Giấc mơ viết tiếp

Văn hóa - Ngày đăng : 17:24, 06/04/2021

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhìn chiếc máy đếm tiền roàn roạt chạy nhanh hơn cả chong chóng gió, Thăng cứ trầm trồ mãi không thôi. Ước mơ trở thành nhân viên ngân hàng để được ngồi bên chiếc máy đếm tiền bắt đầu nhú mầm trong trái tim Thăng từ đó. Ngay cả mẹ cũng không ngờ rằng, hơn chục năm sau, ước mơ ấy của Thăng vẫn còn đầy thiết tha và cháy bỏng.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phùng Phan, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

 

 

- Thăng ơi, mẹ em đang trong cơn nguy kịch!

- Anh đến ngay bây giờ. Phương, chờ anh.

Phương ngồi bên giường bệnh nồng nặc mùi thuốc tẩy, nhìn cái dáng thoi thóp của mẹ nằm hôn mê giữa dây dợ chằng chịt cùng tiếng máy đo nhịp tim run lên từng hồi chậm rãi mà nước mắt giàn giụa rỏ ướt cả vạt chăn ngả màu cháo lòng loang lổ. Ngoài cửa sổ, mây xám trên nền trời dàn ra như thứ mực tàu pha loãng, gờn gợn, âm u. Phương choàng tay ôm ngang bụng mẹ, bao nhiêu ký ức cứ thế ùa về như những hạt giống đòi cựa mình bật bung mầm sống...

Bố đã bỏ rơi mẹ con Phương theo một người đàn bà trẻ đẹp vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới hồi Phương mới lên năm. Ký ức về bố chỉ còn lại là đôi mắt sâu u sầu ẩn sau lớp khói thuốc lào luẩn quẩn. Mẹ con Phương bám trụ lại Hà Nội, trong căn phòng tập thể cũ kỹ chưa đầy hai mươi mét vuông với đồng lương công chức cõi còm, sống qua ngày bằng những bữa cơm mắm muối, dưa cà thanh đạm.

Mẹ Phương là cán bộ ngành Ngân hàng. Thoạt nghe, ai cũng nghĩ đó là ngành hái ra bạc, vạc ra tiền. Nhưng chẳng mấy ai thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ trước từng tập hồ sơ cao ngất cùng những con số dường như lúc nào cũng xôn xao cựa quậy? Ngày dứt áo ra đi, bố Phương thủng thẳng ném vào mặt mẹ những lời cay nghiệt: “Suốt ngày tính tính, toán toán mà có dư nổi đồng nào? Cái mác Ngân hàng tưởng ngon, ai dè chẳng bằng con bán cháo rong đầu ngõ”. Mẹ nức nở: “Anh muốn đánh, muốn chửi tôi thế nào cũng được. Nhưng xin đừng xúc phạm nghề nghiệp của tôi”.

Hai mươi hai tuổi, tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng ở một trường đại học khá uy tín, Phương vẫn quyết định rẽ ngang sang con đường làm người mẫu. Bởi lẽ, ngay từ khi đặt bút vào tập hồ sơ tuyển sinh để đăng ký thi vào ngành học ấy theo nguyện vọng của mẹ, Phương đã biết trước sẽ có ngày này. Mẹ ngậm ngùi tiếc nuối, nhưng bà vẫn luôn tôn trọng quyết định của con gái.

Nghỉ hưu, bà chuyển vào Sài Gòn ủng hộ con gái theo đuổi giấc mơ showbiz. Hai mẹ con thuê một gian hầm bé tin hin chìm trong bóng tối um ủm. Những ngày nắng, đến không khí còn chẳng đủ mà thở. Những ngày mưa, nước thải từ con cống ngầm ùa vào sặc sụa. Bây giờ, khi mẹ nằm trên chiếc giường bệnh, Phương tự trách bản thân, có phải cuộc sống tù túng, cơ cực là căn nguyên ủ mầm khối u ác tính trong cơ thể mẹ? Mẹ đã giấu nhẹm nỗi đau và âm thầm làm thêm đủ thứ nghề để có tiền hỗ trợ son phấn, váy vóc cho Phương. Mẹ chẳng mảy may nghĩ chút gì cho bản thân mình cả…

- Anh, nhìn mẹ quằn quại trong cơn đau, em thương quá.

