Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 16:52, 19/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dự báo đến năm 2040, dân số Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đạt khoảng 470 - 500 nghìn người; quy mô khách du lịch đạt khoảng 8 - 9 triệu lượt người; đất xây dựng đạt khoảng 24.000 - 24.500ha.

Bộ Xây dựng vừa thẩm định Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040.

Theo Báo cáo tóm tắt Đồ án, đại diện đơn vị tư vấn (VIUP) cho biết: quy mô lập quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 có diện tích tự nhiên khoảng 121.197 ha (trong đó, diện tích đất tự nhiên là 69.399ha và diện tích mặt biển là 51.798ha), bao gồm thành phố Móng Cái và một phần huyện Hải Hà, số dân 140.361 người (năm 2019).

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 nhằm xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh, Quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và các định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh.

Một góc thành phố Móng Cái (Quảng Ninh)

Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái trở thành đô thị hiện đại, là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần cảng biển, trung tâm tài chính thương mại, dịch vụ biên giới, thể thao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; hấp dẫn thu hút đầu tư, thu hút lực lượng lao động, đảm bảo môi trường xanh, sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường; đảm bảo quốc phòng an ninh, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và cả dự án đầu tư xây dựng thuộc Khu kinh tế.

Đồ án dự báo đến năm 2040, dân số Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đạt khoảng 470 - 500 nghìn người, bao gồm cả dân số thường trú và dân số quy đổi; quy mô khách du lịch đạt khoảng 8 - 9 triệu lượt người; đất xây dựng đạt khoảng 24.000 - 24.500ha.

Về định hướng phát triển không gian, theo Đồ án, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ tiếp tục được quy hoạch phát triển trên cơ sở 2 vùng động lực là thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà, từng bước hình thành không gian khu kinh tế - đô thị đồng bộ, thống nhất với các phân vùng chức năng của từng khu vực.

Khu vực đô thị dịch vụ được tập trung phát triển theo hành lang giới hạn giữa QL18 và đường ven biển, tạo nên các chuỗi chức năng, được giới hạn bởi các nệm xanh. Khu vực ven biển và các đảo căn cứ vào hệ sinh thái tự nhiên để phát triển các khu đô thị, khu du lịch, khu nông nghiệp công nghệ cao và các dự án sinh thái trên cơ sở bảo vệ cảnh quan, hệ sinh thái trong khu vực. Khu vực từ đồi núi phía Bắc QL18 đến biên giới Việt Trung được chú trọng phát triển hệ sinh thái đồi rừng để bảo vệ nguồn nước, chuyển đổi hoạt động trồng rừng sản xuất sang trồng cây lâu năm, kết hợp phát triển các trang trại nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ du lịch.

Thành phố Móng Cái được quy hoạch, xây dựng phát triển theo cấu trúc vành đai và hướng tâm, gồm trung tâm lịch sử, vành đai dịch vụ đô thị, vành đai chức năng và vành đai sinh thái. Khu vực Hải Hà được phát triển mở rộng: về phía Tây gắn với khu công nghiệp cảng biển và trục kết nối cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; về phía Đông gắn với phát triển đô thị dịch vụ sinh thái. Khu vực Trà Cổ - Bình Ngọc phát triển thành trung tâm dịch vụ du lịch biển gắn với thể thao văn hóa và vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu gia tăng lượng khách du lịch trong tương lai, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trong chuỗi sản phẩm du lịch của Quảng Ninh. Khu vực các đảo Vĩnh Thực, Cái Chiên, Vạn Mặc, Vạn Nước, Thoi Xanh… phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Khu vực đồi núi phía Tây Bắc sẽ chú trọng phát triển các khu du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.

M.H