Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ở mức thấp

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:33, 05/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thống kê về thị trường tài chính – tiền tệ vừa được Trung tâm Nghiên cứu kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) công bố cho biết, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tuần từ ngày 29/3 – 2/4 biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước đó.

Cụ thể, chốt phiên ngày 2/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm là 0,28% (-0,01 điểm %); 1 tuần là 0,39% (-0,01 điểm %); 2 tuần là 0,48% (-0,01 điểm %); 1 tháng là 0,69% (+0,03 điểm %).

Tương tự, lãi suất USD liên ngân hàng cũng dao động nhẹ qua các phiên, chốt tuần ngày 2/4, lãi suất kỳ hạn qua đêm đóng cửa tại 0,14% (không thay đổi); 1 tuần là 0,19% (+0,01 điểm %); 2 tuần là 0,24% (+0,01 điểm %) và 1 tháng là 0,34% (+0,01 điểm %).

 

Trong tuần từ ngày 29/3 - 2/4, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ 3 phiên đầu tuần và giảm nhẹ trở lại 2 phiên cuối. Chốt phiên ngày 2/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.241 VND/USD, tăng 11 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá mua kỳ hạn 6 tháng được duy trì niêm yết ở mức 23.125 VND/USD.

Tỷ giá bán được NHNN niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, chốt ngày 2/4 ở mức 23.888 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng ít biến động trong tuần qua. Chốt ngày 2/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.077 VND/USD, giảm 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Trên thị trường tự do, tỷ giá tăng nhẹ 2 phiên đầu tuần rồi giảm mạnh ở các phiên sau đó. Kết thúc tuần ngày 2/4, tỷ giá tự do giảm 185 đồng ở chiều mua vào và 165 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.750 – 23.800 VND/USD.

 

Trên thị trường mở (OMO), tuần qua, NHNN chào thầu 1.000 tỷ đồng/phiên trên kênh cầm cố, với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất đều ở mức 2,50%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh này.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần.

Với thị trường trái phiếu, thống kê cho thấy, trong tuần từ ngày 29/3 - 2/4, Kho bạc Nhà nước (KBNN) huy động thành công 3.553 tỷ đồng/5.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP) gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 65%), trong đó: Kỳ hạn 5 năm huy động được 950 tỷ đồng/1.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng; kỳ hạn 30 năm huy động được 103 tỷ đồng/500 tỷ đồng.

Lãi suất trúng thầu kỳ hạn các kỳ hạn lần lượt tại 1,10%/năm (+0,02%); 2,30%/năm (+0,03%); 2,50%/năm (+0,02%) và 3,05%/năm (không đổi).

 

Tuần qua, không có khối lượng đáo hạn. Theo kế hoạch, tuần từ ngày 5 - 9/4, KBNN tiếp tục gọi thầu 5.500 tỷ đồng TPCP (chưa bao gồm đấu thầu bổ sung). Trong tuần có 5.777 tỷ đồng TPCP đáo hạn. 

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 10.374 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 14.054 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần từ ngày 29/3 - 2/4, lợi suất TPCP tăng nhẹ so với tuần trước đó. Chốt phiên ngày 2/4, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm là 0,25% (+0,002 điểm %); 2 năm là 0,47% (0,001 điểm %); 3 năm là 0,66% (+0,01 điểm %); 5 năm là 1,13% (+0,02 điểm %); 7 năm là 1,55% (+0,04 điểm %); 10 năm là 2,39% (+0,002 điểm %); 15 năm là 2,6% (+0,003 điểm %); 30 năm là 3,16% (+0,03 điểm %).

 

Trên thị trường chứng khoán, tuần từ ngày 29/3 – 2/4 được ghi nhận là tuần có giao dịch tích cực khi VN-Index vượt xa mức đỉnh lịch sử năm 2018. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.224,45 điểm, tương ứng tăng 62,24 điểm (+5,36%) so với tuần trước đó; HNX-Index cũng tăng 23,93 điểm (+8,83%) lên 294,89 điểm; UPCoM-Index tăng 2,42 điểm (+3,03%) lên 82,27 điểm.

Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao tương tự tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt gần 19.000 tỷ đồng/phiên. Mặc dù mua ròng khá mạnh phiên cuối tuần, chốt tuần khối ngoại vẫn bán ròng 355 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

 

Một điểm nhấn đáng chú ý trong tuần qua, đó là việc Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê về kinh tế xã hội quý I/2021. Theo công bố, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam ước tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước. Con số này là cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với quý I các năm trước đó: Quý I/2019: 6,79%; quý I/2018: 7,38%; quý I/2017: 5,10%; quý I/2016: 5,46%; quý I/2015: 6,03%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2021 thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra từ đầu năm nhưng cao hơn dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 2/2021. Cụ thể, tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho cả năm 2021 là 6,5%, trong đó, quý I là 5,12%; quý II là 7,11%; quý III là 6,71% và quý IV là 6,67%. Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 2, do diễn biến dịch bệnh phức tạp, trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm % so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Với mức giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 5,84%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6,0%) và mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).

Ngô Hải