- Anh xin lỗi, Phương ơi…

Thăng lớn lên trong một mái ấm nề nếp gia phong. Mẹ là giáo viên. Bố là sĩ quan Hải quân về hưu với quân hàm đại tá. Bố luôn hi vọng Thăng sẽ nối nghiệp ông, tiếp tục làm rạng danh bảng thành tích đầy những bằng khen, huân, huy chương mà cả đời ông cố công phấn đấu. Nhưng đùng một cái, trong buổi dã ngoại cùng gia đình, Thăng công bố:

- Con sẽ thi ngành Ngân hàng.

Bố bẻ lại cổ áo, nghiêm nghị nhìn Thăng:

- Anh đang nói đùa phải không?

- Con đã nghĩ rất kỹ, thưa bố.

Thăng yêu thích ngành này từ những ngày còn là cậu bé lũn cũn theo chân mẹ ra Ngân hàng huyện thực hiện các giao dịch. Môi trường ở đó luôn năng động và huyên náo, khác hẳn không khí tẻ nhạt, nghiêm trang trong căn nhà rộng rãi mà lúc nào Thăng cũng cảm thấy căng thẳng đến ngộp thở. Nhìn chiếc máy đếm tiền roàn roạt chạy nhanh hơn cả chong chóng gió, Thăng cứ trầm trồ mãi không thôi. Ước mơ trở thành nhân viên ngân hàng để được ngồi bên chiếc máy đếm tiền bắt đầu nhú mầm trong trái tim Thăng từ đó. Ngay cả mẹ cũng không ngờ rằng, hơn chục năm sau, ước mơ ấy của Thăng vẫn còn đầy thiết tha và cháy bỏng.

Bố gằn tiếng:

- Cử nhân Ngân hàng đang thất nghiệp nhan nhản như nấm sau mưa. Mày học ngành đó, đến lúc không xin được việc, cỏ chẳng có mà cạp đâu, con ạ!

Thăng vẫn đi trên con đường mà mình chọn. Và từ đó, giữa bố và Thăng là một bức tường định kiến vô hình không thể nào xóa nhòa được. Thăng gắng gượng đến lần thi thứ ba, vẫn thiếu những hai điểm rưỡi. Cổng trường Đại học Ngân hàng vẫn là một giấc mơ quá đỗi xa vời mà với lực học mấp mé mức trung bình khá, Thăng chẳng cách nào chạm nổi. Ngày Thăng rệu rã xách ba lô về nhà, bố chì chiết: “Thế nào, sắp được ngồi bên cái máy đếm tiền chưa? Đời mày thế là mờ rồi, con ạ”.

*

- Anh ơi, em áp lực quá!

- Tĩnh tâm đi, Phương. Anh luôn bên cạnh em.

Phương vẫn nhớ như in cái lần vào Ngân hàng rút tiền, bị một tên cướp đi phía sau bất thình lình giật mất chiếc ví. Khi Phương ú ớ hô hoán thì anh bảo vệ Ngân hàng đứng ở cổng nhanh chóng lao tới chặn đường tên cướp. Hai bên giằng co quyết liệt. Anh đã lấy lại được chiếc ví cho Phương nhưng cổ tay anh bị tên cướp dùng dao nhọn rạch một nhát rất dài, chia đôi vết bớt hình quả táo, máu tong tỏng rỏ ra ướt đầm vạt áo mỏng. Anh bảo vệ ấy chính là Thăng. Và những ngày Phương đến bệnh viện chăm sóc Thăng, vị thần tình yêu đã bắn một mũi tên xuyên qua hai trái tim của họ.

- Sao lần ấy anh liều lĩnh thế?

- Đó là công việc, là nhiệm vụ của anh  - Thăng điềm đạm đáp. Em có biết không, ngày được khoác lên bộ quần áo bảo vệ Ngân hàng, anh xúc động vô cùng, em ạ.

Phương véo má Thăng:

- Anh đam mê đến thế cơ à?

Giọng Thăng hơi bùi ngùi:

- Cuối cùng, tuy không được ngồi bên chiếc máy đếm tiền như ước mơ tuổi nhỏ, nhưng anh cũng đã được cống hiến cho ngành Ngân hàng, bằng tất cả niềm tin và sự trân trọng nhất.

