Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 15:46, 15/03/2021
Cụ thể, lãi suất VND liên ngân hàng biến động giảm nhẹ qua các phiên ở tất cả các kỳ hạn trong kỳ. Chốt phiên ngày 12/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 0,35% (-0,01 điểm %); 1 tuần là 0,46% (-0,07 điểm %); 2 tuần là 0,58% (-0,06 điểm %); 1 tháng là 0,78% (-0,12 điểm %).
Trong khi đó, lãi suất USD liên ngân hàng gần như không biến động trong tuần vừa qua. Chốt tuần ngày 12/3, lãi suất không thay đổi ở tất cả các kỳ hạn, đóng cửa tại: Qua đêm là 0,15; 1 tuần là 0,20%; 2 tuần là 0,26%; 1 tháng là 0,34%.
|
Trên thị trường ngoại tệ. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng khá mạnh 4 phiên đầu tuần và giảm trở lại phiên cuối. Chốt phiên ngày 12/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.183 VND/USD, tăng 17 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD.
Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 5/3 ở mức 23.828 VND/USD.
Tỷ giá liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên ngày 12/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.066 VND/USD, tăng 34 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Trên thị trường tự do, tỷ giá tiếp tục tăng nhẹ ở hầu hết các phiên trong tuần. Kết thúc tuần ngày 12/3, tỷ giá tự do tăng 50 đồng ở chiều mua vào và 60 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.850 – 23.900 VND/USD.
|
Với nghiệp vụ thị trường mở, tuần qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.
NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.
Trong tuần từ ngày 8-12/3, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động thành công 3.650 tỷ đồng/6.000 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 61%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được 600 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.050 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,06%/năm (+0,03%); 7 năm tại 1,46%/năm (-0,09%); 10 năm tại 2,22% (+0,05%) và 15 năm tại 2,45%/năm (+0,05%).
Tuần qua, có 9.840 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Sang tuần từ ngày 15-19/3, KBNN lên kế hoạch gọi thầu 6.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần cũng có 6.000 tỷ đồng TPCP đáo hạn.
Tuần từ ngày 8 - 12/3, giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp đạt trung bình 8.362 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 10.337 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó.
Lợi suất TPCP biến động trái chiều. Chốt phiên ngày 12/3, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 0,25% (-0,003 điểm %); 2 năm 0,46% (-0,01 điểm %); 3 năm 0,65% (+0,05 điểm %); 5 năm 1,08% (+0,004 điểm %); 7 năm 1,49% (-0,01 điểm %); 10 năm 2,36% (+0,01 điểm %); 15 năm 2,56% (-0,001 điểm %); 30 năm 3,14% (+0,02 điểm %).
|
Với thị trường chứng khoán, thị trường ghi nhận diễn biến tích cực khi cả 3 sàn đều chốt tuần trong sắc xanh, thanh khoản ở mức cao, tuy nhiên khối ngoại vẫn bán ròng mạnh. Chốt phiên ngày 12/3, VN-Index tăng 12,87 điểm (+1,10%) lên mức 1.181,56 điểm; HNX-Index đóng cửa tăng mạnh 14,11 điểm (+5,43%) đạt 273,91 điểm; UPCOM-Index tăng 1,77 điểm (+2,25%) lên 80,33 điểm.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch đạt gần 18.000 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 2.715 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.
|
Tuần qua, thị trường tài chính thế giới cũng đón nhận thông tin: Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật ban hành gói cứu trợ 1.900 tỷ USD (ngày 11/3). Gói cứu trợ được cho là sẽ tái thiết lại xương sống của nước Mỹ. Các nội dung chính của gói cứu trợ 1.900 tỷ USD vừa được thông qua gồm: (i) Trợ cấp thất nghiệp liên bang; không đánh thuế với 10.200 USD trợ cấp đầu tiên; phát tiền trực tiếp 1.400 USD/người cho đa số người dân Mỹ; gia hạn chính sách tín dụng thuế trẻ em thêm một năm và tăng quy mô hỗ trợ; Bổ sung 25 tỷ USD để hỗ trợ người dân thuê nhà và tiền điện nước; khoảng 10 tỷ USD để giúp trả tiền nợ thế chấp mua nhà hàng tháng…
Nhìn nhận về gói cứu trợ vừa được Chính phủ Mỹ ban hành cho người dân Mỹ, giới chuyên gia kinh tế trong nước nhận định, xuất khẩu của Việt Nam có thể cũng được hưởng lợi từ việc tăng chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ khi kinh tế nước này hồi phục. So với cùng kỳ năm trước, doanh số bán lẻ hàng hoá tại Mỹ trong tháng 1/2021 tăng tới 5,9%, trong khi tháng 12/2020 giảm 1,8%.
Doanh số bán lẻ hàng hoá có xuất xứ Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng vọt 70% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng mạnh. Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có những mặt hàng tăng rất mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 187%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 153%, sản phẩm từ chất dẻo tăng hơn 90%,…
Có thể thấy, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời hoạt động thương mại của Việt Nam rất mở, đạt mức 200% trên GDP. Do đó, chính sách kích thích tài khóa đang diễn ra của Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ có khả năng hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu nói riêng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung của Việt Nam.