Người với người sống để yêu thương

Văn hóa - Ngày đăng : 21:18, 02/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vài năm trôi qua, chắc chị gái giao dịch viên nọ sớm quên mất mẩu chuyện nhỏ này. Nhưng tôi thì vẫn nhớ, nhớ tấm lòng cao đẹp của bà cụ, nhớ sự tử tế nhiệt tình của chị, càng nhớ càng thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu ngày xưa từng viết: “Có gì trên đời đẹp hơn thế?/Người với người sống để yêu nhau…”

Tạp bút dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Lê Ngọc, Trường đại học Phòng cháy chữa cháy.

 

1. Mẹ tôi có một thói quen kỳ lạ. Bà thường bòn nhặt chút tiền anh em chúng tôi gửi biếu các dịp lễ Tết, rồi buộc cùng mớ tiền lẻ từ việc bán bó rau vườn nhà, con gà mái đẻ hay cấy hái gặt thuê… Mẹ dành dụm, gói ghém kỹ lưỡng, lâu lâu đem gửi tiết kiệm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh xã bên. Đâu đó cách nhà chừng ba cây số.

Dẫu mẹ chẳng biết đi xe đạp hay xe gắn máy. Cứ chân trần rảo bước mà đi. Cát sỏi in hằn, nắng cháy làn da. Con đường uốn quanh, ngoằn nghèo gấp khúc. Tóc mẹ dãi dầu sương gió tháng năm dần dà điểm bạc, chỉ thói quen ấy chẳng mất dấu bao giờ… 

Những bữa về quê, nhìn mẹ tảo tần vất vả, tôi thương lắm! Hỏi, tội tình gì U phải khổ thế? Gửi cái quỹ tín dụng nhân dân trong xóm cũng được mà, cần gì lặn lội lên đấy cho xa xôi cực nhọc. Nhưng mẹ nghe xong, lắc đầu gạt phắt:

- Bậy nào! Không đâu chắc bằng ngân hàng cả, dù trời đất sụp xuống, ngân hàng vẫn khỏe re nha mày…

Mẹ cười rổn rảng nói vui thế thôi. Tôi thì nghĩ khác. Người già quê mình tính hay lo được mất. Họ kiếm tiền nào dễ dàng chi nên thấy cái gì phiêu lưu mờ mịt thì đều ngần ngại, do dự. Giống bận mẹ khuyên tôi làm sổ tiết kiệm cũng vậy. Mẹ bảo, ngân hàng như anh kế toán tận tình, trách nhiệm lại trung thành tuyệt đối với dân, gửi gắm chỗ đó rất tin tưởng, đã thế còn sinh thêm lời lãi nữa chứ, an tâm vô cùng… an tâm vô cùng…

2. Tôi mở tài khoản ở bốn năm ngân hàng lớn, rồi thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ visa dùng cũng chẳng ít. Từ ngân hàng BIDV cho đến VP Bank, mỗi lần chuyển đổi công tác thì điểm trả lương tùy theo công ty để thay đổi cho tiện lợi hơn. Nhờ đặc thù tiếp xúc nhiều với cán bộ, nhân viên làm công tác giao dịch tại các chi nhánh mà tôi được chứng kiến bao câu chuyện quá đỗi ấm lòng.

Nhớ hồi mùa hè năm kia, tôi ra ngân hàng Agribank xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình tính làm lại sổ tiết kiệm. Chắc do đầu tuần nên người tham gia giao dịch cũng đông, đặt chứng minh nhân dân rồi xếp hàng ngồi chờ bên mấy bác lớn tuổi. Mãi tới gần trưa mới đến lượt tôi làm thủ tục, bấy giờ một bà cụ nom cũng phải ngót nghét bảy mươi bất chợt chen ngang. Đầu bà đội nón mê cũ rách, tay xách cái làn quấn vải kín mít, run rẩy đặt lên bàn khẩn cầu:

- Cô ơi! Đếm hộ tôi với.

Chị nhân viên nhìn tôi và bà đầy ái ngại, những vạt sương sóng sánh trực trào như nài nỉ mong tôi nhường bà cụ ít phút, nhẹ giọng quan tâm.

- Bà cần gì ạ?

- Tôi muốn gửi quỹ ủng hộ vào địa chỉ này này…

Bà cụ chìa tờ giấy ghi những dòng nguệch ngoạc, xấu xí. Xấu xí như cái làn chứa đầy những bọc tiền lẻ nhàu nhĩ toàn hai nghìn, năm nghìn, mười ngìn, tôi khẽ liếc thấy mệnh giá lớn nhất là năm mươi nghìn chằng chịt vệt xước. Trời về trưa oi bức, nóng nực, thở thôi còn mệt. Huống hồ những nhân viên ngày tiếp trăm người, luôn miệng chào hỏi. 

