Nếu như chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề ngân hàng

Văn hóa - Ngày đăng : 18:23, 31/03/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Giờ đây công việc vẫn áp lực nhưng làm trong lĩnh vực ngân hàng, tôi hiểu đó là điều tất yếu, tôi tự học cách để thích nghi và yêu nghề hơn.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đỗ Thị Bình, công tác tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Bắc Thanh Hóa.

 

Sau hơn ba tháng rời ghế giảng đường đại học, như một mối lương duyên đã đưa tôi đến với VietinBank Bỉm Sơn (nay là VietinBank Bắc Thanh Hóa), vậy mà chớp mắt mười năm đã trôi qua, mười năm không phải quá dài nhưng đủ để trưởng thành và coi đó như ngôi nhà thứ hai của mình. Và trong 32 năm xây dựng trưởng thành cùng hệ thống VietinBank có 10 năm thanh xuân của tôi trong đó.

 

14-15 năm về trước, giai đoạn năm 2005-2008, tài chính ngân hàng trở thành ngành "hot", ở một làng quê thuộc diện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, thì ngân hàng trở thành ước mơ đổi đời của những cô cậu học trò lúc bấy giờ, cũng không rời khỏi vòng xoay ấy, lũ chúng tôi đổ xô nộp hồ sơ vào khối trường kinh tế, một lớp 52 học sinh nhưng chỉ có 6 bạn vào Bách khoa, kỹ thuật, còn lại tất cả gửi vào khối trường kinh tế - ngân hàng. Với sự chịu khó và may mắn, tôi là 1 trong 5 bạn đỗ Học viện Ngân hàng khóa ấy. Sau gần 4 năm dùi mài kinh sử, một lần nữa may mắn lại đến khi tôi nhận được giấy báo trúng tuyển vào VietinBank Bỉm Sơn sau đợt tuyển dụng tập trung toàn hệ thống VietinBank năm 2011, vị trí tôi trúng tuyển là chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nơi làm việc cách nhà gần 20km, cuối cùng ước mơ của tôi đã thành sự thật, gia đình tôi còn vui hơn tôi đỗ đại học, hàng xóm, anh em họ hàng tới chúc mừng.

Chưa vui mừng được bao lâu, những ngày đầu nhận việc, tôi bắt đầu hiểu cụm từ "áp lực chỉ tiêu" là như thế nào, vừa mới ra trường, không có mối quan hệ, tôi hoang mang không biết bắt đầu từ đâu với các chỉ tiêu huy động vốn, cho vay. Buổi tối khi các anh chị đồng nghiệp đã đi về, tôi ở lại phòng vừa mò mẫm vào hệ thống Incas, vừa lục tung trong đầu danh sách anh em họ hàng để tiếp cận. Ở quê tôi, những người có tiền thì thường dấu kín, sợ anh em họ hàng vay mượn vì vậy mà hỏi nhà ai cũng: "không có tiền, đầu tư nọ, đầu tư kia…" Huy động không đủ, đi tìm khách hàng vay còn khó hơn, vị trí của tôi là cán bộ quan hệ khách hàng doanh nghiệp, nhưng lượng doanh nghiệp ở một địa bàn thuần nông không nhiều, doanh nghiệp chủ yếu là từ các hộ kinh doanh cá thể nhỏ rồi chuyển lên doanh nghiệp, hồ sơ pháp lý còn xa lạ, nhiều chủ doanh nghiệp còn không đọc được Báo cáo tài chính, một số khách hàng doanh nghiệp lớn thì các ngân hàng tranh nhau lôi kéo…

Khó khăn chồng khó khăn, chỉ tiêu không hoàn thành làm ảnh hưởng đến kết quả thi đua của cả phòng, trở về phòng trọ, tắt điện, tôi ngồi trong góc phòng khóc một mình. Không dưới đôi lần, suy nghĩ bỏ việc đã xuất hiện trong đầu, nhưng rồi lại nghĩ về ước mơ lúc bắt đầu, tôi lại đứng lên mạnh mẽ hơn. Tôi chịu khó học hỏi các anh chị đồng nghiệp trong phòng, đi làm rồi tôi mới hiểu kiến thức trong trường học là nền tảng nhưng để có thể làm một cán bộ ngân hàng giỏi phải cần rất nhiều kỹ năng mềm.

Vốn dĩ xuất thân trong gia đình bố mẹ làm nông, ngày nhỏ chúng tôi chỉ học và chơi với những anh chị em ở làng, trong đầu không có khái niệm giao tiếp, đi học đại học cũng chỉ chơi cùng nhóm bạn trong ký túc xá, vì vậy những tiếp xúc ban đầu với khách hàng tôi còn e thẹn, rụt rè. Nhận thấy được yếu điểm của mình, tôi đăng ký học thêm khóa học giao tiếp trên thành phố, đồng thời mỗi lần các anh chị đi thẩm định gặp gỡ khách hàng, tôi đều xin đi cùng và học hỏi, cứ thế mỗi ngày tôi tiến bộ hơn.

10 năm qua, tôi đã trải qua nhiều vị trí ở các phòng nghiệp vụ khác nhau nhưng Phòng Khách hàng doanh nghiệp là nơi đã nuôi dưỡng tình yêu với ngành và đào tạo cho tôi một nền tảng vững chắc về quy trình nghiệp vụ, về thái độ sống và cả đạo đức nghề nghiệp. Giờ đây công việc vẫn áp lực nhưng làm trong lĩnh vực ngân hàng, tôi hiểu đó chính là điều tất yếu, tôi tự học cách để thích nghi và yêu nghề hơn. 10 năm nhanh như chớp mắt, thỉnh thoảng, cảm giác nao nao hồi hộp, chen lẫn với những vui mừng của ngày nhận quyết định trúng tuyển vào VietinBank cứ trở về. 10 năm qua, có áp lực, có những lần va chạm giữa đồng nghiệp, có những giọt mồ hôi, có nước mắt và có cả những niềm vui khi hoàn thành nhiệm vụ, và rồi tình yêu nghề cứ thế lớn lên từng ngày trong tôi. Và nếu như chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn con đường mình đã đi, chọn được là một cán bộ ngân hàng, một cán bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

Đỗ Thị Bình