Hai đứa nằm rạp trên thảm cỏ mượt, đưa tay hứng những đốm sáng ánh đèn cao áp bên đường xuyên qua đám lá cây đang lay lay theo gió. Phương dùi dũi rúc đầu vào ngực Thăng. Ở nơi đó, Phương thực sự thấy được bảo vệ, chở che, thấy lòng nhẹ nhõm, bình yên tựa như những giọt sương đang ngủ vùi trên lá cỏ. Phương trầm ngâm:

- Cuộc đời thật oái oăm, anh nhỉ. Ước mơ và thực tế đôi khi chẳng liên quan gì đến nhau. Tấm bằng Ngân hàng của em vẫn ngủ quên trong ngăn tủ. Trong khi, anh…

Thăng khẽ vuốt những sợi tóc mai lòa xòa trên Phương, thủ thỉ:

- Thôi nào, tình yêu của anh. Bây giờ, anh lại càng yêu và thầm cảm ơn cái công việc bảo vệ Ngân hàng này. Bởi nhờ có nó mà anh có được em.

Trong chừng ấy năm tháng yêu nhau, dù khó khăn, dù thiếu thốn, Thăng vẫn luôn quan tâm Phương bằng những cử chỉ rất mực ân cần. Thăng cho đi và không bao giờ đòi hỏi nhận lại. Tình yêu hai người chưa bao giờ vượt qua giới hạn của một nụ hôn ý nhị.

*

- Anh ơi, em hết cách rồi?

- Phương ơi, anh sẽ cố gắng nghĩ cách.

Ngồi lặng lẽ trong căn gác xép chật chội, Thăng đã đốt đến điếu thuốc thứ mười ba. Những điếu lọc nằm vung vãi trên chiếc sàn gỗ ẩm mục. Hết gợn khói này đến gợi khói khác cứ quấn lấy nhau chẳng chịu tan ra, lòng vòng, u uẩn. Ngoài kia, phố nhỏ đã ngủ yên dưới ánh đèn đường hoe vàng, tịch mịch. Thi thoảng một vài tiếng rao đêm khe khẽ vang lên càng làm ruột gan Thăng nóng bừng như có hòn than hồng đang ủ nhiệt. Phải làm gì để cứu mẹ Phương đây?

Mấy hôm trước, khi Thăng đang lúi húi nhặt rác trước cổng ngân hàng thì một người đàn ông mặc áo hồng cánh sen từ trong sảnh bước tới, cầm lấy bàn tay Thăng, ỏn ẻn:

- Ôi trời ơi, nhìn cái bàn tay đẹp như thế này mà cặm cụi nhặt rác, phí chưa kìa.

Thăng vừa gạt bàn tay của người đàn ông kia ra khỏi tay mình, chưa biết nói gì thì gã chìa cái túi xách màu tím căng phồng trước mặt Thăng, thao thao bất tuyệt:

- Anh ơi, anh có người yêu chưa? Nếu chưa có thì về team em nè. - Gã khua tay yểu điệu rồi thoăn thoắt nhét tấm danh thiếp vào túi quần Thăng - Em chỉ có trái tim mong manh và túi tiền căng tức. Anh suy nghĩ kỹ nhé.

Câu nói của người đàn ông mặc áo hồng cánh sen cứ văng vẳng trong đầu Thăng: “Anh suy nghĩ kỹ nhé”. Từ lâu, mẹ Phương đã coi Thăng như con ruột. Vậy mà khi bà ấy gặp chuyện hoạn nạn, Thăng lại không giúp được gì. Miệng Thăng cứ nhả khói liên tục cho đến bao thuốc thứ hai trống rỗng. Thăng bất lực dập đầu mình vào ô cửa sổ, khóc như một đứa trẻ rồi quyết định đặt tay vào mục tin nhắn, viết rồi xóa, xóa rồi viết…

*

- Anh, anh đến bệnh viện nhé.

Thăng cuống cuồng phi xe như bay đến bệnh viện. Mẹ Phương vẫn nằm hôn mê giữa những chịt chằng dây dợ. Bên cạnh, Phương đang nắm chặt tay mẹ. Thăng hốt hoảng nói trong tiếng thở dốc:

- Mẹ sao rồi em?

- Mẹ vẫn thế, anh ạ. Chúng ta ra ngoài nói chuyện với nhau một chút được không?

Giọng Phương chậm rãi nhưng Thăng vẫn lờ mờ cảm nhận thấy điều gì đó bất an. Ra một góc vắng, Phương thì thầm nũng nịu:

- Anh, anh ôm em thật chặt, được không?