Tôi đã nghĩ, khéo chị giao dịch viên sẽ từ chối bà vì chiếc máy đếm tiền tự động còn bất lực trước mớ tiền cũ kỹ khó thể nhận biết. Nhưng không, chị nhắc mọi người thông cảm chờ đợi trong ít phút, rồi gọi mấy đồng nghiệp xúm xụm đếm chung bằng tay, hướng dẫn bà ghi phiếu nộp và ký tên. Sau gần mười phút, bốn người tổng kết số tiền vỏn vẹn gần mười triệu đồng, in hóa đơn xong còn nhờ bác bảo vệ tiễn cụ về tận nhà.

Số tiền đó kể ra ít ỏi quá. Chẳng biết bà cụ tích lũy bao lâu? Phải bán bao nhiêu mớ rau, con gà hay cấy hái gặt thuê còng họm xương hom giống mẹ hàng tháng trời đằng đẵng may ra vừa đủ số ấy? Ai mà biết. Chút tiền nhiều khi chỉ bằng vài ba bữa nhậu của dân văn phòng tụi tôi đối với cụ có lẽ là cả gia tài. Ấy mà, bà đem quyên góp hết, không giữ lại nửa phần…

Vài năm trôi qua, chắc chị gái giao dịch viên nọ sớm quên mất mẩu chuyện nhỏ này. Nhưng tôi thì vẫn nhớ, nhớ tấm lòng cao đẹp của bà cụ, nhớ sự tử tế nhiệt tình của chị, càng nhớ càng thấm thía câu thơ của nhà thơ Tố Hữu ngày xưa từng viết: 

“Có gì trên đời đẹp hơn thế?

Người với người sống để yêu nhau…”

3. Chị dâu họ nhà tôi cũng làm ngành ngân hàng, công tác tại chi nhánh Agribank thành phố Tuyên Quang. Nghe bác tôi kêu, chị đi suốt hà, bận tối mắt, tối mũi. Con cái toàn ông bà nội ngoại chăm hộ. Bình thường chị còn tranh thủ chơi đùa, tắm rửa cho con lúc tối. Chớ cuối năm toàn tăng ca, nhiều hôm đêm muộn chị mới về thì mệt mỏi phờ phạc, ăn không thiết ăn, người hao gầy xơ xác. Bác tính khuyên chị nghỉ hay chuyển bộ phận khác nhàn hạ hơn. Ngặt nỗi, bác nhắc hoài mà chị đâu có chịu.

Chị nói, mình rất yêu công việc này. Là một người cán bộ giao dịch viên, được khách hàng luôn tin tưởng gửi gắm tài sản cả đời tích góp tại ngân hàng mình đó là thành công chung của cả chi nhánh, hạnh phúc của riêng bản thân chị. Điều ấy đòi hỏi mọi người phải làm sao cho xứng với niềm tin yêu tuyệt đối mà họ trao tặng để nỗ lực phấn đấu, quên hết mệt mỏi, vượt hết khó khăn đưa ngân hàng tiến bước dài lâu trường tồn cùng nhân dân và đất nước…

4. Từ ngày cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, những giao dịch phức tạp dần được đơn giản hóa dưới các hình thức online. Nhiều ngân hàng khuyến khích người dân sử dụng smartbanking (ngân hàng điện tử), khiến việc chuyển khoản, thanh toán hóa đơn… không còn quá phiền phức, mất thời gian. Thậm chí, những thắc mắc của người dùng thay vì phải ra tận chi nhánh như trước đây thì giờ có gửi ngay vào hòm thư của trang mạng ngân hàng trên facebook, nó sẽ được nhân viên trực tiếp nhận và giải đáp thật rõ ràng, dễ hiểu. Như hôm tôi phản ánh về việc hệ thống gửi mã OTP chậm gây lỡ thời gian giao dịch, chỉ vài phút đã được khắc phục nhanh chóng…

5. Bảy mươi năm một chặng đường xây dựng và trưởng thành, ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt bao thành tích góp phần không nhỏ vào sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa nói chung, trở thành người bạn đồng hành tin cậy của tôi, mẹ tôi, bà cụ… với sự cống hiến trọn đời mình của chị dâu tôi, chị gái giao dịch viên nọ, quản trị viên trực trang và hàng trăm nghìn những con người chẳng ai biết mặt, nhớ tên khác nữa. Mong rằng tương lai, họ vẫn luôn giữ lòng mãi mãi sáng trong tiếp tục làm việc, để tôi hay nhiều người dùng khi nhắc về ngân hàng lúc nào cũng mỉm cười thân thiết: ngân hàng tôi yêu.

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

Lê Ngọc