Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 5 năm

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:28, 23/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công cao nhất trong 5 năm qua nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), vẫn còn những dự án trọng điểm đang giải ngân chậm.

 Hình minh họa - Nguồn: Internet

Dẫn nguồn từ báo cáo của Bộ Tài chính, trong bản tin kinh tế tài chính vừa công bố, các chuyên gia thuộc trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB cho biết, thực hiện giải ngân đến hết tháng 11/2020 là 329.868,24 tỷ đồng, đạt 70,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (470.600 tỷ đồng); ước giải ngân đến 31/12/2020 là 389.982,80 tỷ đồng, đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, đây là năm có tỷ lệ giải ngân cao nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 (cùng kỳ năm 2016 đạt 80,3%, năm 2017 đạt 73,3%, năm 2018 đạt 66,87% và năm 2019 đạt 67,46%).

Đối với số vốn kéo dài các năm trước sang năm 2020, thực hiện giải ngân 11 tháng đạt 63,8% kế hoạch; ước giải ngân 12 tháng đạt 75% kế hoạch.

Theo Bộ KH&ĐT, tiến độ giải ngân từ cuối tháng 7/2020 đến cuối năm 2020 có thay đổi tích cực, đặc biệt là từ tháng 10/2020. Cụ thể, có 17 bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/12/2020 đạt trên 80%, trong đó: 10 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 90%.

Tuy nhiên, vẫn có 13 bộ, cơ quan trung ương và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 60%, trong đó: có 6 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%.

Về thực hiện giải ngân đối với các dự án lớn, Bộ KH&ĐT cho hay tại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải đến ngày 24/12/2020, tổng số vốn đã giải ngân của 11 dự án thành phần là 9.962.186/10.803,276 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 (bao gồm cả vốn năm 2019 chuyển sang và điều chỉnh nội bộ kế hoạch vốn năm 2020), đạt 92,21%.

Cụ thể, đối với 3 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu) giải ngân (bao gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp) là 2.644/2.808 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020, đạt 94,18%.

Đối với 5 dự án thành phần đang thực hiện theo hình thức đối tác công tư (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) giải ngân cho giải phóng mặt bằng là 3.025/3.176 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020, đạt 95,25%.

Đối với 3 dự án thành phần mới được Quốc hội chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) giải ngân là 4.293/4.820 tỷ đồng kế hoạch năm 2020, đạt 89,06%.

Đối với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020 là 18.500 tỷ đồng và được bố trí vốn lũy kế vốn từ 2018-2020 là 18.195,035 tỷ đồng (kế hoạch năm 2018: 4.500 tỷ đồng; kế hoạch năm 2019: 6.990 tỷ đồng và kế hoạch năm 2020: 6.705,035 tỷ đồng). Tuy nhiên, lũy kế giải ngân đến nay là 5.038,556 tỷ đồng, đạt 27,69% kế hoạch được giao, trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 là 224 triệu đồng.

Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 4.827,32 tỷ đồng, sử dụng 100% nguồn vốn NSNN. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao 932 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án từ nguồn dự phòng chung. Đến nay, dự án đã giải ngân được 907 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.

Bộ KH&ĐT lý giải, sở dĩ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt tỷ lệ cao nhất trong 5 năm qua là do hai yếu tố cơ bản, đó là: Một là, công tác chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ nhằm vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 khi lượng vốn giải ngân càng nhiều thì càng hỗ trợ tốt cho tăng trưởng; hai là, 2020 là năm cuối cùng thực hiện Luật Đầu tư công 2014 (Luật số 49), chuẩn bị triển khai Luật Đầu tư công 2019 (Luật số 39) - bắt buộc các địa phương và bộ, ngành phải giải ngân tốt hơn, nếu không sẽ bị trừ vốn khỏi kế hoạch trung hạn.

Mặc dù đạt được tỷ lệ giải ngân cao nhưng Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra những ý kiến trái chiều, bày tỏ những lo ngại. Cụ thể, những phần dễ thực hiện để giải ngân của các dự án đều được triển khai thực hiện trước, phần còn lại thường “xương” và khó thực hiện hơn, nhiều vướng mắc hơn thường được để lại để thực hiện sau, nên nếu không đẩy nhanh tiến độ và giám sát, thúc đẩy rốt ráo, tiến độ cũng sẽ khó đảm bảo.

Ngoài ra, việc thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù, di dời các công trình tiện ích, chồng lấn về công tác thi công, vẫn luôn là những nút thắt lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công.

T.H