạt doanh thu 3.642 tỷ đồng, giảm mạnh so với doanh thu 5.503 tỷ đồng của quý IV/2019. Doanh thu hoạt động tài chính chỉ còn 59 tỷ đồng so với 120 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Chi phí quản lý doanh nghiệp nhích nhẹ từ 177 tỷ đồng năm ngoái tăng lên thành 181 tỷ đồng. Khoản chi phí khác 26 tỷ đồng khiến lợi nhuận khác lỗ 16 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý IV đạt 160 tỷ đồng, bằng 88% so với năm ngoái.  Lũy kế cả năm 2020, Vinatex đạt doanh thu 14.003 tỷ đồng, bằng 73% doanh thu năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, bằng 79% so với năm ngoái.

Theo lý giải của Vinatex, lợi nhuận giảm là do tình hình dịch bệnh COVID-19 lan rộng trên toàn cầu ảnh hưởng ngành dệt may. Hiệu quả hoạt động của công ty mẹ Vinatex và hầu hết các đơn vị trong Tập đoàn sụt giảm dẫn đến kết quả chung thấp.

Tuy nhiên, trong đợt sóng cuối năm 2020, giá cổ phiếu Vinatex tăng mạnh từ dưới mệnh giá lên ngưỡng 22.000 – 23.000 đồng/cổ phiếu. Vài phiên gần đây, mỗi phiên có từ 1 – 3 triệu cổ phiếu/phiên được sang tên.

Cùng chịu cảnh giảm lợi nhuận, Tổng Công ty May Việt Tiến (mã Upcom : VGG) đạt 1.951 tỷ đồng doanh thu quý IV/2020, chỉ bằng 74,5% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu hoạt động tài chính đạt 19 tỷ đồng, lãi trong công ty liên kết đạt 19 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, bằng 64% s với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, May Việt Tiến đạt 7.123 tỷ đồng doanh thu, bằng 78,8% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 152 tỷ đồng, chỉ bằng 36% so với năm ngoái.

Do đánh giá dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới các đối tác nhập khẩu của May Việt Tiến tại 3 thị trường lớn nhất là Mỹ, EU, Nhật Bản, May Việt Tiến đã đặt kế hoạch doanh thu giảm mạnh, chỉ bằng 70%, lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 39% so so với năm 2019. Giá cổ phiếu VGG hiện đang ở mức 43.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, May Sông Hồng (mã HOSE: MSH) không chỉ ghi nhận lãi ròng giảm so với cùng kỳ mà còn trích lập dự phòng phải thu với đối tác phá sản. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý IV/2020, May Sông Hồng đạt doanh thu 847 tỷ đồng, chỉ bằng 81% so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 69 tỷ đồng lên 103 tỷ đồng, doanh thu tài chính nhích nhẹ từ 19 tỷ đồng lên 23 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 66 tỷ đồng, bằng 71% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2020, May Sông Hồng đạt doanh thu 3.817 tỷ đồng, bằng 86% so với năm ngoái, lợi nhuận sau thuế đạt 231 tỷ đồng, bằng 51% so với năm ngoái.

Đáng chú ý khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tại ngày 31/12/2020 tăng lên 181 tỷ đồng tăng mạnh so với con số 19 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019. Trong đó, khoản phải thu đối tác nộp đơn phá sản New York & Company là hơn 218 tỷ đồng. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 64 tỷ đồng và MSH đã trích lập dự phòng gần 154 tỷ đồng cho khoản phải thu này. Khoản phải thu đối tác Tập đoàn  Prime Apparel cũng khiến doanh nghiệp này phải trích lập 100% là 27 tỷ đồng. Giá cổ phiếu MSH hiện đang ở mức 46.000 đồng/cổ phiếu.

Điểm sáng

Cùng chung bối cảnh chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã HOSE: TCM) có được tăng trưởng lợi nhuận nhờ nhanh chóng đẩy mạnh mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ y tế. Công ty phát triển vải vải kháng khuẩn, vải có tính năng vượt trội để đáp ứng yêu cầu cao xuất khẩu và thời gian giao hàng gấp rút. Nhờ đó đã giúp lãi ròng của Công ty tăng 28%, đạt 275 tỷ đồng.

Được biết, thời gian tới, TCM dự kiến đẩy mạnh đầu tư mở rộng các nhà máy May - Đan - Nhuộm để phục vụ đơn hàng xuất khẩu, đồng thời đáp ứng các đơn hàng sợi và vải ngày càng cao cho các doanh nghiệp dệt may trong nước để hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA. Về mặt hàng thời trang, Công ty lên kế hoạch phát triển theo hướng online thay vì mở chuỗi bán lẻ để bắt kịp xu hướng mua sắm hiện đại. Chỉ trong vòng 3 tháng gần đây, giá cổ phiếu TCM đã tăng khoảng 2,5 lần từ ngưỡng 30.000 đồng lên mức 76.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Là một doanh nghiệp nhỏ trong ngành dệt may nhưng Công ty cổ phần May Phan Thiết (mã Upcom: PTG) có kết quả ấn tượng trong năm 2020 khi lợi nhuận sau thuế tăng 2,15 lần so với năm 2019. Với vốn điều lệ khiêm tốn 48,6 tỷ đồng, doanh nghiệp này hiện có vốn chủ sở hữu 130 tỷ đồng với 43 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, 24 tỷ đồng trong quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.

Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã kiểm toán, Công ty đạt doanh thu 396 tỷ đồng, bằng 94% so với năm 2019. Giá vốn hàng bán năm 2020 chỉ là 347 tỷ đồng bằng 87% so với doanh thu. Trong khi giá vốn hàng bán năm 2019 chiếm đến 93% doanh thu. Nhờ giảm giá thành sản xuất, giảm chi phí quản lý doanh nghiệp lợi nhuận thuần đạt 49,7 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với 23 tỷ đồng của năm 2019. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 43 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019. EPS năm 2020 là 9.017 đồng/cổ phiếu. Với tiền mặt và tương đương tiền vào cuối năm 2020 là 117 tỷ đồng, tiền gửi ngắn hạn ngân hàng là 39 tỷ đồng, Công ty không phải vay nợ và chịu chi phí lãi vay.

Mặc dù có hiệu quả kinh doanh tốt, tài chính lành mạnh nhưng cổ phiếu PTG đóng băng, không thanh khoản. Nguyên nhân là do giá tham chiếu quá thấp, vài năm gần đây, giá tham chiếu của cổ phiếu chỉ 1.000 – 2.000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu không bán ra. Năm 2019, doanh nghiệp này trả cổ tức 100%.

Nhìn chung về ngành dệt may, Bộ Công Thương cho rằng vẫn có cơ hội phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới. Trong đó Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được kí kết hồi giữa tháng 11/2020 sẽ được kỳ vọng tạo ra động lực, cơ hội cho dệt may Việt Nam và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường của dệt may Việt Nam như châu Âu. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, thời gian tới, ngành dệt may đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, cần tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Đồng thời tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng.

Bùi Trang