Thị trường tài chính tiêu dùng: Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 15:37, 25/03/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo đánh giá của các chuyên gia trong cuộc Tọa đàm “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 25/3/2021, trong 10 năm qua, các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội.

 

Tín dụng tiêu dùng nâng cao đời sống, hạn chế tín dụng đen

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cho vay tiêu dùng là sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp hoặc thế chấp, nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du học, khám chữa bệnh và các nhu cầu thiết yếu khác trong cuộc sống. Cho vay tiêu dùng một mặt giúp đáp ứng nhu cầu của người dân chi tiêu, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của đại bộ phận người dân, mặt khác còn có ý nghĩa lớn trong việc kích cầu nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Đến nay, toàn hệ thống đã có 183 TCTD và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân; 22 công ty tài chính được cấp phép hoạt động với 13 chi nhánh, 43 văn phòng đại diện và 53.516 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố; 4 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động với 61 chi nhánh, 53 PGD tại 23 tỉnh, thành phố.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, hạn chế tín dụng đen. Cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%. Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng cũng đã tăng từ 8,17%/dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020.

Tại FE Credit, sau hơn 10 năm hoạt động, công ty cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách hàng với gần 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ phân bổ toàn lãnh thổ Việt Nam. Hiện doanh nghiệp này vẫn đang mở rộng mạng lưới hoạt động để gia tăng khả năng tiếp cận với người dân. Trong đại dịch COVID-19, FE Credit đã hỗ trợ cơ cấu khoản vay (tất toán khoản vay, miễn phí trả chậm, giãn nợ) cho hơn 200.000 khách hàng với tổng giá trị khoản vay lên đến 4.000 tỷ đồng.

TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia và chuyên gia kinh tế trưởng BIDV đánh giá tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có nhiều bước phát triển tích cực cả về pháp lý, quy mô thị trường, sản phẩm dịch vụ và hiệu quả hoạt động.

Mặc dù vậy, thị trường còn một số bất cập như quy mô còn nhỏ, thị trường phát triển tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn - 3 công ty hàng đầu chiếm hơn 75% thị phần; kiến thức về tài chính tín dụng của người dân còn hạn chế, thiếu thông tin minh bạch…

TS. Cấn Văn Lực cảnh báo 5 rủi ro, thách thức cần lưu tâm đối với tài chính tiêu dùng như quy mô tài chính tiêu dùng còn nhỏ, khó tăng nhanh trong khi chất lượng tài sản giảm trước khó khăn chung của nền kinh tế; lợi nhuận kinh doanh kém khả quan bởi nhu cầu vay tiêu dùng giảm, áp lực cạnh tranh gay gắt; khung pháp lý ngày càng chặt chẽ, thận trọng hơn; áp lực cạnh tranh gia tăng từ các mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng; hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng thay đổi mạnh sau đại dịch chú trọng đến nhu cầu thiếu yếu, chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Những giải pháp để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững

Để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, bền vững, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính, tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô nhỏ nhằm tăng tính cạnh tranh, sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia…

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc FE Credit cho rằng, để tạo điều kiện cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, các công ty tài chính tiêu dùng cần tiếp tục đầu tư công nghệ, nâng cấp dịch vụ, sáng tạo sản phẩm mới tạo sự khác biệt, tăng độ nhận biết. Cũng theo ông Phúc, thời gian tới, việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và căn cước công dân có gắn chip sẽ hữu ích trong hoạt động quản lý và định danh. Việc này giúp các công ty tài chính có nhiều dữ liệu chính xác trong quá trình thẩm định và duyệt vay đối với khách hàng, giảm thiểu rủi ro liên quan các vấn đề giả mạo thông tin cá nhân.

Ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC có thể cập nhật thêm về dữ liệu thể hiện hành vi thanh toán chi phí tiêu dùng của khách hàng như bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập cá nhân, thanh toán hóa đơn…

Theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, về phía các công ty tài chính, cần xây dựng và phát triển một cơ sở dữ liệu khách hàng đầy đủ, xây dựng một hệ thống quản lý nợ khoa học, chủ động trích lập dự phòng rủi ro thỏa đáng đảm bảo nguồn vốn ổn định.

Trong điều kiện của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số. Thực tế, các mô hình cho vay trực tuyến, mô hình P2P xuất hiện rất nhiều thời gian qua cũng là những cảnh báo, buộc tài chính tiêu dùng phải chuyển đổi.

Theo PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh, bằng việc cung cấp dịch vụ thuận tiện, bảo mật và an toàn thông qua công nghệ cao, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ góp phần trong việc đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen”.

Bùi Trang