Ký ức VietinBank

Văn hóa - Ngày đăng : 16:58, 05/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tôi xin gửi lời cảm ơn tới chị và các anh chị em trong Ban “4T” đã cho tôi những tháng ngày đẹp nhất, giúp đỡ tôi trưởng thành.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Văn Công (Thường Tín, TP Hà Nội), nguyên cán bộ truyền thông VietinBank

 

Thấm thoát cũng đã tròn 5 năm từ ngày tôi rời xa nơi ấy, trải qua thêm vài chỗ làm, trải qua thêm nhiều cay đắng, buồn bực tôi mới càng nhận thêm được giá trị mà những ngày tôi được gọi là “cán bộ truyền thông VietinBank”.

Bạn còn nhớ những ngày oi bức của mùa hè năm 2015 không? Đó chính là lúc tôi nhận chiếc bằng cử nhân quay phim ra trường, cầm tấm bằng trên tay mà tôi không dám bước đi vì tự tôi hiểu rõ được mình chưa biết đi về đâu với khối kiến thức ít ỏi, lộn xộn.

Tôi đi xin việc vài nơi, À! mà vài chục nơi chứ chẳng ít, dăm ba chỗ gọi đi phỏng vấn, tôi háo hức vô cùng cho dù biết đó là các công ty cực nhỏ hay công ty gia đình. Nhưng… tôi vẫn không được nhận vì không có chút kinh nghiệm nào cộng với chiếc bằng cử nhân loại trung bình… gần như mọi hy vọng mà 4 năm trước tôi vào đại học dần đổ vỡ. Tôi không biết làm gì khác ngoài sự tuyệt vọng ngày càng lớn lên vô thức.

Lang thang ở nhà tới 6 tháng, tôi tình cờ biết được thông tin tuyển dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từ một anh bạn cùng lớp. Nhưng đó là vị trí phóng viên viết bài không phải chuyên ngành tôi được đào tạo, biết làm sao, tôi cứ gửi hồ sơ mong một điều kỳ diệu sẽ đến.

Và điều kỳ diệu đó cũng đến sau ít ngày. Bản CV của tôi khá nghèo nàn nhưng tôi vẫn được gọi đi phỏng vấn lần 1, lần này tôi gặp 3 người bạn cùng lớp cũng đi ứng tuyển với khao khát “được làm việc tại VietinBank” nhưng lần này chúng tôi là đối thủ của nhau, tranh giành miếng cơm manh áo chứ không còn là những người bạn vô tư trên giảng đường đại học nữa.

Tôi bước vào bàn phỏng vấn. Một bác cỡ tuổi ông tôi, khuôn mặt bác rất phúc hậu, điềm đạm. Bác phỏng vấn tôi như kiểu “một người lớn nói chuyện với một cậu nhóc tóc tai còn bù xù”, những câu hỏi rất nhẹ nhàng như bố mẹ cháu làm nghề gì? Sở thích của cháu là gì? Như một sự quan tâm hết sức ân cần mà không hề để ý đến bản CV sơ sài không có gì nổi trội của tôi.

Rồi buổi phỏng vấn kết thúc. Tôi cúi đầu cười và chào bác đi về, bác có nói “hẹn gặp cháu ở vòng sau nhé” làm cho tôi có thêm tia hy vọng mong manh.

Quả không sai, ít hôm sau tôi nhận được lịch đi phỏng vấn lần 2 trong khi đã có 2 người bạn của tôi rớt. Lần này đối với tôi thật đáng nhớ. Nhà tôi cách trụ sở VietinBank chừng 20km, tôi thường di chuyển bằng xe buýt để góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Nhưng đúng hôm phỏng vấn xe buýt tắc đường, đã gần đến 8h30 (giờ hẹn phỏng vấn) mà tôi vẫn cách đó chừng 2km, phòng Nhân sự liên tục gọi điện xem tôi có đến không vì đã đến giờ thi phỏng vấn. Không còn cách nào khác, tôi xuống xe buýt khi trời đang mưa tương đối lớn. Tôi chạy bộ một mạch từ đường Bạch Mai tới trụ sở tại tòa nhà Hoàng Thành trong mưa, trên đầu đội chiếc cặp sách đã theo tôi những năm đại học.

