ADB: 4 nền tảng để phục hồi sau COVID-19 ở Đông Nam Á

Nhìn ra thế giới - Ngày đăng : 21:30, 17/03/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 17/ 3/ 2021,  Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã công bố tóm tắt 4 chính sách mới giúp xây dựng kế hoạch chi tiết cho sự phục hồi kinh tế trung hạn của Đông Nam Á sau đại dịch COVID-19.

Bản tóm tắt các chính sách này được công bố vào ngày khai mạc Hội nghị chuyên đề phát triển Đông Nam Á hàng năm của ADB, hội nghị tìm hiểu các biện pháp cụ thể mà các quốc gia có thể áp dụng để phục hồi sau đại dịch.

Bản tóm tắt nêu bật 4 chính sách nền tảng để phục hồi: (i) hỗ trợ phục hồi xanh sau đại dịch; (ii) tăng cường huy động nguồn lực trong nước để xây dựng lại tài chính của chính phủ; (iii) phục hồi các ngành kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng đặc biệt bởi đại dịch; và (iv) khai thác đầy đủ các cơ hội do dữ liệu lớn mang lại để cung cấp các dịch vụ thiết yếu hiệu quả hơn.

Báo cáo cho thấy đầu tư vào các cơ hội xanh trong nông nghiệp, biển, đô thị và giao thông, kinh tế tuần hoàn và năng lượng sạch có thể tạo ra 30 triệu việc làm ở Đông Nam Á vào năm 2030.

Trước thực tế đại dịch COVID-19 đã làm suy giảm nguồn thu của chính phủ ở Đông Nam Á, có một khuyến nghị cho rằng các chính phủ nên mở rộng cơ sở thuế, tăng cường tuân thủ thuế và cải thiện quản lý thuế để thúc đẩy các nguồn tài chính bền vững cho các sáng kiến ​​được ưu tiên.

Một khuyến nghị khác, đó là xác định các ngành kinh tế chủ chốt có thể tạo mũi nhọn cho sự phục hồi kinh tế trong khu vực. Các ngành kinh tế này bao gồm ba lĩnh vực truyền thống cần phải chuyển đổi, đó là du lịch, chế biến nông sản và may mặc và hai lĩnh vực cho thấy tiềm năng phát triển lớn trong tương lai là điện tử và thương mại kỹ thuật số.

Trong tất cả các lĩnh vực này, nghiên cứu ghi nhận tiềm năng của việc chuyển đổi kỹ thuật số để mang lại những lợi ích to lớn cho khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, việc áp dụng các công nghệ mới trong chế biến nông sản và lĩnh vực BPO có thể dẫn đến năng suất lao động tăng trung bình trên 50% trong 5 năm tới.

Các nghiên cứu cũng lưu ý rằng dữ liệu lớn có triển vọng to lớn trong việc tối ưu hóa các dịch vụ công như y tế, bảo trợ xã hội và giáo dục cũng như trong việc thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch của các quốc gia.

H.Y