Tháo gỡ "nút thắt" trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:05, 30/03/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời giúp tạo hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, trong triển khai thực tế đã nảy sinh ra nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu tại các TCTD.

 Hình minh họa - Nguồn: Internet

10 khó khăn, vướng mắc đang tồn tại

Phát biểu tại Tọa đàm về "Thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý cần lưu ý liên quan đến hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại tòa án và thi hành án" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNHVN) phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hồ Chí Minh tổ chức cuối tuần qua, ông Phan Tấn Trung, Phó Chánh Thanh tra giám sát, NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến nay, việc xử lý nợ xấu của các TCTD trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn TP.HCM nói riêng vẫn chủ yếu theo phương thức thông thường (đôn đốc khách hàng trả nợ và sử dụng dự phòng rủi ro).

Dù Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các TCTD nhưng trong thực tế, các TCTD vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, cụ thể:

Thứ nhất, khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương. Đến nay, về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 42 theo thẩm quyền được giao. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn nhiều khó khăn do các cấp cơ sở chưa được tập huấn Nghị quyết số 42. Ngoài ra, trong quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, việc thừa kế nghĩa vụ trả nợ giữa pháp nhân mới thành lập và pháp nhân cũ chưa được đồng bộ, một số trường hợp cá biệt pháp nhân mới không thừa nhận nghĩa vụ thanh toán nợ (đã là nợ xấu) của pháp nhân cũ dẫn đến tranh chấp kéo dài tại Toà án.

Thứ hai, về bán nợ xấu và TSBĐ theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ (Điều 5 Nghị quyết số 42). Theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 42, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu công khai, minh bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường mua, bán nợ hiện vẫn còn gặp một số khó khăn như: Việc mua bán nợ xấu chủ yếu diễn ra giữa TCTD và 2 đơn vị mua nợ chính là VAMC và DATC, thiếu những nhà đầu tư khác trong nước và nước ngoài; thiếu thị trường thứ cấp và phái sinh đối với các khoản nợ; khó khăn trong xác định giá trị khoản nợ làm căn cứ để mua, bán nợ.

Thứ ba, về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ (Điều 7 Nghị quyết số 42). Hiện Toà án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết số 42.

Thứ tư, về quyền thu giữ TSBĐ (Điều 7 Nghị quyết số 42). Mặc dù Bộ Công an đã có văn bản hướng dẫn về việc hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình thu giữ TSBĐ. Nhưng trên thực tế, việc thu giữ TSBĐ hiện nay vẫn phụ thuộc khá nhiều vào thiện chí của bên vay (đặc biệt trong trường hợp khách hàng không hợp tác, cố ý chây ỳ trong việc bàn giao TSBĐ). Đồng thời, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong một số trường hợp chưa kịp thời (như xác minh thông tin khách hàng, hỗ trợ thu giữ TSBĐ)… cũng làm ảnh hưởng đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu.

Thứ năm, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ (Điều 8 Nghị quyết số 42). Theo quy định tại Khoản 3 Điều 317 về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn và Khoản 4 Điều 323 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới mà các bên đương sự không thống nhất làm cho vụ án không đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 thì Toà án phải ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Như vậy, trường hợp bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới làm cho vụ án không còn đảm bảo điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị quyết số 42 để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, dẫn đến việc áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn có thể không phát huy được hiệu quả xử lý trong thực tế.

Thứ sáu, về đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ xấu (Khoản 4 Điều 9 Nghị quyết số 42). Thực tế cho thấy, trong quá trình xử lý nợ xấu, hầu hết các chủ tài sản đều chống đối, không hợp tác nên các TCTD/tổ chức mua bán nợ không thể lập được văn bản bàn giao tài sản thế chấp/văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ mà phải tiến hành thu giữ theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 42 và lập Biên bản thu giữ TSBĐ có sự chứng kiến của UBND cấp xã nơi tiến hành thu giữ. Do đó, TCTD, tổ chức mua bán nợ đề xuất sử dụng Biên bản thu giữ thay cho văn bản về việc bàn giao tài sản thế chấp/văn bản về việc bàn giao tài sản mua bán nợ nhưng không được Văn phòng đăng ký đất đai chấp thuận. Từ đó dẫn đến các bên liên quan không thực hiện được việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho bên mua tài sản.