Thực ra, trước khi gặp Thăng, Phương cũng từng có một vài mối tình vắt vai. Song, những thứ rung cảm chớp nhoáng giữa nhịp sống xô bồ này rồi cũng chẳng thể đi đến cuối hành trình hạnh phúc. Đa số đàn ông đến với Phương không quá vài tuần đã nằng nặc đòi hỏi chuyện giường chiếu. Thăng thì khác. Anh luôn trân trọng và nâng niu Phương như một đóa sen tinh khiết. Phương thầm nghĩ, Thăng là một chàng trai đặc biệt, đặc biệt từ cái cách anh theo đuổi đến cùng giấc mơ được cống hiến cho ngành Ngân hàng tới việc anh chăm sóc, quan tâm Phương tận tình, chu đáo.

- Anh yêu em nhiều như thế nào?

- Nhiều đến mức nếu… một ngày tử thần bắt anh lựa chọn mạng sống của anh hoặc em, anh sẽ… chấp nhận chết để em được sống.

Phương lại đấm thùm thùm vào ngực Thăng:

- Anh lại đọc nhiều ngôn tình quá rồi. Anh khùng lắm. Nếu thần chết bắt anh đi thì em sẽ khuyến mại cho ông ta thêm cái mạng của em.

- Hôm nay, em có vẻ… khang khác.

Phương tần ngần mở Messenger đưa cho Thăng. Tin nhắn từ nick name Facebook Cáo Già, một ông trùm nổi tiếng về sự giàu có và thủ đoạn trong làng giải trí, hiện ra: “Có một người đàn ông đã theo dõi em rất lâu. Anh ta thực sự mê em. Em suy nghĩ kỹ đi. Nếu em đồng ý, ngay đầu tuần, 10.000 đô sẽ ting ting vào điện thoại em ngay lập tức”. Một tin nhắn khác gửi sau với nội dung: “Anh đã gặp người yêu em ở cổng Ngân hàng. Rất ngon. Hoặc nếu em thuyết phục được anh ấy ngủ với anh một đêm, em cũng sẽ được số tiền tương đương”, Phương đã xóa trước khi Thăng đến.

- Em thật là rẻ rúng, phải không anh?

Thăng thẫn thờ nhìn sâu vào mắt Phương, giọng đầy mặc cảm tội lỗi:

- Tất cả là tại anh. Anh bất tài. Anh vô dụng. - Thăng chắp tay - Anh xin em, Phương ơi. Em muốn nghĩ anh ích kỷ, nhỏ nhen cũng được, nhưng xin em đừng nhận lời hắn ta. Anh sẽ nghĩ cách, ngay lập tức.

*

- Anh, anh lấy số tiền này ở đâu vậy?

- Anh trúng số. Em tập trung lo cho mẹ đi. Anh đang chạy xe qua bệnh viện. Có gì kể sau, chuyện dài lắm.

Ca phẫu thuật cho mẹ kết thúc thành công. Sau mưa, nắng lại về, rạng rỡ. Trong khi mẹ đang ngủ, Phương đọc báo cập nhật các xu thế thời trang gần đây. Phương nhớ lại những năm tháng theo đuổi giấc mơ nữ hoàng sàn diễn của mình cũng như thứ ảo giác của người khát nước trên Phương mạc, thấy dòng thác ngay trước mắt nhưng bước đến kiệt sức cổ họng vẫn cháy khô. Đằng sau những sải bước lạnh lùng trên sàn runway, Phương đã phải chịu biết bao ê chề, ấm ức. Bị quỵt cát - sê. Bị cướp suất diễn. Bị đổ nước mắm lên váy áo. Bị đại gia gạ tình bằng những đồng tiền bẩn thỉu… Phương đã vượt qua, miễn nhiễm với mọi loại scandal. Có phải vì thế mà bao năm trôi qua, Phương vẫn mờ nhạt giữa làng thời trang mặn mà hương sắc. Đúng như một đàn em từng móc mỉa, Phương hết thời thật rồi. Phương sẽ làm gì để tiếp tục cho vòng xoáy mưu sinh bon chen, quăng quật?

Bỗng nhiên, Phương nhận được một đoạn video ngắn qua Messenger từ nickname Cáo Già quen thuộc kèm lời nhắn: “Có nhận ra ai đây không?”. Phương bấm xem. Trên chiếc giường trắng hướng về phía bể bơi xanh biếc, hai cơ thể đàn ông không rõ mặt đang quấn riết lấy nhau giữa những tràng âm thanh man man, rền rĩ. Người đàn ông nằm dưới có… một vết bớt hình quả táo nơi cổ tay. Phương nhắm nghiền mắt rồi lẩy bẩy tắt nguồn điện thoại, lồng ngực nhói lên từng chặp. Đúng lúc ấy, Thăng tới với chiếc cặp lồng cháo bóng loáng. Phương ùa tới, cắn ngực Thăng rồi gào lên rấm rứt:

- Em biết hết rồi. Sao đời anh khổ thế, Thăng ơi!

