Cần nghiên cứu hoàn thiện mô hình quản trị của VDB cho phù hợp với thực tiễn
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:47, 22/02/2021
Là 1 ngân hàng chính sách của Chính phủ, VDB đã từng bước phát huy được vai trò trong thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và các nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Thông qua huy động nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, VDB đã cho vay đầu tư hỗ trợ vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, các chương trình kinh tế của Nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thúc đẩy đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm qua.
Tuy nhiên qua thực tế hoạt động, nhận thấy, dù không vì mục tiêu lợi nhuận, được miễn nộp thuế và các khoản ngân sách, được Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và bảo lãnh thanh toán... nhưng kết quả hoạt động của VDB chưa thực sự hiệu quả, đã dần bộc lộ những hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyên nhân chính dẫn tới các hạn chế
Cơ chế, chính sách của Nhà nước đã và đang từng bước giảm bớt ưu đãi đối với tín dụng Nhà nước, làm giảm sức cạnh tranh, giảm vai trò hỗ trợ của VDB đối với các doanh nghiệp. Cụ thể như thời hạn cho vay, cơ chế bảo đảm tiền vay đã không còn ưu đãi so với cho vay thương mại; lãi suất vay vốn dần tiệm cận với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong cùng lĩnh vực, cố định tại thời điểm giải ngân, chưa bảo đảm tính linh hoạt;... Những điều đó khiến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư không còn thấy hấp dẫn khi tiếp cận với nguồn vốn từ VDB.
Mặt khác, mô hình hoạt động và khung chính sách cho hoạt động của VDB còn nhiều bất cập. Là 1 ngân hàng chính sách của Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực cho vay đầu tư phát triển, hoạt động của VDB còn bị điều chỉnh bởi các văn bản pháp lý trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý xây dựng, quản lý ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, khung pháp lý cho hoạt động của VDB lại xây dựng chủ yếu dựa trên sự kế thừa các quy định áp dụng đối với Quỹ Hỗ trợ phát triển và vận dụng các quy định khác của pháp luật trong quá trình hoạt động. Quá trình nghiên cứu, xây dựng, đổi mới trong hoạt động tín dụng chính sách của VDB chưa giải quyết toàn diện các vấn đề vướng mắc, chưa thật sự phù hợp với thực tiễn như: đối tượng cho vay, mức độ ưu đãi về lãi suất, xác định mức lãi suất, thời hạn cho vay, cơ chế phân loại nợ, cơ chế tài chính, cơ chế trích lập và xử lý rủi ro…
Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước bị hạn hẹp bởi quy định của luật quản lý nợ công; vốn điều lệ thực tế của ngân hàng thấp (mới đạt 50% vốn điều lệ Nhà nước quy định); nguồn dự phòng rủi ro của VDB hạn chế nên hoạt động thiếu an toàn khi phải xử lý nợ xấu tăng cao; nguồn Ngân sách Nhà nước có khó khăn, nên hàng năm bố trí nguồn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB chưa tương xứng với quy mô nhiệm vụ của Nhà nước giao…
“Mô hình hoạt động của VDB giai đoạn sau năm 2021”- những điểm cần lưu ý
Từ các phân tích nguyên nhân nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng “Mô hình hoạt động của VDB giai đoạn sau năm 2021” sao cho phù hợp và phát huy hiệu quả hơn nữa là rất cần thiết.
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - trong xây dựng đề án mô hình hoạt động của VDB cần lưu ý cung cấp bổ sung các nội dung liên quan đến thu thập thông tin, tác động của chính sách đến hoạt động của ngân hàng thời gian qua cũng như cần đánh giá việc thực hiện đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của mình giai đoạn 2019-2021 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31/7/2019.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng lưu ý, mô hình VDB sau năm 2021 vẫn phải phù hợp với chiến lược phát triển VDB đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 369/QĐ-TTg ngày 28/02/2013.
Trước mắt, VDB hoạt động theo 2 luật Ngân sách Nhà nước và Luật các Tổ chức tín dụng, hoạt động của VDB như một tổ chức tin dụng (TCTD) có vốn chủ sở hữu 100% của Nhà nước. Do vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng gợi ý 5 vấn đề sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu, hoàn thiện mô hình quản trị của VDB phù hợp. Đây được xem là vấn đề quan trọng quyết định tính hiệu quả của hoạt động tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB. Việc hoàn thiện mô hình hoạt động của VDB không chỉ nâng cao hiệu quả thực hiện quá trình tái cơ cấu mà còn tạo tiền đề vững chắc, hiệu quả cho việc mở rộng hỗ trợ của Nhà nước thông qua kênh tín dụng đầu tư và cấp đủ vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng.
Thứ hai, cần hoàn thiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước (TDNN): Lãi suất cho vay cần được xác định linh hoạt đối với từng dự án, cụ thể hơn đối tượng được cấp TDNN; đa dạng hóa tổ chức cấp TDNN…; Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 về tín dụng đầu tư của Nhà nước trên cơ sở tổng kết hoạt động tín dụng của VDB theo hướng hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy, hành lang pháp lý, củng cố chức năng, địa vị và vai trò pháp lý của VDB trong tình hình mới; xử lý các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn về điều kiện và danh mục cho vay. Chính phủ có phương án tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định về trình tự thủ tục vay vốn, sử dụng vốn vay ưu đãi….
Thứ ba, cần tập trung đầu tư nguồn lực cho VDB nhất là vốn trung hạn, vốn nước ngoài, ngoài nguồn ngân sách trung ương cho VDB để thanh toán phần còn thiếu cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến năm 2018 và thực hiện ưu tiên đầu tư cho các ngành theo Nghị quyết số 23/NQ-TW; trong đó Nhà nước cần quan tâm xử lý thanh toán dứt điểm các khoản hỗ trợ của Nhà nước đã cam kết, chẳng hạn như cam kết cho dự án Đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (tiền đền bù giải phòng mặt bằng cho Dự án, tiền sử dụng đất từ khu đô thị Gia Lâm…) để hỗ trợ nguồn thu, giảm khó khăn cho quá trình thu hồi vốn đối với Dự án, vì vốn đầu tư cho Dự án chiếm 99,9% là vốn huy động của VDB.
Thứ tư, nâng cao năng lực huy động vốn của ngân hàng, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, cải thiện uy tín của VDB trên thị trường tài chính trong và ngoài nước, tăng cường tiềm lực tài chính của ngân hàng.
Thứ năm, VDB cần đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ theo chuẩn mực kế toán quốc tế.