Việt Nam đã biến khủng hoảng COVID-19 thành cơ hội

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 17:21, 31/03/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 31/3/2021, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội, Tập đoàn Đầu tư và Quản lý V-Startup đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia để đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng năm 2021 với chủ đề “Ứng phó và vượt qua đại dịch COVID-19, hướng tới phục hồi và phát triển”, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020 của trường.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận về chủ đề kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng kinh tế năm 2021

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, trước những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch, Chính phủ các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã phản ứng với quy mô và tốc độ nhanh chóng và quyết liệt chưa từng có trong lịch sử.

Những phản ứng chính sách kịp thời đó được đánh giá là đã giúp làm giảm bớt những khó khăn kinh tế mà đại dịch đem lại đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều gói chính sách còn được coi là khó tiếp cận, không phù hợp với thực tiễn, tiêu tốn nguồn lực và không đem lại hiệu quả như mong đợi.

Do vậy, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc tổng kết thực tiễn và đánh giá các chính sách phản ứng với đại dịch trong thời gian qua là hết sức cần thiết, không chỉ về mặt thực tiễn để đưa ra các khuyến nghị chính sách giúp nền kinh tế vượt qua và giảm thiểu tổn thất kinh tế đối với người dân và doanh nghiệp, từ đó phục hồi và phát triển bền vững; mà còn có ý nghĩa về mặt lý luận trong việc thiết kế và thực hiện các chính sách phản ứng đối với những cú sốc tương tự COVID-19.

Đánh giá cao khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19, ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thể hiện được khả năng kiểm soát khủng hoảng COVID-19 và biến khủng hoảng thành cơ hội. Việt Nam đã nâng cao sự hiện diện trong thương mại toàn cầu và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong các mặt hàng xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số được đẩy nhanh với việc kết nối, tận dụng các công cụ công nghệ thông tin mới tốt hơn; có tính toán đến chuyển đổi và tạo ra công nghệ xanh nhằm duy trì thế mạnh cạnh tranh…

Báo cáo về ấn phẩm “Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2020”, PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế quốc dân - đồng chủ biên ấn phẩm - cho biết, thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2021 là khả năng chống chịu của nền kinh tế sẽ như thế nào nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh trở lại với sự xuất hiện của biến thể virus mới?. Sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm.

“Thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế”, PGS.TS Tô Trung Thành nhấn mạnh.

Để vượt qua khó khăn thách thức trên, PGS.TS. Tô Trung Thành cho rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại. Cùng với đó, chính sách tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức; tiếp đến là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Cùng với đó, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được xếp thứ tự ưu tiên hàng đầu. Dịch COVID-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các gói hỗ trợ, PGS.TS.Tô Trung Thành khuyến nghị: Chính phủ cần có những đánh giá kịp thời việc thực hiện chính sách để phát hiện những bất cập, từ đó kịp thời điều chỉnh về điều kiện hỗ trợ cũng như cách thức thực hiện các chính sách hỗ trợ này.

T.Dũng