Đến với Agribank bằng một chữ “duyên”

Văn hóa - Ngày đăng : 16:34, 02/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Làm ngân hàng, bạn sẽ được học hỏi rất nhiều, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai sau này. Hãy luôn cố gắng và đừng vội bỏ cuộc khi vấp ngã.

Bài hát dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Văn Cường, công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Thừa Thiên Huế.

 

Là người được coi là “dân ngoại đạo”, tôi bước vào nghề ngân hàng như một sự tình cờ. Và rồi, từ sự tình cờ, từ mối lương duyên tưởng chừng do "định mệnh” đó đã cho tôi một tình yêu mãnh liệt, cho tôi những ý niệm rất đẹp về cái nghề mà dư luận luôn quan tâm này... 

Qua gần 5 năm công tác trong ngành, tôi thấu hiểu được ít nhiều những suy nghĩ của những người trong nghề “buôn tiền” này. Và trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ với các bạn, với các anh, chị về cảm tưởng của tôi trong những ngày đầu vào ngành ngân hàng - Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế.

 

Như một quy luật của thị trường, việc tuyển dụng của các ngân hàng hết sức khắt khe và đậu vào làm việc trong ngân hàng là niềm vinh dự lớn của bản thân tôi. Cũng giống như bao nhiêu sinh viên mới tốt nghiệp, tôi loay hoay để tìm cho mình một công viêc, thế rồi tình cờ lướt web tôi thấy Ngân hàng Agribank tuyển dụng trên toàn hệ thống, và rồi tháng 11/2016, tôi nộp đơn ứng tuyển thi vào ngân hàng. Bước chân vào nghề khi mới vừa hoàn thành khóa luận tốt nghiệp ra trường, tôi trở thành niềm vinh dự cho cả gia đình và sự ganh tị của các bạn cùng lớp khi tôi chẳng phải là con ông cháu cha, cha mẹ tôi cũng chẳng giàu có để có thể lo cho tôi một tấm vé vào nơi mà tôi hiện đang công tác hiện nay – Agribank chi nhánh Thừa Thiên Huế. Cho nên, bản thân tôi -  người bước vào ngân hàng bằng nhiều vòng thi tuyển sẽ thấu hiểu và trân trọng công việc mà mình có được.

Tôi cảm nhận được rằng, nghề ngân hàng là nghề của sự gắn kết và phối hợp tập thể. Đương nhiên, tôi không phủ nhận vai trò của những cá nhân kiệt xuất có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả kinh doanh của đơn vị. Tuy nhiên, suy cho cùng với ngành ngân hàng thì “một cánh én không làm nên mùa xuân”; vì nơi đó phải cần sức mạnh tập thể.

Có thể các bạn là cử nhân, thạc sỹ tốt nghiệp từ các trường danh giá. Nhưng trước khi tự đánh giá về mình, những người công tác trong ngành ngân hàng nên xem lại mình đã làm được gì cho cơ quan, đơn vị; hãy nhìn hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ đang vất vưởng làm công nhân tại các khu công nghiệp... Và đó là thước đo chính xác nhất về giá trị của bạn tại đơn vị. Tôi muốn nói với các bạn rằng, trong nghề ngân hàng, không vị trí nào là không thể thay thế.

Người ta thường nói: “Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề”, kể cũng phải. Xuất phát từ sinh viên tốt nghiệp với chuyên ngành Luật, tôi đã không nghĩ có ngày mình lại làm việc liên quan đến ngành tài chính – ngân hàng, nhưng cuối cùng lại đến với nó.

Sau khi đảm nhận vị trí mới tại ngân hàng – chuyên viên pháp chế, cảm giác lúc ban đầu của tôi chỉ gói gọn trong một từ: “sợ”.

Chuỗi “sợ” nó hiện ra trong đầu tôi liên tục, sợ mình không chịu đựng được áp lực, sợ mình không hoàn thành tốt công việc, chỉ tiêu, sợ mình không đủ kinh nghiệm, sợ mình chưa đủ ý chí để theo nghề… nhưng rồi đành phải nhắm mắt cho qua mà cố gắng, dẫu biết thử thách ở phía trước rất nhiều, nhưng “phóng lao thì phải theo lao”. Cứ thế, tôi cố gắng từng ngày, vừa làm vừa học, làm sai rồi làm lại. Có lần, tôi nản và có ý định bỏ cuộc, tôi cảm thấy tại sao mình lại chôn vùi tuổi trẻ trong lĩnh vực đầy thách thức như vậy? Nhưng cũng vì cái tính ương bướng, thích mạo hiểm không chịu thua của tôi đã làm tôi quyết tâm “chiến đấu”.

Bù lại, tôi rất may mắn vì có một người sếp và các cô, chú, anh, chị đồng nghiệp cực kì tâm lý và hỗ trợ tôi hết mình - cũng là người đào tạo tôi ngay từ những ngày đầu tiếp xúc với nghề.

Tôi nhớ như in những ngày mới vào nghề, hệ thống ngân hàng còn chưa hiểu, các bộ phận phòng ban trong đầu tôi cứ loạn hết cả lên, rồi việc phải nhớ tên từng người để xưng hô, tất cả mọi thứ đối với tôi đều là mới cả. Nên tối nào về nhà tôi đều lên mạng tìm tòi, học hỏi và trao đổi với bạn bè để học hỏi kinh nghiệm trong công việc.