Thứ bảy, về điều kiện chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản (Điều 10 Nghị quyết số 42). Mặc dù Khoản 2 Điều 17 Nghị quyết số 42 về áp dụng luật quy định trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết số 42, nhưng trên thực tế, việc chuyển nhượng các dự án chưa có Giấy chứng nhận vẫn gặp phải khó khăn khi tiến hành các thủ tục chuyển nhượng dự án tại các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tám, về việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý TSBĐ và việc nộp thuế khi chuyển nhượng TSBĐ (Điều 12, Nghị quyết số 42).

Thứ chín, về việc hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết số 42).

Thứ mười, về công tác phối hợp trong hoạt động THADS. Mặc dù đã có quy chế phối hợp số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 về việc phối hợp giữa NHNN và Bộ Tư pháp về hoạt động THADS. Tuy nhiên tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thực sự hiệu quả, việc kê biên, bán đấu giá, cưỡng chế bàn giao tài sản cho người mua đấu giá thành công còn chậm, nhiều vụ việc kéo dài.

Cần sự hỗ trợ tối đa cho các TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ, thu hồi nợ

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các TCTD cần tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, các TCTD phải đồng thời đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 được triển khai có hiệu quả trên thực tế, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu tốt theo Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ. Để đạt được điều đó, ông Phan Tấn Trung cho biết, NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các TCTD triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 và chỉ đạo các cấp hỗ trợ tối đa cho các TCTD trong quá trình xử lý TSBĐ, thu hồi nợ.

Đồng thời, có các giải pháp giải quyết dứt điểm, khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42, đặc biệt đối với các khó khăn vướng mắc như: công tác triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; bán nợ xấu và TSBĐ theo giá trị thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ; cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ; quyền thu giữ TSBĐ; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ; đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là TSBĐ của khoản nợ; điều kiện chuyển nhượng TSBĐ là dự án bất động sản…

Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan cần có văn bản có hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đồng bộ việc triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 (Bộ Công an, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Tổng cục thuế, UBND các cấp...) để việc thực hiện được thông suốt. 

Ông Phan Tấn Trung cũng kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể Điểm b, Khoản 2, Điều 7 của Nghị Quyết 42/2017/QH14 “b) Tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật”. Trong đó, giải thích rõ thỏa thuận về quyền thu giữ TSBĐ theo Hợp đồng bảo đảm là như thế nào để có cơ sở cho TCTD áp dụng đúng quy định.

Đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng tại Tòa án theo Điều 8 Nghị quyết 42, dù Toà án đã ban hành hướng dẫn, tuy nhiên cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về Nghị quyết 42 và các giai đoạn xử lý như: Hướng dẫn xử lý khi gặp những vướng mắc trong quá trình thu giữ tài sản do khách hàng không hợp tác (hướng dẫn từ Cơ quan ban hành, Cơ quan Công an, chính quyền địa phương...).

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến việc bán TSBĐ ưu tiên thanh toán các nghĩa vụ trả nợ khác không TSBĐ, thủ tục sang tên cho bên mua được tài sản không phụ thuộc nghĩa vụ thuế của bên bán tài sản xử lý nợ xấu. Cũng như có quy định để các cơ quan thuế/cơ quan đăng ký có trách nhiệm cập nhật/đăng ký quyền sở hữu đối với TSBĐ xử lý nợ xấu, kể cả trường hợp TSBĐ sau khi xử lý không đủ thanh toán nợ cho ngân hàng thì ngân hàng/bên mua trúng đấu giá vẫn không phải đóng thuế thu nhập cá nhân/thuế chuyển quyền sử dụng đất.

Ngô Hải