Khối ngoại bán ròng không quá đáng ngại

Các Hiệp hội ngành, nghề - Ngày đăng : 10:50, 01/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong buổi tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 31/3, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho rằng không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng không quá đáng ngại.

 

Động thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam là một vấn đề được giới đầu tư quan tâm trong thời gian gần đây.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS), đầu năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang bán và đợt bán gần đây nhất được kích hoạt bởi lợi suất trái phiếu tăng lên.

"Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên đã làm cho đồng tiền ở tất cả các thị trường mới nổi mất giá nhanh, USD có xu hướng tăng cao trở lại. Chính vì rủi ro tỷ giá, nhất là thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil… ghi nhận tỷ giá thay đổi hơn 3%, khiến cho các nhà đầu tư quốc tế ngay lập tức nghĩ đến bảo toàn vốn và nhanh chóng rút ra" ông Trần Hoàng Sơn phân tích.

Tại Hàn Quốc, đồng tiền nước này mất giá khoảng 4% so với USD, chính vì vậy, quỹ KIM đã ngay lập tức rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lên đến hơn 60 triệu USD từ đầu năm đến nay.

Thị trường chứng khoán quốc tế đang tăng nhờ cung tiền, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng. Còn tại Việt Nam, các yếu tố hỗ trợ chưa rõ nét, nên các thị trường như Mỹ, Nhật tăng tốt và trở nên có phần hấp dẫn hơn Việt Nam. 

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Sơn - Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD)  cho biết, trước đây, khối ngoại sở hữu khoảng 21-22% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 18,5%.

Qua trao đổi với một vài nhà đầu tư nước ngoài thân thiết, ông Nguyễn Sơn ghi nhận nguyên nhân bán ròng đầu tiên là sự lo lắng về tỷ giá. Các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá quy mô "bơm tiền" của Việt Nam không lớn, hỗ trợ thời kỳ COVID-19 chủ yếu đến từ hoãn, giãn thuế, họ sẽ phải đóng thuế trở lại từ năm 2021 và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.  Ngoài ra, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài tiến hành cơ cấu lại danh mục đầu tư sau thời gian thị trường tăng "nóng".

Ông Nguyễn Sơn cho rằng khối ngoại chỉ đảo danh mục hoặc tạm thời rút ra nhưng vẫn ở trạng thái tiền mặt chứ không hoàn toàn rút tiền khỏi Việt Nam. Thêm vào đó, không phải lúc nào khối ngoại cũng quyết định đúng, vì vậy mà việc rút ròng của họ là không quá đáng ngại.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán TS.Vũ Bằng đồng quan điểm không nên quá quan ngại với động thái của khối ngoại. Danh mục của nhà đầu tư nước ngoài có khoảng 10-20 mã cổ phiếu. Họ có thể giải ngân từ cách đây 1 năm và cho rằng đây là thời điểm để cơ cấu danh mục đầu tư, đảo danh mục hoặc tạm thời quan sát thị trường để tìm cơ hội tốt để tham gia trở lại.

Theo ông Vũ Bằng, động thái của khối ngoại cũng chỉ là một tiêu chí để tham khảo, không phải cứ theo họ là thành công. Và thực tế là dù khối ngoại bán ròng nhưng thị trường vẫn tăng trưởng.

Ngưỡng 1.200 điểm vẫn được đánh giá là ngưỡng kháng cự khó vượt qua. Theo ông Vũ Bằng, TTCK vẫn có xu hướng tốt nhờ dòng tiền rẻ. Việc bất động sản lên cũng sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán do tỷ trọng của nhóm ngành này trên TTCK là lớn. Tuy nhiên, tỏ ra khá thận trọng, ông Vũ Bằng cho rằng cơ hội khó được như ở năm trước.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, xu hướng bán ròng này có thể diễn ra đến hết quý II/2021, sau đó khối ngoại sẽ thấy kinh tế Việt Nam ấm dần, mạnh lên, quan hệ thương mại với Mỹ, Trung Quốc được cải thiện và họ có thể quay lại từ từ, về cuối năm sẽ mạnh dần lên.

Bùi Trang