Hành trình từ F1 đến F5

Văn hóa - Ngày đăng : 19:54, 05/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) -Chính nhờ lòng yêu thương, sự cảm thông và tử tế của ngôi nhà BAOVIET Bank Khánh Hòa, tôi không còn là cô gái cầm hộp cơm mà đẫm nước mắt của ngày đầu nữa. Mọi người yêu thương tôi như vậy, tôi còn sợ hãi điều gì!

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Đinh Thị Như Diệu, công tác tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) chi nhánh Khánh Hòa.

 

COVID-19 là nỗi ám ảnh của nhân loại, đến nay vẫn chưa dừng lại. Đất nước Việt Nam nhỏ bé của chúng ta quả thực đã làm rất tốt, đến nỗi bạn và tôi, có lúc chúng ta tưởng như đã thoát khỏi cơn ác mộng này, đến mức nhiều người tưởng như COVID-19 là một câu chuyện trào phúng rất bắt “trend”, một đề tài để nói cho vui hơn là một vấn đề sinh tử cấp thiết… Cho đến khi chúng ta trở thành một người trong cuộc!.

Ngày tôi đặt bút viết những dòng chữ này để tri ân ngôi nhà thứ hai mang tên Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BAOVIET Bank) chi nhánh Khánh Hòa là ngày từng giây phút của cái ký ức ám ảnh mang tên COVID - 19 một lần nữa sống dậy.

Tôi vẫn nhớ đó là ngày mà cả Tổ quốc yêu thương phải oằn mình chống đại dịch quay lại lần thứ hai; ngày mà đôi tay tôi run lên, mắt nhòe đi vì nhận ra mình có liên quan đến Thông báo khẩn số 15 mà Bộ Y tế vừa công bố; ngày mà cánh cửa xe cứu thương đóng sầm lại, chỉ duy nhất một mình tôi ngồi phía sau buồng xe với tiếng còi báo hiệu vang lên từng hồi.

Đến tưởng tượng tôi cũng chưa từng nghĩ là một ngày nào đó mình trở thành F1 – trở thành một trong những người được gọi tên đầu tiên của đợt bùng phát đại dịch lần hai. Có mơ mộng đến mấy, cũng không thể tin được rằng một ngày nào đó những trang báo mà tôi yêu thích cũng đồng loạt đưa tin về mình. Và chưa đến ba mươi phút, tôi được biết đến một cách rõ ràng rành mạch không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh. Một mình tôi đối diện với hai cơn khủng hoảng lớn nhất của đời người: sinh mạng - F1 ư, biết đâu tôi lại sẽ sớm thành F0, biết đâu tôi sẽ bị Corona “quật” chết; và danh dự - nỗi đau bị là F1 của tôi lại châm ngòi cho những cuộc công kích, dị nghị của xã hội tấn công vào tôi. Tôi đem theo tâm trạng khủng khiếp ấy đi vào khu cách ly.

Ngày tôi vào khu cách ly, trời xanh ngắt, miền duyên hải vào hè nóng rực như thiêu như đốt, thế nhưng tối hôm đó mưa giông từ đâu trút xuống dữ dội. Cả căn phòng cách ly thênh thang không có thêm một ai, với một đứa yếu bóng vía như tôi thì đây chính là ví dụ điển hình cho cái cách mà “định luật Murphy” luôn đúng trong cuộc sống khi nói về những người có vận đen, “trong cái rủi có cái xui”. Bị thần chết phát xổ số, bị nổi tiếng, giờ đây co ro trong cái căn phòng không ai muốn bước vào, mà mưa cứ rơi như trút, sấm chớp cứ chực chờ hù dọa như từng phút nhắc cho tôi nhớ thảm cảnh đen đủi của mình.

Tôi biết chứ, rằng những khó khăn mình trải qua có thấm thía gì với những vất vả của đội ngũ y, bác sĩ đang trực chiến, còn cả bộ máy Nhà nước ngày đêm gồng mình chống đại dịch, nhưng những ngày đầu cách ly thật sự là bữa cơm chan nước mắt. Bởi ai đủ bình thản đợi hơn mười tiếng đồng hồ chỉ để chờ kết quả xét nghiệm, ai đủ vững vàng để đón nhận cái tin mình trở thành nạn nhân của đại dịch, và ai đủ vững vàng để ngăn cho nước mắt không trào ra trước những lời thóa mạ từ những người xa lạ. Tôi biết làm thế nào, chính tôi cũng không chắc mình có nhiễm phải COVID- 19 hay không thì lấy tư cách gì để biện giải cho chính mình. Sự thật là tôi là F1, sự thật là vì tôi mà cả gia đình, nơi tôi sống, cơ quan tôi công tác, những đơn vị liên quan đến các thành viên của gia đình tôi đều bỗng trở thành đối tượng cần theo dõi y tế và bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Tôi cúi mặt như tội đồ, cái gánh nặng hữu hình lẫn vô hình đè tôi ngạt thở.

