Quản lý thử nghiệm có kiểm soát Fintech trong lĩnh vực ngân hàng

Công nghệ - Ngày đăng : 11:05, 01/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát với Fintech (sandbox) đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia ủng hộ cho sự phát triển của Fintech.

Ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tọa đàm: “Cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng: Kinh nghiệm quốc tế và giải pháp triển khai với thị trường Việt Nam”. Buổi tọa đàm có tầm quan trọng cho lĩnh vực Fintech Viêt Nam phát triển và triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở Việt Nam, giúp NHNN sớm hoàn thiện khung pháp lý cho cơ chế quản lý thử nghiệm Fintech…

Phát biểu khai mạc, ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN - cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trong đó, Fintech đã trở thành một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự hình thành “Chính phủ số và nền kinh tế số” của nhiều quốc gia.

Trong các lựa chọn chính sách đối với quản lý Fintech, cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát với Fintech (sandbox) đang là lựa chọn ưu tiên của nhiều quốc gia ủng hộ cho sự phát triển của Fintech. Hiện nay, cơ chế sandbox đã được hơn 60 quốc gia trên thế giới áp dụng.

Anh là quốc gia đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox vào năm 2015 và nhiều quốc gia khác đã học tập cách tiếp cận của FCA. Tại khu vực Đông Nam Á, đã có 4 quốc gia xây dựng cơ chế sandbox, đó là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế NHNN khai mạc tọa đàm

Kinh nghiệm tại nhiều quốc gia cho thấy sandbox có lợi ích rõ ràng nhưng cũng cần làm rõ cơ chế pháp lý thử nghiệm Fintech trong chiến lược đổi mới sáng tạo của Chính phủ. Các sáng kiến ​​và hỗ trợ khác như các trung tâm đổi mới, sáng tạo (Innovation Hub), các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường cơ sở hạ tầng tài chính… cũng đang góp phần xây dựng hệ sinh thái Fintech.

Ông Vũ cho biết thêm, thị trường Fintech trong nước những năm vừa qua có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về số lượng và đa dạng về loại hình dịch vụ tài chính của các công ty Fintech trên thị trường. Hiện nay có 200 công ty Fintech đang hoạt động, tăng gấp 5 lần so với năm 2016 và tập trung hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng như thanh toán, chấm điểm tín dụng… Lĩnh vực Fintech Việt Nam cũng thu hút sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp lớn như FPT, Vietel, VNPT… qua các hoạt động đầu tư hình thành các các công ty cung ứng giải pháp Fintech, thành lập quỹ đầu tư, vườn ươm công nghệ… Rất nhiều công ty Fintech hiện nay cũng đang bắt tay hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng để phát triển các sản phẩm dịch vụ mới như: VNPAY với sản phẩm VNPAY QR hợp tác với hàng loạt ngân hàng trong hệ thống hay Ngân hàng Nam Á hợp tác với sàn tài chính Tima, VPBank hợp tác với Timo và TPBank liên kết với Công ty CP Misa và Công ty CP Finext với instant.vn để đưa ra sản phẩm “Cho vay online không tài sản đảm bảo” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa… Các công ty Fintech này hoạt động gắn với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện là hoạt động tài chính – ngân hàng. Do vậy, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Fintech là một ưu tiên của NHNN trong giai đoạn hiện nay.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, trong những năm vừa qua số lượng các công ty cung cấp các giải pháp Fintech ở Việt Nam đã tăng rất nhanh do NHNN và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng có cách tiếp cận Fintech rất chủ động. Đồng thời với việc sử dụng internet, điện thoại thông minh của người dân Việt Nam, nhất là trong những người trẻ tuổi và sự cam kết của các doanh nghiệp Việt Nam thì sự chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam 

Thời gian qua, ADB đã hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái Fintech. Có rất nhiều chương trình ADB đã triển khai tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 về tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức, chia sẻ cách tiếp cận quốc tế và tìm hiểu kinh nghiệm của các nước trong khu vực và thế giới trong quá trình xây dựng chính sách thúc đẩy Fintech phát triển.

Hiện nay ADB đang hợp tác với NHNN trong việc xây dựng cơ chế quản lý thử nghiệm cho Fintech. Cơ chế này giúp NHNN có thể cân đối giữa việc duy trì sự ổn định trên thị trường và bảo vệ người tiêu dùng cũng như là cung cấp môi trường thuận lợi cho các công ty Fintech hoạt động. Cơ chế này cũng khuyến khích các cơ quan như ngân hàng, các quỹ đầu tư có thể tăng cường vai trò của mình trên thị trường tài chính.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi và làm rõ nhiều nội dung như: Kinh nghiệm của FCA về xây dựng và triển khai cơ chế sandbox trong lĩnh vực Fintech; Tác động của cơ chế sandbox đối với sự phát triển thị trường Fintech: kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị; Cơ chế sandbox và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thị trường; Tình hình triển khai và kết quả áp dụng cơ chế sandbox tại Singapore; Tác động của cơ chế sandbox với việc tái định hình và thúc đẩy thị trường Fintech Việt Nam; Cơ chế sandbox và khả năng lan tỏa đối với doanh nghiệp Fintech; Cơ chế Fintech và tác động đối với ngân hàng thương mại trong chuyển đổi số. 

M.H