Những ngày đầu đi làm, giờ tan ca của tôi thường là giờ đèn đường đã lên, nắng đã tắt. Nhiều hôm trên đường chạy về nhà trọ, xung quanh tôi lại có cảm giác tủi thân, tủi thân của người sống xa quê, của người mới chập chững bước vào nghề, bất giác nước mắt lại vô thức rơi. Nhưng nhìn lại những tháng ngày vất vả đèn sách và những người đã hết sức chỉ dạy, giúp đỡ, cổ vũ mình, tôi không cho phép mình vì yếu đuối mà dừng lại. Thử thách ở mọi nơi, cho dù bạn có trốn tránh thử thách ở cánh cửa này, thì vẫn còn thử thách khác ở những cánh cửa còn lại. Thay vì lựa chọn chạy trốn, hãy học cách đương đầu với chúng, vượt qua chúng một cách ngoạn mục.

“Không có gì là không thể, tất cả chỉ là thử thách” - cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong thời gian chập chững bước vào nghề. Ý chí con người thật ra kinh khủng thật, chỉ cần có ý chí, chuyện gì bạn cũng sẽ vượt qua. Cuốn sách này cho tôi nhìn nhận ra nhiều điều ở con đường phía trước, luôn luôn cố gắng, vấp ngã lại đứng dậy, lại đi và bạn sẽ thành công. Đừng vội kết luận một vấn đề là không được, chỉ là không thể, đã là không thể thì ta hãy làm cho chúng trở thành có thể.

Đối với người trẻ tuổi như tôi, ngày đầu tiên đi làm, mỗi bước chân với đầy những thử thách, nhưng mỗi thử thách là một bài học, mỗi bài học sẽ giúp tôi vững tin hơn với nghề.

Sau gần 5 năm công tác ở Ngân hàng, với tôi nơi ấy không chỉ có công việc và những áp lực, mà đó như là gia đình thứ hai của mình trên con đường lập thân, lập nghiệp, ở đấy tôi không chỉ được học hỏi, đúc rút được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống  mà còn cảm nhận được cái tình người đầy ắp. Tôi được các cô chú, anh, chị đồng nghiệp đón tiếp một cách niềm nở, và tận tình, tôi đã cảm nhận được một không khí làm việc rất chuyên nghiệp, năng động của ngành ngân hàng, có thể tóm gọn trong 3 từ: Nghiêm túc, linh hoạt và năng động. Sau một thời gian làm quen với công việc tôi dần mất đi cảm giác lo sợ hồi hộp lúc ban đầu, tôi đã lấy lại được chính mình, mỗi ngày đi làm tôi lại học được nhiều điều mới mà các cô, chú đồng nghiệp đã chỉ bảo tôi. Tôi nhận thấy Agribank có một văn hóa riêng. Từ lãnh đạo Ngân hàng cho đến toàn bộ các nhân viên luôn luôn nêu cao quyết tâm vượt chỉ tiêu kinh doanh, không ngừng tìm tòi sáng tạo, tâm huyết, tận tụy với nghề nhằm mang lại dịch vụ tốt nhất tới khách hàng, ai cũng thi đua làm việc hết khả năng của mình, mặc dù nhiều lúc công việc có căng thẳng, song dù vậy mọi người vẫn tạo ra một không khí vui vẻ trong văn phòng.

Cái mà để lại ấn tượng với tôi nhất đó là sự nhiệt tình, thân thiện của các anh, chị cô, chú đồng nghiệp, sẵn sàng chỉ bảo tôi, được làm quen với môi trường làm việc tập thể và các áp lực công việc thực tế. Đặc biệt là áp dụng được những kiến thức lý thuyết đã học vào thực tế, biết sử dụng và bổ khuyết những kiến thức mà mình đã tích lũy trong nhà trường để tiếp cận với công việc chuyên môn sau một cách có hiệu quả, tôi học được nhiều điều về tác phong làm việc, phương pháp làm việc khoa học và chuyên môn hóa cao,với nhiệt huyết của tuổi trẻ, bản thân luôn muốn chinh phục những khó khăn.

Tôi đang thật sự hoà mình vào ngôi nhà chung Agribank như là một gia đình của mình bằng sự tâm huyết và nhiệt tình của tuổi trẻ, nơi có những  người anh người chị để chia sẻ tất cả những gì mà trọng trách của mình cần phải chia sẻ - những người chú, người anh, người chị luôn giúp đỡ hết mình để cùng nhau phát triển, đưa ngân hàng đạt được mục tiêu cao nhất. Những gì tôi đã học và trải nghiệm sẽ luôn là hành trang vững chắc để tôi tự tin hơn và cống hiến cho Ngân hàng.

Mọi ngành nghề trên đời này đều cao quý,  ngành ngân hàng cũng vậy. Vì thế, những ai đã, đang và sẽ dấn thân vào ngành ngân hàng thì hãy tự hào về ngành nghề của mình. Vì các bạn cứ tưởng tượng, nếu không có ngân hàng... thì xã hội sẽ trở về giai đoạn nào của lịch sử?

Điều sau cùng, nhân bài viết này, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đang có ý định bước vào lĩnh vực ngân hàng rằng, đừng nuối tiếc khi đã chọn nghề ngân hàng, hãy luôn tự tin, đừng sợ hãi những thử thách phía trước. Có thử thách, chúng ta mới có vinh quang. Làm ngân hàng, bạn sẽ được học hỏi rất nhiều, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai sau này. Hãy luôn cố gắng và đừng vội bỏ cuộc khi vấp ngã. Và những ai thật sự tiếc đang nuối tiếc thì hãy mạnh dạn bước ra khỏi ngành, kiếm tìm cho mình một chân trời phù hợp hơn. Một khi chúng ta còn nhận lương của ngân hàng, hãy thể hiện bản lĩnh và cống hiến xứng đáng để đi đến tận cùng con đường bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

                                                                    

Phạm Văn Cường