Nhưng bạn biết không, phải có những lúc rơi vào lối cụt, phải có những khi bị xô ngã, giẫm đạp, ta mới biết quý trọng những cánh tay nâng đỡ ta, mới hiểu sâu sắc rằng trong đời còn có cái gọi là tình người. Cảm ơn những người yêu thương tôi, cảm ơn gia đình thứ hai BAOVIET Bank chi nhánh Khánh Hòa đã giúp tôi vượt qua cơn sóng gió ấy.

Tôi vẫn nhớ cô bạn đồng nghiệp ngày ấy gọi cho tôi hơn chục cuộc gọi nhỡ vì tôi không đủ bình tĩnh để trả lời, sau đó để lại dòng tin nhắn mà thương đến thế này: “Nghe máy tui đi nè, dù bà có bị gì thì tui không có kì thị bà đâu” và tiếp đến là gửi cho tôi hộp đồ chi viện vào khu cách ly. Tôi kể về người chị đồng nghiệp dù bận bịu chăm hai em bé nhỏ vẫn ráng thức khuya thêm vài tiếng đồng hồ nữa đến tận 1-2 giờ sáng chỉ để nhắn tin trấn an tinh thần tôi, bởi vốn dĩ tôi nổi tiếng tại cơ quan là không thể tự một mình lên tầng kho trên cùng – tôi luôn cảm thấy có nhiều hơn số người hiện hữu ở những nơi tối tăm yên tĩnh, vâng, tôi sợ ma lắm.

Tôi được kể lại rằng, những ngày ấy cũng ác mộng không kém với cơ quan tôi. Thông báo phát đi, thông tin của tôi bị công khai, kéo theo là những khách hàng hoang mang tột độ, và mỗi ngày, mỗi giao dịch viên đã phải trả lời hơn trăm cuộc gọi đến chỉ để hỏi về tôi. Mọi người không hề trách cứ tôi một câu, trái lại là những tin nhắn thân thương ấm áp thế này: “Em (Chị) đừng lo lắng suy nghĩ gì nhé, mọi người ở đây không sao cả, cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé!”. Cảm ơn các anh chị em đã vất vả vì tôi, đã không tiếc tấm lòng an ủi tôi, bảo vệ tôi trước những búa rìu dư luận.

Dành riêng những lời trân trọng cảm ơn Ban lãnh đạo BAOVIET Bank cảm ơn đã quan tâm, động viên tinh thần tôi, đã ở vị trí của mình chống đỡ bảo vệ tôi. Tôi biết những ngày ấy là hàng tá cuộc điện thoại báo cáo dồn dập, là báo chí bủa vây, là áp lực từ các khách hàng, là rủi ro kinh tế đối với một cơ quan sự nghiệp, là cái nhìn chờ đợi dẫn dắt từ nhân viên,… Nhưng đều đặn hàng ngày là những lời hỏi han ấm áp về tình hình sức khỏe của tôi, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tôi an tâm hoàn thành việc cách ly một cách tốt nhất. Từng chút từng chút yêu thương quý giá tôi được nhận về như thế, làm sao tôi không biết ơn, không trân trọng, không ghi lòng tạc dạ cho được.

Chính nhờ lòng yêu thương, sự cảm thông và tử tế của ngôi nhà BAOVIET Bank Khánh Hòa, tôi không còn là cô gái cầm hộp cơm mà đẫm nước mắt của ngày đầu nữa. Mọi người yêu thương tôi như vậy, tôi còn sợ hãi điều gì! Tôi đã có được lý do để mạnh mẽ, tôi giữ gìn sức khỏe tốt, tôi suy nghĩ tích cực, tôi tuân thủ tuyệt đối quy định cách ly, tôi bỏ qua những đả kích, tiêu cực từ người khác.

Âm tính tất cả các lần xét nghiệm, cuối cùng tôi cũng được trở về. Đoạn đường về nhà ngày hôm ấy chưa bao giờ xa đến như thế.

Tôi vẫn luôn ấp ủ một lần được nói lời cảm ơn, được bày tỏ lòng biết ơn vì những điều tử tế, sự yêu thương mà BAOVIET Bank dành cho tôi trong quãng đường 6 năm qua và đặc biệt trong khoảng thời gian đầy khó khăn ấy – đây chính là dịp để tôi thực hiện được lời hứa này. Và tôi biết rằng “Hành trình từ F1 đến F5” của tôi có được chỉ gói gọn giản đơn bằng một trái tim tử tế. Cảm ơn ngôi nhà BAOVIET Bank chi nhánh Khánh Hòa.

 

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

Đinh Thị Như Diệu