Phải công bố thông tin 20 ngày trước khi thoái vốn nhà nước

Chính sách mới - Ngày đăng : 08:46, 26/02/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo quy định tại Nghị định 140/2020/NĐ-CP, khi thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, phải thực hiện công bố thông tin tối thiểu 20 ngày trước khi chuyển nhượng vốn.

 

Nghị định 140 sửa đổi bổ sung Nghị định 126, Nghị định 91, Nghị định 32 quy định về việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần và quy định về việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Các Nghị định này thường được gọi tắt nghị định về cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước.

Theo đó, một quy định rất đáng chú ý trong việc thoái vốn Nhà nước được bổ sung là thời hạn Sở Giao dịch chứng khoán công bố thông tin về giao dịch chuyển nhượng vốn tới các nhà đầu tư tối thiểu là 20 ngày trước ngày chuyển nhượng vốn. 

Ngoài ra, Nghị định 140 cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác nhằm đảm bảo việc thoái vốn nhà nước theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch thu hồi vốn đầu tư ở mức cao nhất và hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.

Nghị định quy định, việc xác định giá khởi điểm phải xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn đầu tư ra ngoài bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê (thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, thuê trả tiền hàng năm) theo quy định của pháp luật. Việc xác định giá trị thương hiệu (trong đó bao gồm giá trị văn hóa, lịch sử) vào giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Việc sử dụng một mức giá khởi điểm để thực hiện chuyển nhượng vốn đảm bảo nguyên tắc thời gian tối đa không quá 6 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực đến ngày giao dịch cuối cùng (đối với trường hợp giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán); hoặc tính đến ngày công bố trúng giá chuyển nhượng vốn (đối với phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh) hoặc tính đến ngày ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (theo phương thức thỏa thuận).

Trường hợp chuyển nhượng vốn tại các doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán mà tỷ lệ vốn nắm giữ dưới 36% và giá trị sổ sách dưới 10 tỷ đồng thì được xem xét, quyết định thuê tổ chức thẩm định giá hoặc tự quyết định mức giá khởi điểm. Nhưng phải đảm bảo giá trị chuyển nhượng không thấp hơn giá trị thực của phần vốn góp. Giá trị thực của phần vốn góp được xác định theo giá trị vốn chủ sở hữu ghi trên sổ sách kế toán và tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp do Nhà nước.

Trường hợp chuyển nhượng vốn tại các công ty đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, giá khởi điểm không được thấp hơn các mức giá gồm giá xác định của tổ chức thẩm định giá; giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp của cổ phiếu; giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 1 ngày.

Đối với công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch mà tổng khối lượng cổ phần có giá trị dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp xem xét, quyết định việc thuê tổ chức thẩm định giá hoặc tự quyết định mức giá khởi điểm. Giá khởi điểm phải không thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày liên tiếp và giá tham chiếu trước ngày phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn 1 ngày.

Một nội dung được quan tâm trong vấn đề xác định giá trị phần vốn nhà nước đó là giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất. Trên thực tế, các doanh nghiệp có vốn Nhà nước thường thuê đất có trả tiền hàng năm. Nếu chỉ xem xét giá trị tiền thuê đất thì phần giá trị này rất thấp, không tương xứng với lợi thế từ đất đai.
Do đó, Nghị định 140 quy định, việc xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất nhận chuyển nhượng hợp pháp và quyền sử dụng đất thuê trả tiền một lần cho cả thời hạn thuê trong giá khởi điểm được thực hiện theo giá đất do tổ chức tư vấn xác định tại thời điểm xác định giá khởi điểm so với tiền sử dụng đất, tiền nhận chuyển nhượng, tiền thuê đất mà doanh nghiệp khác đã thực hiện nộp và trả.

Chỉ thực hiện xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm trong giá khởi điểm đối với diện tích đất đã và đang trực tiếp ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm trong giá khởi điểm được xác định theo thời hạn thuê đất còn lại và chênh lệch (nếu có) giữa tiền thuê đất tính theo giá đất do tổ chức tư vấn xác định tại thời điểm xác định giá khởi điểm với tiền thuê đất tính theo giá đất mà doanh nghiệp khác đang thực hiện trả tiền thuê đất.

Thời hạn thuê đất còn lại làm cơ sở tính toán giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê trả tiền hàng năm trong giá khởi điểm là thời gian còn lại trong chu kỳ ổn định đơn giá thuê đất 5 năm theo quy định của pháp luật đất đai. Trường hợp doanh nghiệp đã ký hợp đồng thuê đất nhưng hết hạn thời gian ổn định đơn giá thuê đất mà doanh nghiệp chưa ký lại hợp đồng thì thời hạn thuê đất còn lại được xác định là 5 năm.

Đối với trường hợp doanh nghiệp thuê đất và được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai thì diện tích đất thuê được miễn tiền thuê đất được loại trừ khi xác định giá khởi điểm để chuyển nhượng vốn.

Bùi Trang