Đặt cặp lồng cháo lên bàn, Thăng âu yếm nhìn vào mắt Phương:

- Có chuyện gì, bình tĩnh kể anh nghe.

Phương đưa đoạn video cho Thăng xem. Thoạt tiên, Thăng hơi sửng sốt. Sau đó, hiểu ra vấn đề, anh kéo cao tay áo rồi cốc nhẹ lên đầu Phương, giọng trầm ấm:

- Em nhìn kỹ lại xem. Vết bớt của người đàn ông kia ở cổ tay trái. Còn vết bớt của anh ở cổ tay phải cơ mà.

Lúc này đây, Phương mới định thần nhìn lại. Suýt nữa, Phương đã mắc mưu tên Cáo Già mưu mô, quỷ quyệt. Phương chợt ớn lạnh khi nghĩ đến cái ngày trở lại sàn diễn. Phương khẽ hỏi Thăng:

- Trong thời gian gấp, anh xoay đâu số tiền lớn vậy? Anh trúng số thật ư?

Giọng Thăng từ tốn:

- Em quên anh đang công tác ở đâu à? Ngân hàng tạo điều kiện cho anh vay 100 triệu với lãi suất thấp. Rồi khi biết chuyện, các anh chị đồng nghiệp mỗi người rút tiền túi cho anh vay thêm một ít với lãi suất 0 đồng, không thời hạn nữa. Ở Ngân hàng anh đang làm, mọi người sống với nhau ấm áp nghĩa tình như một đại gia đình thực thụ, em ạ. Gặp được một nơi như thế thì còn may mắn gấp trăm lần trúng số, phải không em?

Phương hơi bối rối:

- Vậy mà em bỏ lỡ giấc mơ được sống và cống hiến trong một đại gia đình tuyệt vời như thế. Giờ đắc tội với lão Cáo Già rồi, em cũng chẳng còn đường trở lại showbiz. Mọi thứ lỡ làng thật rồi…

Thăng rút trong túi áo ra một tờ giấy thông báo, nở nụ cười:

- Chưa muộn đâu em. Ngân hàng bên anh đang có đợt tuyển nhân viên mới nè. Chúng ta hãy cùng nhau viết tiếp giấc mơ đẹp ấy, em nhé.

- Mẹ em chắc sẽ rất vui khi biết em nộp hồ sơ ứng tuyển.

Ngoài ô cửa nhỏ, nắng hân hoan nhảy nhót trên tàng cây mướt xanh và đàn sẻ nâu đang gieo từng tiếng hót trong veo như muốn viết lên bài ca hạnh phúc!

Cuộc thi viết “Ngân hàng tôi yêu” do Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (Cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) phối hợp với Công ty Cổ phần UB Việt Nam (UBGroup - Thành viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) tổ chức hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Ngân hàng.

Ban tổ chức nhận bài thi từ ngày 22/3/2021 đến ngày 16/4/2021 và lễ trao giải dự kiến tổ chức ngày 6/5/2021 - đúng ngày kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngân hàng.

Đối tượng dự thi bao gồm cán bộ, nhân viên ngành Ngân hàng và người thân, khách hàng của các ngân hàng, cán bộ thuộc cơ quan quản lý, các đối tác của ngân hàng và các đơn vị, tổ chức liên quan tới hoạt động tài chính ngân hàng. Bài  dự thi thể hiện dưới các hình thức như viết văn xuôi, viết thư, truyện ngắn, sáng tác thơ, sáng tác bài hát. Chủ đề bao gồm chia sẻ câu chuyện về đồng nghiệp, nơi làm việc, những hoạt động chung lan tỏa tình cảm yêu nghề và những cảm xúc đẹp về ngành Ngân hàng...

Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 100 triệu đồng. Bài dự thi xin vui lòng gửi về duthi@nganhangtoiyeu.vn theo cú pháp sau: Tiêu đề: [Bài dự thi “Ngân hàng tôi yêu”_ Họ tên người dự thi _ Đơn vị công tác].

Thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, mời quý độc giả tham khảo qua Thông cáo báo chí: https://nganhangtoiyeu.vn/phat-dong-cuoc-thi-viet-ngan-hang-toi-yeu

 

Phùng Phan: