Hội thảo khoa học “Bác Hồ với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng”
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 10:46, 01/04/2021
Hội thảo có sự tham gia của ông Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy cơ quan NHTW, Thống đốc NHNN; và các đại biểu đến từ Đảng ủy Khối các cơ quan TW, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các đồng chí trong Ban cán sự Đảng, Ban Lãnh đạo NHNN, đại diện Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan NHTW, các đảng ủy, chi bộ trực thuộc, đại diện đảng ủy, Ban lãnh đạo các ngân hàng thương mại…
Bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, ngày 6/5/1951 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 15-SL thiết lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (tiền thân của NHNN Việt Nam) với 6 nhiệm vụ chính, tập trung vào việc thi hành chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng và chính sách ngân hàng của Chính phủ.
Tháng 2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc. Trong thư, Bác căn dặn: “Cán bộ tài chính ngân hàng phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy, cho nên phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời, phải trau dồi đạo đức cách mạng: Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân…”.
Đã gần 70 năm trôi qua nhưng đến nay, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị và đặc biệt thiết thực, gắn sát với nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng trong tình hình mới.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam và 69 năm Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng, Đảng ủy cơ quan NHTW tổ chức Hội thảo khoa học “Bác Hồ với cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng” nhằm mục đích ôn lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi cho Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng năm 1952, đồng thời để thấy rõ hơn những thành quả mà cán bộ, đảng viên ngành Ngân hàng vâng lời Bác dạy, phấn đấu thi đua lao động, học tập, giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện, ngành Ngân hàng không ngừng phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đào Minh Tú, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN phát biểu tại Hội thảo |
Các tham luận của đại biểu tại Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ dấu ấn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với quá trình phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam 70 năm qua; Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng đạo đức cách mạng của người cán bộ ngân hàng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong tình hình hiện nay.
Đồng thời, các tham luận cũng làm rõ những thành tựu đạt được của ngành Ngân hàng thông qua việc vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng, nhất là việc tham mưu hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số, chính phủ điện tử; trong thực hiện công tác tổ chức, cán bộ, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng trong tình hình mới; Những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn học và làm theo lời căn dặn của Bác trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính - ngân hàng năm 1952….
Bà Lê Thị Thúy Sen, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Truyền thông trình bày về giá trị truyền thống lịch sử ngành Ngân hàng với hoạt động truyền thông |
Những lời dạy của Bác trong gần 70 năm qua, luôn được các thế hệ cán bộ ngân hàng khắc ghi và lấy đó làm kim chỉ nam trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với sự phát triển của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4,… ngành Ngân hàng ngày càng tham gia sâu vào các quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế.
Bên cạnh những thuận lợi là rất nhiều rủi ro, thách thức từ những yếu tố khách quan, chủ quan, đặc biệt là thách thức về đạo đức nghề nghiệp. Từ thực tiễn đó, càng thấy những lời dạy của Bác như ngọn đèn soi tỏ để cán bộ ngân hàng tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng ngành Ngân hàng phát triển bền vững, xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Người.