Từ ngày 1/4, Kho bạc Nhà nước sẽ mở rộng chức năng hệ thống quản lý trái phiếu

Nghiệp vụ Tài chính Ngân hàng - Ngày đăng : 11:50, 29/03/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết sẽ mở rộng chức năng hệ thống quản lý trái phiếu phát hành qua KBNN thông qua việc bổ sung một số nghiệp vụ về hoán đổi, mua lại trái phiếu chính phủ (TPCP) và phát hành TPCP hỗ trợ thanh khoản.

Trong bản tin Tổng hợp Kinh tế - Tài chính tuần từ ngày 22 - 26/3, vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố cho biết, từ ngày 1/4 tới đây, KBNN sẽ thực hiện thí điểm mua lại có kỳ hạn TPCP bằng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi. Đây là một trong 4 nghiệp vụ về quản lý nguồn ngân quỹ nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi được quy định tại Nghị định số 24/2016/NĐ- CP của Chính phủ.

Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định, NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo thứ tự ưu tiên: Tạm ứng cho NSTW; tạm ứng cho ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn các khoản NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các NHTM có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của NHNN (trong đó ưu tiên gửi tại NHTM có tính an toàn cao hơn, khả năng thanh khoản tốt hơn và có mức lãi suất cao hơn); mua lại có kỳ hạn TPCP.

KBNN cho biết, 3 nghiệp vụ (tạm ứng cho NSTW, ngân sách cấp tỉnh và gửi có kỳ hạn tại NHTM) đã được KBNN triển khai đồng loạt trong thời gian qua. Riêng nghiệp vụ về mua lại có kỳ hạn TPCP là một nghiệp vụ khá phức tạp, cần phải có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng cả về cơ sở pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.

Vì vậy, ngày 21/12/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 107/2020/TT-BTC Hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi của KBNN, có hiệu lực từ ngày1/4/2021.

KBNN lựa chọn đối tác giao dịch là các NHTM để giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau:

(i) Trong danh sách các NHTM được xếp hạng theo mức độ an toàn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp cho Bộ Tài chính (KBNN) hàng năm theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 24/2016/NĐ-CP;

(ii) Đang là thành viên giao dịch trên thị trường giao dịch công cụ nợ tại Sở Giao dịch Chứng khoán;

(iii) Không vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP với KBNN theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Thông tư này trong vòng một (1) năm (tính theo ngày) liền kề trước tính đến ngày KBNN thực hiện giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP.

TPCP được KBNN chấp nhận sử dụng trong giao dịch mua lại có kỳ hạn TPCP phải đảm bảo các điều kiện sau:

(i) Là TPCP đang được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán, có kỳ hạn còn lại tối đa không quá 1 năm;

(ii) Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán và được phép chuyển nhượng; không bị ràng buộc trong các quan hệ về giao dịch đảm bảo trong thời gian mua lại có kỳ hạn, kể từ ngày thanh toán giao dịch lần 1. Kỳ hạn mua lại TPCP của KBNN bao gồm: Kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng.

KBNN cho biết, hoạt động này sẽ không tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vì nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn TPCP của KBNN là tiền trong lưu thông, tương tự như nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM.

Lợi ích của việc mua lại có kỳ hạn TPCP là hỗ trợ phát triển thị trường TPCP khi giúp tăng tính thanh khoản của TPCP trên thị trường thứ cấp, từ đó tác động hỗ trợ trở lại đối với hoạt động phát hành của KBNN trên thị trường sơ cấp và góp phần thúc đẩy phát triển thị trường TPCP.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nghiệp vụ này của KBNN chưa thể nhộn nhịp ngay khi khối lượng TPCP có thời hạn từ 1 năm trở xuống lưu thông trên thị trường không lớn, chỉ chiếm khoảng 15% tổng số dư trên toàn thị trường bao gồm cả TPCP và TPCP bảo lãnh. Đồng thời, KBNN có mục tiêu phát hành TPCP kỳ hạn dài, chủ yếu ở kỳ hạn dài 10 – 15 năm, giảm phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm, lượng trái phiếu có kỳ hạn còn lại tối đa 1 năm trong tương lai sẽ cũng không có nhiều.

T.D