Tôi đến chậm chừng 10 phút. Người ướt như chuột lột, mặt mũi nhợt nhạt, thở hổn hển bước vào bàn thi. Một người phụ nữ nhỏ nhắn, bước đi tập tễnh cùng một vài người nữa phát đề bài và giấy cho những thí sinh. Tôi ấn tượng ngay với chị bởi nét mặt tươi tắn, hiền dịu nhưng không hiểu sao chân chị đang được băng vết thương.

 

Mọi người cùng làm bài thi ra giấy. Đọc đề, tôi hí hoáy làm thật nhanh, chốc chốc chị lại đi qua sau lưng tôi nhưng tôi không dám quay lại hay hỏi han gì mà cứ tập trung vào làm. Có lẽ tôi là người xong đầu tiên nhưng không dám nộp bài ngay mà ngồi “nghe ngóng” xem có gì sai sót không. Một người, rồi hai người vào một phòng nhỏ gần đó phỏng vấn và mang kèm theo bài, tôi là người thứ ba, lúc này nước mưa ngấm vào người làm tôi thấy lạnh, tới nỗi chân thấy run run, lạnh cả tóc gáy khi chuẩn bị vào phỏng vấn. Đa phần thí sinh đều là người chắc tuổi hơn tôi. Nhưng không sao, tôi nghĩ ai cũng từng phải trải qua giai đoạn này cả thôi.

Bước vào phòng, người ngồi chính giữa chính là chị gái nho nhỏ lúc nãy phát đề và giấy cho tôi. Lúc đó tôi hoàn toàn bỡ ngỡ mới biết chị là trưởng ban Thông tin Truyền thông, bên cạnh đó còn một anh phụ trách mảng báo chí cùng một chị phụ trách nhân sự. Cuộc phỏng vấn diễn ra không quá căng thẳng, các chị và anh cũng hỏi han tôi rất niềm nở như một sự quan tâm khác lạ chứ chưa nói gì nhiều về công việc hay năng lực.

Có lẽ các anh chị đều biết rằng với một sinh viên mới ra trường và chưa đi làm ở đâu mà ứng tuyển vào một ngân hàng lớn như VietinBank thì đã là một thách thức rất lớn. Còn nếu xét về năng lực thì chắc tôi không qua nổi vòng gửi CV.

Kết thúc buổi phỏng vấn, tôi lại bắt xe buýt đi về và nhớ về nụ cười nhẹ nhàng, cử chỉ ân cần của chị, từng bước đi tập tễnh chị vẫn bước, vẫn cố vui, cố gắng xem thái độ và sự cầu thị, thật thà của ứng viên như thế nào.

Thật vui. Tôi tiếp tục được gọi đi thi thực hành lần 3. Lần này cậu bạn học cùng tôi cũng rớt, vậy là tôi là người cuối cùng được đi tiếp. Tôi nhận nhiệm vụ đưa tin tại sân bóng An Dương và làm thế nào có tin sớm nhất. Tác nghiệp báo chí – với tôi vẫn còn khá khó khăn bởi tôi không tự rèn dũa mình nhiều khi còn là sinh viên. Tôi cố gắng mượn được chiếc máy ảnh, mang laptop đi tác nghiệp. Một thử thách khó khăn với người chưa có kinh nghiệm nhưng tôi vẫn cố gắng hết mình để nuôi hy vọng trở thành người của VietinBank.

Có 3 thí sinh đi thi cùng tôi. Thật không ngờ, tôi là người gửi tin về sớm nhất và tin của tôi được đăng lên web của VietinBank, điều này làm tôi phấn khích vô cùng. Nhưng đúng là ngân hàng lớn, quy trình tuyển dụng khắt khe, tôi và một anh nữa lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng.

Vòng phỏng vấn cuối cùng, tôi không có gì ngoài sự thật thà, ngây thơ. Nhưng có lẽ chính điều đó đã giúp tôi vượt qua và chính thức trở thành người VietinBank vào tháng 1/2016. Mọi chuyện đến như trong mơ, một giấc mơ tuyệt vời đối với một cậu nhóc ở quê mới chân ướt chân ráo bước ra trường đời.

Bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, rất nhiều điều mới mẻ đối với tôi, hầu như làm bất cứ điều gì tôi cũng cần phải hỏi. Mọi người rất thân thiện và cởi mở, các anh chị đều tận tình giúp đỡ tôi từ những điều nhỏ bé nhất. Nhưng như thế là chưa đủ, tôi cần phải cố gắng học hỏi và thích nghi với công việc nhanh hơn, bởi lẽ một bộ máy lớn, làm việc hiệu quả mà có một mắt xích chậm thì khó có thể theo được.

Lần đầu tiên tôi được cử đi tác nghiệp trong TP Hồ Chí Minh, đến việc đặt vé máy bay tôi cũng phải hỏi. Bởi từ bé đến giờ tôi chưa ra khỏi “lũy tre làng”, điều đó làm anh quản lý có phần thất vọng nhưng tôi cũng thấy được ánh mắt thông cảm của anh và cho tôi cơ hội học hỏi.

Cũng trong thời gian làm việc ở đây, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với môi trường làm việc hiện đại, năng động, tiếp xúc với nhiều người, nhiều ngành nghề và được đi nhiều nơi như: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn… điểm chung đó đều là những chuyến đi tặng quà cho các xã nghèo, bệnh viện khó khăn, các gia đình chính sách… đi nhiều nơi mới biết được đất nước ta còn nhiều vùng nghèo khó, còn nhiều cảnh đời cơ cực, khó khăn, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nên tiếp tục quan tâm hơn nữa về an sinh xã hội để thể hiện đạo lý “lá lành đùm lá rách của dân tộc ta”.

Trải qua 2 tháng thử việc, tôi được Khối Nhân sự yêu cầu báo cáo công việc trong 2 tháng vừa qua. Bản báo cáo tiếp tục nghèo nàn khi tôi chỉ thực hiện được khối lượng cao việc khá ít và chất lượng thấp. Tôi liệu trước được khả năng mình ở lại nơi đây không cao và cũng chuẩn bị tinh thần trước. Và buổi chiều hôm đó, hôm cuối cùng tôi đi làm và không còn đăng nhập được mail hệ thống nữa, tôi biết mình đã không còn là người VietinBank nữa. Ngậm ngùi vào phòng chào chị trưởng ban, tôi không thể kìm được nước mắt, khóc như một đứa trẻ con cần được vỗ về.

“Nào! Nào! Ngoan! Đừng khóc nữa! Có chị đây rồi!”. Câu nói đó y như của mẹ tôi thường vỗ về tôi những lúc không vui, thất bại nhưng đây là chị quản lý của tôi, chị vẫn vỗ về tôi như con của chị cho dù tôi không hoàn thành được công việc của mình. Chị tiếp tục hỏi han tôi, tôi đã cố nói “tạm biệt chị” trong nước mắt, chị đứng dạy đặt tay lên vai "đừng lo, em vẫn sẽ làm việc tại đây, đã có chị đây rồi”.

Sau đó tôi không khóc nữa và được ở lại làm thêm một thời gian, khoảnh khắc đó làm tôi nhớ mãi trong đời, một chị trưởng ban hiền hậu, bao dung và đầy tình cảm với một cậu bé chập chững với những cảm xúc đầu tiên.

Về sau, vì nhiều lý do mà tôi đã chuyển công tác và không còn làm trong VietinBank nữa. Sau khi chuyển, tôi tìm thấy facebook của chị, có tới 4999 bạn bè và toàn người nổi tiếng. Tôi vẫn kết bạn facebook với chị và có lẽ là người cuối cùng vì facebook giới hạn bạn bè 5000 người. Từ đó tôi và chị vẫn thường xuyên like ảnh nhau, đôi lần chị bảo về chơi mà cứ e ngại.

Và hôm nay, khi biết biết tới Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu", tôi viết bài này không phải với mục đích đạt giải mà chỉ muốn chia sẻ khoảnh khắc cảm xúc nhỏ nhoi đó của tôi với ngân hàng tôi từng gắn bó và trưởng thành khi mới ra trường, chia sẻ với mọi người về một người lãnh đạo và có thể coi như người mẹ đối với tôi. Tôi xin gửi lời cảm ơn tới chị và các anh chị em trong Ban “4T” đã cho tôi những tháng ngày đẹp nhất, giúp đỡ tôi trưởng thành. Và cũng là gửi lời xin lỗi tới mọi người đã kỳ vọng vào tôi.

Cảm ơn và xin lỗi!

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

Nguyễn Văn Công